Những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa- Bài 5
Bài 5: Nhạc sĩ Trương Quang Lục - Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng!
Cách nói chuyện hồn nhiên, vô tư của nhạc sĩ (NS) Trương Quang Lục (ảnh) đã nhanh chóng làm cho người khác cảm tình. Hỏi ông có những nhạc phẩm cách mạng tiêu biểu nào, ông cười và nói mình không là gì so với những bậc đàn anh…
Nhưng, làm nhạc sĩ có một vài bài hát để mọi người nhớ đến, nhắc hoài đã là một diễm phúc của đời sáng tác. Chúng ta hẳn ai cũng thuộc và hát mãi bài “Trái đất này là của chúng mình” (thơ Định Hải) và bài hát Vàm cỏ đông nổi tiếng. Chúng tôi gặp ông ở Hội Âm nhạc TP.HCM và quá đỗi ngạc nhiên về cách nói chuyện, phong thái nhanh nhẹn của một người nghệ sĩ đã 82 tuổi.
NS Trương Quang Lục sinh ngày 25-2-1933, tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là hội viên Hội NS Việt Nam, đồng thời là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam bởi những đóng góp về nghệ thuật, bài viết của mình. Trong kháng chiến chống Pháp, Trương Quang Lục đã có một số bài hát được phổ biến như: Chuyến tàu trăng, Bảo vệ hòa bình, Đố cờ, Hoa bên suối. Ông chuyển ra miền Bắc vừa làm kỹ sư hóa chất ở nhà máy Super - Phosphate Lâm Thao, ông vừa sáng tác ca khúc và nhiều tác phẩm ra đời ở đó.
Thời kháng chiến chống Mỹ, NS Trương Quang Lục có những bài hát cách mạng cũng đậm chất thiết tha, trữ tình được nhiều người yêu mến. Nói về hoàn cảnh ra đời bài hát Vàm cỏ đông, NS Trương Quang Lục kể: Một đêm khuya mùa hè năm 1966 - thời kỳ không quân Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, từ Nhà máy Supe Photphat Lâm Thao, nơi ông đang công tác trở về phòng, ông chợt nghe trong buổi Tiếng thơ của Ðài Tiếng nói Việt Nam đang ngâm bài thơ Vàm cỏ đông của nhà thơ Hoài Vũ từ miền Nam gửi ra. Lời thơ và giọng ngâm thật tha thiết. Ông xúc động, miên man suy nghĩ. Lên giường nằm, trước khi ngủ ông giở tờ báo Văn Nghệ vừa mới nhận được chiều hôm đó lại chợt thấy đăng bài thơ Vàm cỏ đông. Thế là ông ngồi bật dậy, đọc tới đọc lui bài thơ nhiều lần, chọn những đoạn thích hợp nhất và phổ nhạc. Chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ, ca khúc Vàm cỏ đông đã hoàn thành.
Nói về việc phổ nhạc cho thơ, ông lại nhắc đến NS Phan Huỳnh Điểu như một người đàn anh thành công với nhiều bài thơ phổ nhạc. Bởi theo NS Trương Quang Lục, nhà thơ gieo vần hay, trau chuốt và nhạc sĩ có giai điệu đẹp sẽ là mối “nhân duyên” thật nên thơ. Đó là những lời hát thật đẹp: “Ở tận sông Hồng anh có biết/Quê hương em cũng có dòng sông/ Em mãi gọi với lòng tha thiết/ Vàm cỏ đông ơi Vàm cỏ đông/… Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng/Đuổi Pháp đi rồi nay đuổi Mỹ xâm lăng/ Giặc đi đời giặc sông càng xanh trong…”. Theo ông kể thì những giai điệu đi từ chầm chậm sang nhanh, dồn dập: “Vàm cỏ đông đây Vàm cỏ đông/Ta quyết giữ từng chiếc xuồng, tấm lưới, cây dầm/Từng con người làm nên lịch sử/Và dòng sông tưới mát quanh năm”… là có ý tứ như một sự quyết tâm, một lòng giữ gìn quê hương, một lòng chống lại kẻ thù cho đến ngày nối liền những dòng sông của đất nước mình…
Tác phẩm của ông cũng đã được in thành Tuyển tập nhạc Trương Quang Lục và ông rất vui vì điều này. Nói về hoạt động nghệ thuật của mình, ông vẫn khiêm tốn cho rằng mình “chỉ làm nhạc cho thiếu nhi”. Những bài hát nổi tiếng cho thiếu nhi của ông có thể kể đến như: Trái đất này là của chúng mình; Chỉ có một trên đời; Lời Bác vang mãi trong tim em… Gần đây, ông cũng sáng tác nhiều bài hát về Bình Dương do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh phát động. Có lẽ, viết nhạc cách mạng, viết nhạc thiếu nhi với tấm lòng sắt son, thơ trẻ như thế nên con người ông cũng trẻ trung! Theo ông thì, làm người nghệ sĩ hay người bình thường cũng phải yêu thương quê hương, đất nước mình, phải có lòng kiên trung như “nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng” vậy để mà đối đãi với nhau!
Bài 6: Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - Người con của đất Thủ
QUỲNH NHƯ