Những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - Bài 9
Bài 9: Từ những bức ảnh chiến trường
Trong các bài viết trước của chuyên đề này, người viết đã nói đến vai trò chiến đấu của các chiến sĩ văn hóa ở lĩnh vực họa, nhạc, văn chương. Bài này xin được chuyện trò cùng những nhiếp ảnh chiến trường một thời…
(BDO)
Du kích đi phục kích. Ảnh: VŨ DOANH DZỤ
Ông Nguyễn Trung Hiếu, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương rất hào hứng khi nói về các “tay máy” cùng thời chiến tranh với ông. Theo ông, đó là cả một quãng đời hừng hực khí thế, hừng hực tuổi xuân cho quê hương, đất nước.
Ông kể: “Năm 1958, tôi là học sinh trường Trịnh Hoài Đức, thoát ly theo cách mạng, được chuyển về bộ phận nhiếp ảnh, điện ảnh của Quân khu 6. Sau đó làm phóng viên chiến trường, kiêm Trưởng phân xã Thông tấn xã (TTX) Giải phóng, điện báo viên, kiêm Trưởng đài vô tuyến điện thuộc Phân khu 10. Mỗi lần có sự kiện ở chiến trường hay trên mặt trận ngoại giao, binh vận thì tôi trực tiếp đánh lên máy và truyền về phát sóng trên Việt Nam TTX (nay là TTXVN) và TTX Giải phóng (LPA) lúc bấy giờ”. Thời chiến, chụp được một tấm hình đẹp vô cùng vất vả. Nhiếp ảnh, điện ảnh nếu muốn lột tả hết cho người xem cảm được cái hồn của bức ảnh, cảnh quay thì phải cận cảnh và đặc tả. Thế nên, người nhiếp ảnh, quay phim có khi phải đi trước, xông lên trước cả những chiến sĩ. Để có những tác phẩm có sức sống và nóng hổi tính thời sự có khi phải đổi bằng xương máu.
Kỷ niệm nhớ đời của ông Hiếu là trận đánh vào Bình Long (Bình Phước) năm 1972. Khi đã chiếm được Tòa hành chính tỉnh, ông và đồng đội mừng quá và ông không quên nhiệm vụ làm tin nóng. Nào ngờ địch từ hầm ngầm bao vây đánh trả. Đó cũng là một trong những lần ông suýt chết trong quá trình công tác. Cũng trong một trận đánh tàn khốc, ác liệt ở Bình Long, ông đã đặc tả một hình ảnh và sau đó tấm hình gây xúc động mạnh mẽ cho người xem. Đó là bức ảnh ông chụp đứa bé tìm vú mẹ khi người mẹ đã chết. Ông ghi 2 chú thích cho tấm ảnh: “Giọt sữa cuối cùng” và “Tội ác chiến tranh”. Bức ảnh được đăng trên bản tin TTX, Báo Quân đội Nhân dân và nhiều báo khác. Bức ảnh này cũng cho ông vinh dự được nhiều giải thưởng và phần thưởng là cái máy chụp hình của Liên Xô…
Một nhiếp ảnh gia chiến trường nữa mà tôi gặp là ông Vũ Doanh Dzụ (lần nào gặp ông cũng nhắc viết tên ông cho đúng: “Dzụ” bởi cái tên này… lạ hơn người ta!). Ông quê Ninh Bình, sinh năm 1944 và là phóng viên TTX Giải phóng hoạt động trên chiến trường Khu 5 và Tây nguyên từ năm 1972. Ông cũng là phóng viên tiên phong trên các mặt trận để kịp thời đưa tin, ảnh chiến sự của các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Theo ông Dzụ, hồi đó chụp ảnh vô cùng vất vả, khó khăn và nguy hiểm. Máy ảnh thô sơ, phim được phân phối và sau khi chụp xong phải nộp hết về cơ quan. Thời chiến sống chết trong gang tấc nên ai nấy phải trong tư thế hành quân gọn nhẹ nhất. Hình ảnh chụp được mất mát dần sau nhiều lần hành quân, di chuyển địa điểm. Nói về niềm đam mê của mình, ông Dzụ kể: “Trước và sau chiến tranh tôi đều mê chụp con người và cảnh vật của Tây nguyên. Những chuyến đi sáng tác ở Tây nguyên như giúp tôi sống lại thời quá khứ, giúp tôi hăng hái sáng tác, tìm chụp những ảnh đẹp”. Đam mê với nghề nhiếp ảnh, háo hức ghi lại những khoảnh khắc của lịch sử nên ông thường “theo sát bộ đội” để chụp hình nhanh nhất, truyền tải thông tin nhanh nhất. Năm 1979, ông Dzụ còn tiếp tục sang chiến trường Campuchia công tác.
Quá trình công tác giúp ông Dzụ có được những tác phẩm ý nghĩa như “Anh hùng Núp” được huy chương vàng của Bungari, tác phẩm “Làng mới vùng trắng” đoạt giải 3 triển lãm lần thứ 13 Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, “Cánh diều tuổi thơ”- Giải nhất miền Trung - Tây nguyên năm 1981, “Già làng Tây nguyên” - Giải nhất triển lãm ảnh nghệ thuật Quảng Ngãi lần thứ nhất… Ông là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Nhiếp ảnh Việt Nam.
Bài cuối: Kết nối bằng giải thưởng mang tên thi tướng Huỳnh Văn Nghệ
QUỲNH NHƯ