Những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa – Bài 6
(BDO) Bài 6: Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - người con của Đất Thủ
Vợ chồng nhạc sĩ (NS) Lư Nhất Vũ - Lê Giang thường xuyên “xê dịch” bởi những chuyến đi nên gặp ông bà khá khó khăn. Khi chúng tôi đến tìm ông ở Hội Âm nhạc TP.Hồ Chí Minh thì được biết họ đang ở Phan Thiết. Gọi điện hỏi thăm mới biết ông bà đang sống ở khu biệt thự Phú Thịnh, TP.Thủ Dầu Một. Gặp, ông cười: “Đây là một trong những nơi “dừng chân” sau 3 năm chúng tôi ở Phan Thiết. Tháng 5 này chúng tôi lại… di chuyển cùng đoàn làm phim”.
NS. Lư Nhất Vũ (tên khai sinh là Lê Văn Gắt), sinh năm 1936 tại Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ông nguyên là Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III, Phó Tổng Thư ký Hội Âm nhạc TP.Hồ Chí Minh (1981), Nguyên Phân viện trưởng Phân viện Âm nhạc tại TP.Hồ Chí Minh. Đến nay, “gia tài” âm nhạc của ông đã có gần 200 ca khúc và 4 hợp xướng. Trong đó có nhiều bài hát, bản hợp xướng đạt giải cao, như: Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (giải A ca khúc hưởng ứng cuộc vận động sáng tác về cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân), Mẹ gánh nước (thơ Nguyễn Lan Nhung, giải nhì giải thưởng “Giai điệu trái tim”), Về thăm lại Điện Biên (giải nhất - báo Sài Gòn giải phóng 2004), Khởi nghĩa Nam kỳ (hợp xướng, giải ba của Hội Nhạc sĩ Việt Nam). Vợ chồng ông còn có công trình Dân ca và thơ ca dân gian Bình Dương, các ca khúc, hợp xướng viết về Bình Dương, Biên niên sử hành khúc giải phóng (Lư Nhất Vũ - Lê Giang - Lê Anh Trung), gồm 4 chương, với 581 ca khúc và hợp xướng của gần 200 tác giả trong cả nước (những sáng tác từ năm 1955 đến 30-4-1975). Đặc biệt, trong cuốn biên niên sử này còn có những bức thư từ tuyến lửa gửi ra miền Bắc, cùng với hồi ức của các nhạc sĩ: Trần Hoàn, Thuận Yến, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Hồ Bông… Ông đã vinh dự nhận được giải thưởng Nhà nước đợt I năm 2001, tặng thưởng đặc biệt giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ năm 2005…
NS.Lư Nhất Vũ. Ảnh: NGUYỄN Á
Nói đến nhạc phẩm nổi tiếng Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, NS.Lư Nhất Vũ cho biết, ai cũng tưởng ông viết bài đó ở ngay chiến trường, nhưng không phải. “Đó là đợt tấn công thứ hai tổng khởi nghĩa Mậu Thân năm 1968 nổ ra vào mùng một, rạng mùng 2 tết đánh thẳng vào sào huyệt đầu não của bọn Mỹ - ngụy, khiến cho miền Bắc, hậu phương lớn tràn ngập niềm vui không sao tả xiết… Nhân đọc bản tin trên báo nói về các cô gái Sài Gòn thuộc nhiều thành phần: học sinh, sinh viên, thợ thuyền, buôn gánh bán bưng… đã hăng hái thoát ly gia đình, vào chiến khu tham gia đoàn thanh niên xung phong hỏa tuyến. Bài hát ban đầu có tên Đội nữ tải đạn Sài Gòn sau này mới có nhan đề Cô gái Sài Gòn đi tải đạn…” (Trích Ngày ấy đã qua rồi - Tự truyện Lư Nhất Vũ, NXB Trẻ - 2012). Ông kể thêm, từng là học sinh ở Sài Gòn nên tôi rất xúc động trước thông tin này và tôi nghĩ mình phải làm một nhạc phẩm để nói về đội nữ tải đạn Sài Gòn mà báo chí đã đưa tin. Sau 4 đêm thì bài hát đã hoàn thành. Bài hát được đội ca múa nhạc Hà Nội biểu diễn lần đầu tiên trong lần công tác tại Lai Châu. Đến cuối tháng 8- 1968, bài hát được thu thanh, nhạc sĩ Nguyễn Chính viết phần đệm và ca sĩ Vũ Dậu lĩnh xướng…
NS. Lư Nhất Vũ còn nhớ rất rõ bài hát được phát vào tối 1-9-1968 để chào mừng Quốc khánh. Chương trình có 3 bài hát Tiếng đàn Ta-lư (Huy Thục), Chiến thắng cầu chữ Y (Ca Lê Thuần) và Cô gái Sài Gòn đi tải đạn của ông. Bài hát sau đó được phổ biến rộng rãi, được NS. Trần Long Ẩn thu lại từ Đài tiếng nói Việt Nam dạy cho học sinh, sinh viên hát trong những lần biểu tình, xuống đường của tuổi trẻ miền Nam từ miền Trung đến Sài Gòn.
Chim kêu (chim kêu) ven rừng suối gọi ta lên đường nặng trĩu hai vai, hoa mai vàng chen lá ngụy trang/ Sương đêm (sương đêm) ướt đầm nón vải ta xuyên rừng theo giải phóng quân/ Từ ngày đô thị vùng lên chị em mình đi tải đạn để các anh đi diệt thù… Những giai điệu nhanh, vui tươi và hình ảnh dễ thương của các cô gái phơi phới tuổi xuân sẽ còn sống mãi trong lòng người yêu nhạc cũng như tình cảm dành cho người nhạc sĩ tài hoa, người con của đất Thủ thân yêu này…
Bài 7: Nhớ những ngày làm văn nghệ ở R…
QUỲNH NHƯ – HỒNG THUẬN