Những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa- Bài cuối

Thứ năm, ngày 30/04/2015

Bài cuối: Kết nối bằng giải thưởng mang tên thi tướng Huỳnh Văn Nghệ

Sáng tác trước hết là nhu cầu tự thân của văn nghệ sĩ (VNS). Thời nào cũng có những con người luôn hướng đến nghệ thuật bằng cả niềm đam mê của mình. Với sự định hướng đúng đắn, văn chương, nghệ thuật sẽ có tính chiến đấu, hướng con người đến với chân thiện mỹ. Bình Dương có một “động lực” sáng tác từ giải thưởng mang tên thi tướng nổi tiếng Huỳnh Văn Nghệ - người con ưu tú của vùng đất này.

(BDO)  Cắt băng khai mạc Triển lãm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ là một người con ưu tú của vùng đất Chiến khu Đ. Ông sinh năm 1914, mất năm 1977, nguyên quán Thường Tân nay thuộc huyện Bắc Tân Uyên. Năm 1934 đỗ bậc Thành chung ở trường Petrus Ký, làm viên chức cho Sở Hỏa xa Sài Gòn. Ông viết báo, làm thơ đăng trên báo tiếng Việt và tiếng Pháp ở Sài Gòn từ năm 1935. Năm 1942, ông tổ chức xuất bản Tạp chí “Hồn cố hương” - tờ báo Việt ngữ đầu tiên ở Thái Lan. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Huỳnh Văn Nghệ vừa trực tiếp chiến đấu vừa làm báo và sáng tác thơ, văn. Thơ của ông giàu tính hiện thực, kể về cuộc sống ở vùng đất Đông Nam bộ.

Theo nhạc sĩ Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh, giải VHNT Huỳnh Văn Nghệ là giải thưởng cấp tỉnh được tổ chức định kỳ 5 năm một lần nhằm huy động lực lượng sáng tác trong và ngoài tỉnh sáng tác những tác phẩm mới về đất và người Bình Dương trong quá trình lao động, chiến đấu, xây dựng quê hương. Giải thưởng này còn chú trọng tới thời kỳ đổi mới ở tất các các thể loại văn học, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh… Giải thưởng cũng thể hiện sự nỗ lực sáng tạo không ngừng của VNS.

Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ còn thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với sự phát triển VHNT của tỉnh nhà. Điều này còn là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn để VNS sáng tác. Các tác phẩm VHNT có giá trị về nghệ thuật để vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương vừa đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sáng tạo và thưởng thức VHNT của người dân… Trải qua mỗi lần tổ chức giải, hàng chục tác giả đạt giải trên các lĩnh vực nghệ thuật. Mới đây nhất là lần thứ IV (giai đoạn 2006-2011) có 42 tác phẩm của 42 tác giả được giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ và đã được Hội VHNT tập hợp, xuất bản thành kỷ yếu chung. Hiện nay, giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ lần thứ V giai đoạn 2011-2015 đang “chạy nước rút” và ban tổ chức vẫn chờ đón các tác giả trong ngoài tỉnh gửi tác phẩm dự thi.

“Điểm qua” các gương mặt từng nhận giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ thấy toàn những bậc tiền bối như: Nguyễn Trọng Đạt, Phan Đức Nam, Nguyễn Hiếu Học, Nguyễn Bá Nhân… Khá thiếu vắng các gương mặt trẻ ngoài nhà thơ - thầy giáo Lê Minh Vũ vẫn còn viết đều đặn trên các diễn đàn thơ văn. Điều này nói lên rằng, sự kết nối trong lĩnh vực VHNT của tỉnh nhà cần lắm những VNS trẻ, sinh ra và trưởng thành sau năm 1975. Nhạc sĩ Võ Đông Điền nhiều lần bày tỏ: “Lực lượng sáng tác tuổi 40 của tỉnh vẫn có nhiều, lợi thế của họ là năng động, có sức trẻ và ham mê khám phá, tìm tòi cái mới trong các dịp tổ chức trại sáng tác. Nhưng cũng có điểm hạn chế khi sáng tác chỉ là… tay trái, ai cũng có công việc phải làm, phải lo cho cuộc mưu sinh nên đôi khi, niềm đam mê nghệ thuật tạm thời gác lại đó đã”.

Nhiều VNS cũng thường trao đổi với nhau rằng để kết nối các thế hệ sáng tác, kết nối liền mạch các giai đoạn sáng tác thì bản thân các VNS phải không ngừng cố gắng, bám sát thực tiễn cuộc sống, phải đi nhiều, nghe nhiều và viết nhiều. Có vốn sống phong phú mới thực sự có những trang viết nóng hổi tính thời sự, những tác phẩm tranh, ảnh, âm nhạc… hay, xúc động người thưởng lãm. Và khi đó mới có những tác phẩm mang dáng vóc riêng của mảnh đất miền Đông Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng như kỳ vọng của một giải thưởng VHNT cấp tỉnh.

QUỲNH NHƯ 

 

Từ khóa: