Những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - Bài 7
Bài 7: Nhớ những ngày làm văn nghệ ở R…
Ông Phạm Ngọc Am (ảnh) là một trong những người đầu tiên “gầy dựng” Hội Văn học- Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Sông Bé - Bình Dương. Từng “làm văn nghệ” ở Trung ương Cục miền Nam nên ông đem tâm huyết của mình kêu gọi anh chị em văn nghệ sĩ tề tựu dưới một mái nhà nghệ thuật chung. Những ngày chiến đấu trên mặt trận văn hóa gian khổ ở chiến khu, ông vẫn còn nhớ như mới hôm qua đây thôi…
Ông Phạm Ngọc Am sinh năm 1944, quê ở Hà Nam. Ông sinh ra lớn lên ở Hà Nội. Ông nguyên là cán bộ Phòng Chính trị Cục Tham mưu Quân giải phóng. “Tháng 3-1969, rời ngôi nhà số 19 Tràng Tiền, Hà Nội, xa ánh điện lung linh soi bóng mặt hồ Gươm huyền thoại, tôi cùng đồng đội hành quân về phía chiến trường B2 bằng tàu hỏa, ô tô, ca nô rồi lội bộ, vượt suối, trèo đèo, đội mưa đội bão, đạn xối bom gào. Cuối cùng chúng tôi (Đoàn 28 Bộ Tư lệnh Thủ Đô) cũng tới được với chiến trường miền Nam”, ông kể.
Ngày đó, tại căn cứ Phòng Chính trị Cục Tham mưu, nhiệm vụ được giao của ông là “phái viên chiến trường”. Chưa kịp làm nhiệm vụ mới thì ông được điều ngay về Đoàn Văn công Quân giải phóng với vai trò hòa âm, phối khí cho dàn nhạc và kèm cặp nhóm nhạc công trẻ sử dụng Accordeon. Đoàn liên tục vừa đào tạo diễn viên vừa dàn dựng các chương trình biểu diễn phục vụ những đơn vị chiến đấu trước giờ xung trận. Đoàn còn đảm nhiệm phục vụ các hội nghị tuyên dương anh hùng, dũng sĩ và phục vụ các đoàn khách nước ngoài đến tìm hiểu chiến trường miền Nam. Đó là một vinh dự cho người lính trẻ khi đem được tài năng và tâm huyết của mình để phục vụ cách mạng.
Trong “Tiếng hát át tiếng bom” ấy, có không ít đồng đội của ông đã ngã xuống dưới làn bom B52, dưới pháo bầy của địch và cả những cơn sốt rét rừng. Sau năm 1975, ông Phạm Ngọc Am về Đoàn Văn công Sông Bé. Những tháng ngày này, khó khăn trăm bề, lương chẳng có là bao. Nhưng Đoàn vẫn xây dựng được nhiều chương trình nghệ thuật vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị cho nhân dân trong tỉnh và nhân dân các tỉnh miền Đông, miền Tây, vừa phục vụ cho lực lượng vũ trang dọc biên giới Tây Nam chiến đấu chống quân Pôn Pốt. Năm 1986, rời Đoàn Văn công, ông chuyển đi làm công việc tìm kiếm, tập hợp, gầy dựng lực lượng sáng tác để làm nòng cốt xây dựng nền VHNT của địa phương, góp phần làm phong phú cho nền VHNT chung cả nước.
Là những người từng gầy dựng Đoàn Văn công rồi Hội VHNT tỉnh nên nay chứng kiến sự lớn mạnh của 2 tổ chức này, ông Am thấy rất vui. Ông cũng nói rằng, dù hòa bình đã lâu nhưng lòng ông vẫn rưng rưng mỗi khi nghĩ về những người đồng đội đã ngã xuống, những người đã đến, đã đi, đã cùng ông chia ngọt xẻ bùi. Họ đã không còn được trực tiếp chào mừng những thành quả ngày này mà chính họ cũng góp công gây dựng.
Về hoạt động sáng tác, ông Phạm Ngọc Am chỉ tranh thủ viết lách sau những công việc hành chính của một công chức. Tuy nhiên, ông cũng có những sáng tác ghi dấu ấn gắn liền với lĩnh vực hoạt động của mình. Về âm nhạc, ngoài việc viết nhạc cho múa, viết hòa âm phối khí mang phong cách cổ điển cho dàn nhạc, ông cũng có những ca khúc được chú ý như “Người Stiêng có Đảng”, hoặc “Miền thương nhớ” do ca sĩ Nhất Sinh trình bày, được đài FM, VO3 và một số đài truyền hình sử dụng nhiều lần. Về văn học, tập “Dấu ấn thời gian” gồm 17 bút ký văn học như “Trở lại thung lũng mưa”, “Đêm thảo nguyên”, “Thanh An những đêm trăng sáng”, “Mã Đà sơn cước”, “Đất Bình Long”, “Điều có thật ở Lộc Ninh”… Về truyện ngắn có: “Lá vàng bay”, “Truyền thuyết làng văn”, “Khỏa thân khóc”, “Út Đực”… Đó là những vùng đất, con người ông đã đi, đã sống cùng họ nay được thể hiện chân chất trong tác phẩm. Nhân vật trong truyện ngắn của ông chủ yếu là những thân phận con người còn lại sau chiến tranh, cố gắng thoát khỏi mất mát đau thương vươn lên cùng cuộc sống.
Ông nghỉ hưu năm 2004 và vẫn gắn bó với anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà qua những chuyến đi thực tế để tiếp tục được “làm văn nghệ”!
Bài 8: Văn chương là niềm đam mê…
HƯƠNG CẦN