“Hạt giống cách mạng” nẩy mầm, sinh sôi- Bài 10

Thứ tư, ngày 28/01/2015

Bài 10: Tiến nhanh trên đường đổi mới

Việc vận dụng linh hoạt và sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công cuộc đổi mới đã giúp Sông Bé - Bình Dương tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế của tỉnh không ngừng phát triển, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, văn nghệ, thể dục, thể thao… được quan tâm đầu tư phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.

(BDO) Tính đến cuối năm 1996, tỉnh đã quy hoạch 15 khu công nghiệp với diện tích 6.000 ha. Trong ảnh: Một góc KCN Việt Nam - Singapore 1

Tăng dần tỷ trọng công nghiệp

Đầu thập niên 90, để thực hiện tốt chính sách “Trải chiếu hoa mời gọi các nhà đầu tư”, lãnh đạo tỉnh đã hoạch định các bước đi phù hợp nhằm liên tục cải thiện môi trường đầu tư, qua đó thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đảng bộ tỉnh nhận thức rõ rằng, kinh tế hợp tác, liên doanh với nước ngoài không chỉ là phương thức chính để thu hút vốn đầu tư bên ngoài mà còn là con đường thích hợp để tiếp cận khoa học, công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, mở lối đi vào thị trường khu vực và thế giới. Đó cũng là điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu, tăng năng lực cạnh tranh, điều chỉnh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với biến đổi của tình hình quốc tế.

Để thực hiện được chủ trương đó, tỉnh đã tập trung phát triển các khu công nghiệp (KCN) quy mô trên địa bàn. Tính đến cuối năm 1996, tỉnh đã quy hoạch 15 KCN với diện tích 6.000 ha, trong đó 3 KCN Sóng Thần, Bình Đường, Tân Định đã đi vào hoạt động. Đặc biệt, trong năm 1996, KCN Việt Nam - Singapore (VSIP 1) có diện tích ban đầu 500 ha cũng được khởi công xây dựng tại huyện Thuận An (nay là TX.Thuận An). Đây là KCN kiểu mẫu đầu tiên của cả nước và hiện mô hình KCN liên doanh này đã được xây dựng ở một số tỉnh, thành trong nước.

Với sự đầu tư mạnh về hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, chỉ trong thời gian ngắn cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự chuyển dịch lớn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp. Nếu như năm 1990, tỷ trọng công nghiệp chỉ chiếm 10,35% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh thì 5 năm sau con số này đã là 25%. Đó thực sự là bước tiến quan trọng mở đầu cho quá trình tiến lên thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa sau này của tỉnh.

Duy trì tốc độ phát triển

Trong những năm đầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1996-2000 mặc dù còn nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ cùng sự nỗ lực chung của toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển đều với tốc độ tăng trưởng nhanh, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ đều tăng mạnh. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp-nông lâm nghiệp - dịch vụ. Các lĩnh vực xã hội đạt được những tiến bộ quan trọng; vấn đề việc làm được giải quyết có hiệu quả. Lĩnh vực văn hóa giáo dục, y tế có chuyển biến về chất lượng phục vụ. Tình hình an ninh trật tự tiếp tục được giữ vững, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong giai đoạn này, tỉnh xác định tăng cường ưu tiên công nghiệp khai thác và chế biến. Phát huy có hiệu quả năng lực của các khu công nghiệp sẵn có, đồng thời tiếp tục đề ra những chính sách, cơ chế thông thoáng hơn nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư. Mở rộng hợp tác liên doanh để đổi mới công nghệ các ngành công nghiệp của tỉnh như vật liệu xây dựng, gốm mỹ nghệ cao cấp, chế biến nông sản. Tăng cường đầu tư, khai thác có hiệu quả nguồn khoáng sản như đá xây dựng, đá vôi… Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản như hạt điều, cao su, mía đường, cà phê. Lĩnh vực nông nghiệp và thương mại cũng được đầu tư đúng mức nhằm góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Nhờ những bước đi thích hợp và quyết liệt trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh nên tốc độ tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực tiếp tục duy trì ở mức cao. Những thành tựu đạt được trong giai đoạn 1990- 1996 chỉ là bước đầu, song đã tạo thế, tạo lực và tinh thần lạc quan trong nhân dân. Đảng bộ và chính quyền địa phương tích cực, chủ động thực hiện sáng tạo những phương hướng, nhiệm vụ mới do Đại hội lần thứ VII, VIII của Đảng vạch ra. Không ngừng phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, lao động sáng tạo, nêu cao bản lĩnh và trí tuệ của nhân dân, nêu cao ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, nắm chắc vận hội, tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thử thách để tiếp tục sự nghiệp đổi mới. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, bằng sự năng động và sáng tạo, tỉnh đã huy động tối đa mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, đạt tốc độ tăng trưởng cao và trở thành một trong những ngọn cơ đầu đổi mới trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Lãnh đạo tỉnh cũng luôn nhạy bén và sáng suốt khắc phục, tu chỉnh những khiếm khuyết, khó khăn để từng bước phát triển một cách bền vững.

Người đưa ra nhiều chủ trương quan trọng

Đồng chí Lê Đình Nhơn (Chín Lê) tham gia cách mạng từ tháng 1-1943. Từ tháng 1-1943 đến tháng 8-1945, đồng chí tham gia hoạt động trong nhóm Công đoàn Brossard Mofin và nòng cốt trong nhóm thanh niên bưu điện. Đến tháng 7-1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ tháng 9-1945 đến tháng 9-1954, đồng chí là Trưởng ban Tuyên huấn, Trưởng ty Thông tin tỉnh Tây Ninh, Trưởng ban Tuyên huấn kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Thủ Biên.

Cuối năm 1954, Xứ ủy Nam bộ quyết định tách tỉnh Thủ Biên ra làm hai tỉnh là Thủ Dầu Một và Biên Hòa. Ban Chấp hành Tỉnh ủy Thủ Dầu Một gồm 9 thành viên và đồng chí Lê Đình Nhơn giữ chức Bí thư Tỉnh ủy. Tại hội nghị đầu tiên, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã đề ra chủ trương nhiệm vụ trước mắt là giữ gìn và củng cố hòa bình, tranh thủ thực hiện quyền tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, đấu tranh chính trị đòi địch thi hành Hiệp định Gơ-ne-vơ. Về phương châm, hội nghị nhấn mạnh phải nắm vững nguyên tắc bí mật, công khai và bán công khai, tổ chức lực lượng công khai, lực lượng bí mật. Đặc biệt, những nơi địch tiếp quản lập bộ máy tề xã, ta phải kịp thời đưa cơ sở nòng cốt vào tham gia; vùng giải phóng thì vận động nhân dân lập ban đại diện. Nhiều xã trong quận, đồng bào dùng thế hợp pháp buộc chính quyền địch cho thành lập đội tuần tra chống trộm cướp (do dân bầu ra) để giữ gìn an ninh trật tự xóm, ấp. Và thông qua bầu cử, ta cài cơ sở vào các đội tuần tra hợp pháp để bảo vệ nhân dân, bảo vệ cán bộ hoạt động bí mật đi lại dễ dàng hơn.

Đến giữa năm 1956, Mỹ - Diệm công khai tuyên bố không hiệp thương tổng tuyển cử, ráo riết thực hiện chính sách “Tố cộng, diệt cộng” khắp miền Nam. Và ngày 10-7, chúng mở chiến dịch quy mô lớn mang tên “Trương Tấn Bửu” hòng triệt hạ phong trào cách mạng ở các tỉnh miền Đông Nam bộ. Chúng đi đến đâu đều có mạng lưới chỉ điểm phục vụ đến đó. Ngày 2-9-1956, đồng chí Lê Đình Nhơn bị địch bắt và đến ngày 15-2-1957 thì được thả.

Từ năm 1958, đồng chí làm Trưởng ban Tuyên huấn liên tỉnh miền Đông Nam bộ, kiêm Phó ban Dân vận Khu. Đồng chí được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Đó là Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, Huân chương Lao động do Nhà nước Campuchia trao tặng, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.

(Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 

Bài 11: Tăng tốc ấn tượng

TRÍ DŨNG