Những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - Bài 2

Thứ ba, ngày 21/04/2015

Bài 2: Sức mạnh từ những bức ký họa

Những năm tháng chiến tranh, họa sĩ là người lính trên chiến trường với sức mạnh của ý chí và ngòi bút vẽ nên những bức chân dung với cảm xúc rất thật. Tranh của họ đã truyền đi thông điệp chiến đấu đến cùng cho độc lập dân tộc…

(BDO)

Họa sĩ Phạm Minh Sáu, nguyên cán bộ tuyên huấn Trung ương Cục, nguyên Hiệu trưởng trường Trung cấp Mỹ thuật Văn hóa - một trong những họa sĩ của Bình Dương có nhiều bức ảnh ký họa thời chiến. Ảnh: Q.NHƯ

Thử tìm hiểu về phong trào đấu tranh cách mạng qua tranh vẽ, nhiều họa sĩ ở Bình Dương cho biết, có cả một kho tàng đồ sộ các tác phẩm ghi lại thật sinh động những cảnh chiến trường, đường hành quân, phút bình yên hiếm hoi cũng như tình quân dân trong giai đoạn 1945-1975. Một trong những bậc thầy của dòng tranh này là họa sĩ Trần Đình Thọ (1919-2010). Ông quê ở xã Phù Hưng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Họa sĩ Trần Đình Thọ tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XIII (1939-1944), hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ 1957. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông công tác tại báo Cờ giải phóng, Hội Văn hóa Cứu quốc; Nhà xuất bản Sự thật, họa sĩ báo Cứu quốc Trung ương… Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông được giới họa sĩ biết đến là bức “Đêm hành quân”, tranh sơn mài (vẽ năm 1974, khổ 125x165cm). Bức tranh ghi lại khung cảnh thật đẹp, thật nên thơ hình ảnh các chiến sĩ hành quân dưới ánh trăng tròn vành vạnh. Ở Bình Dương, nhiều họa sĩ như Phạm Minh Sáu, Lê Khánh Thông… cũng vẽ rất nhiều hình ký họa chân dung chiến sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, các khung cảnh của làng quê trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước.

Điều đáng trân trọng là dòng tranh này đã “truyền lửa” cho các thế hệ họa sĩ trẻ. Họa sĩ Lê Quang Lợi đã chọn đề tài “Lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng” trong hội họa Việt Nam giai đoạn 1945-1975 để làm luận văn tốt nghiệp. Anh học trường Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh và hiện là một họa sĩ có nhiều giải thưởng cũng như “sống được bằng nghề” như nhiều người biết. Trao đổi về tính chiến đấu trong tranh của các họa sĩ thời chiến, anh cho biết: “Cách mạng Tháng Tám thành công, dân tộc ta bước vào 2 cuộc kháng chiến trường kỳ. Theo lời Đảng gọi, tầng lớp họa sĩ đã thâm nhập vào thực tế cuộc đấu tranh của dân tộc. Họa sĩ dùng ngôn ngữ hội họa làm vũ khí để cổ vũ, tuyên truyền, động viên mọi người hưởng ứng vào cuộc giải phóng dân tộc. Họ cũng đã khắc họa được chủ nghĩa anh hùng cách mạng với những tác phẩm hội họa mang đậm nét sử thi, hoàng tráng…”.

Thời chiến, họa sĩ cũng là chiến sĩ nên họ đã ghi lại những hình ảnh quý báu, những điều họ đã trực tiếp trải qua tại chiến trường. Những bức tốc ký cảnh những trận đánh, đường hành quân, chân dung các dũng sĩ diệt Mỹ hay những nữ dân quân hiện lên thật sinh động qua nét vẽ của họa sĩ. Cũng chính các họa sĩ đã ghi lại những bức tranh sinh động như các tác phẩm nổi tiếng về chiến tranh: “Mặt trận cầu chữ Y”, “Trận La Ngà”, “Trận ấp Bắc”, “Chiến khu rừng Sác…”. Cũng nhờ những họa sĩ chiến trường mà chúng ta có thể biết đến các bức tranh như: “Nữ dân quân miền biển” của Trần Văn Cẩn (1960) hay “Dũng sĩ diệt Mỹ Võ Thị Mô” của Huỳnh Phương Đông (1966)…

Bản thân họa sĩ Lê Quang Lợi cũng ảnh hưởng bởi dòng tranh này qua các tác phẩm được đánh giá cao như: “Chị nuôi bên bếp đất”, “Nữ dân quân tải đạn”, “Quân y viện”. Anh cho rằng, tinh thần quyết hy sinh cho độc lập dân tộc cũng như sức sáng tạo của các thế hệ cha anh luôn là nguồn sức mạnh, là bài học quý cho các thế hệ trẻ noi theo, biết sống tốt, có trách nhiệm hơn với nghệ thuật…

Bài 3: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và những bài ca cách mạng

 QUỲNH NHƯ