“Hạt giống cách mạng” nẩy mầm, sinh sôi - Bài 2

Thứ hai, ngày 19/01/2015

(BDO) Bài 2: Thành lập Tỉnh ủy Thủ Dầu Một - bước ngoặt trong phong trào cách mạng ở địa phương

Tháng 2-1936, Xứ ủy Nam kỳ đã chỉ định thành lập Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một (TDM) gồm 5 đồng chí, trong đó đồng chí Trương Văn Nhâm, Xứ ủy viên làm Bí thư Tỉnh ủy. Việc thành lập Tỉnh ủy lâm thời TDM đánh dấu một bước ngoặt trong phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân TDM. Từ đây, tỉnh TDM đã có cơ quan đầu não trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng tại địa phương.

Bước ngoặt lịch sử

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất của Đảng tháng 3-1935 về công tác phát triển Đảng, đồng thời nhằm đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tháng 2-1936, Xứ ủy Nam kỳ đã chỉ định Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời TDM gồm 5 đồng chí: Trương Văn Nhâm, Nguyễn Thị Bảy là 2 cán bộ tăng cường của Xứ ủy và 3 cán bộ của địa phương, trong đó có đồng chí Hồ Văn Cống. Đồng chí Trương Văn Nhâm, Xứ ủy viên, kiêm Bí thư Tỉnh ủy.

Ấp Thạnh Lộc, làng An Thạnh, quận Lái Thiêu (nay là phường An Thạnh, TX.Thuận An), nơi ra đời Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời TDM, nay đang từng ngày thay da đổi thịt. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Việc thành lập Tỉnh ủy lâm thời TDM đánh dấu một bước ngoặt trong phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân TDM. Sau khi thành lập, Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp tại ấp Thạnh Lộc, làng An Thạnh, quận Lái Thiêu. Tham dự cuộc họp này có đại diện của Xứ ủy Nam kỳ - đồng chí Lê Thị Thinh (Lê Thị Hưởng - Hai Hưởng) và đại diện Liên Tỉnh ủy miền Đông - đồng chí Trương Văn Bang. Cuộc họp đề ra một số nhiệm vụ cấp bách trước mắt, trong đó trước hết là ổn định tổ chức các chi bộ; tổ chức và vận động quần chúng đấu tranh.

Căn cứ vào tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh, nhất là những nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản họp tại Matxcơva (7-1935), cũng như của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hồng Phong, ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, tổ chức tại Thượng Hải, Trung Quốc (26-7-1936), Tỉnh ủy TDM, đứng đầu là đồng chí Trương Văn Nhâm, Bí thư Tỉnh ủy bắt đầu thực hiện chủ trương chuyển hình thức tổ chức không hợp pháp sang hình thức tổ chức công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp nhằm tập hợp và lãnh đạo đông đảo quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, thông qua đó giáo dục, phát triển đội ngũ cách mạng như các tổ chức công hội, nông hội, ủy ban hành động và đặc biệt là lập thêm các chi bộ Đảng.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi Tỉnh ủy lâm thời TDM được thành lập, trong năm 1936, trên địa bàn TDM đã nổ ra mấy chục cuộc đấu tranh với hàng ngàn lượt công nhân, nông dân, tiểu thương, tiểu chủ, giáo viên, công chức… tham gia. Tiếp sau đó, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân TDM dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nô nức tham gia vào cuộc vận động tổ chức Đông Dương Đại hội nhằm mục đích đòi chính quyền thực dân thi hành những cải cách dân chủ và cải thiện đời sống cho dân chúng.

Đứng trước sự lớn mạnh nhanh chóng của phong trào cách mạng cả nước, nhất là từ khi các “Ủy ban hành động” ra đời, hoạt động ngày càng sôi nổi và mạnh mẽ, bọn cầm quyền Pháp tỏ ra rất sợ hãi và dùng đủ mọi thủ đoạn để đối phó. Tại tỉnh TDM, tên Chủ tỉnh Larivierơ (La Rivière) đã tích cực thực hiện mệnh lệnh của Toàn quyền Đông Dương. Tên này đã gửi báo cáo lên văn phòng Thống đốc Nam kỳ, hứa sẽ “giải quyết” hết các Ủy ban hành động trong tỉnh. Sự đánh phá của địch đã gây ra hậu quả là các thành viên Ban trị sự và nhiều hội viên của các Ủy ban Hành động bị bắt, số còn lại cũng bị địch kiểm soát gắt gao. Tuy vậy, tổ chức này vẫn tiếp tục hoạt động cho đến cuối năm 1936.

Ngoài việc tổ chức và lãnh đạo phong trào đấu tranh, Tỉnh ủy TDM đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác phát triển Đảng. Đến cuối năm 1936, Đảng bộ Thủ Dầu Một đã lớn mạnh, trưởng thành nhiều so với đầu năm, toàn Đảng bộ đã có hơn 30 đảng viên. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên rất được coi trọng. Ngoài việc vẫn duy trì hình thức hội họp bí mật, Đảng bộ còn có hình thức sinh hoạt khác là tổ chức tìm đọc các báo chí cách mạng (tờ Giải Phóng của Xứ ủy Nam kỳ, tờ Dân Quyền xuất bản công khai ở Sài Gòn…) và các báo chí tiến bộ (tờ Đuốc Nhà Nam, tờ Tranh Đấu…)… Tháng 1-1937, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh TDM được cấp trên công nhận chính thức. Sự kiện này có ý nghĩa lớn về mặt tư tưởng, tổ chức và chỉ đạo thực hiện các công tác của toàn Đảng bộ. Đây là nền tảng quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Thủ Dầu Một bước vào cao trào cách mạng 1936-1939.

Lãnh đạo quần chúng đấu tranh

Giữa lúc phong trào cách mạng của quần chúng đang diễn ra sôi nổi, Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng tại xã Tân Thới Nhất (Bà Điểm). Hội nghị quyết định một số chủ trương về công tác vận động quần chúng và công tác xây dựng tổ chức Đảng trong tình hình mới.

Nghị quyết nêu rõ: Vận động rộng rãi quần chúng ủng hộ các cải cách, tiếp tục đấu tranh đòi các quyền lợi thiết thân hàng ngày... Tìm cách ngăn ngừa hoặc hạn chế các hành động của bọn phát xít. Tổ chức các tầng lớp xã hội vào các hội công khai hợp pháp, không lấy tên “Công hội đỏ”, hay “Nông hội đỏ” mà lấy tên Công hội, Nông hội, có thể lấy tên Hội Ái hữu, Hội cúng tế bao gồm cả những lao động, cố, bần, trung nông. Về công tác tổ chức Đảng, chú ý những quần chúng tiên tiến trẻ, công nhân, nữ lao động, dân tộc thiểu số nhưng đủ điều kiện trở thành đảng viên.

Ở TDM, cuối tháng 3-1937, Tỉnh ủy - lúc này đang hoạt động ở vùng Lái Thiêu - được đại diện của Liên Tỉnh ủy miền Đông từ Gia Định đến truyền đạt bản Thông cáo của Trung ương. Sau đó, chỉ trong 15 ngày, nghị quyết đã được phổ biến xuống tận các chi bộ và tổ chức Công hội, Nông hội... Vận dụng tinh thần thông cáo này, tháng 4-1937, Tỉnh ủy TDM đã cho ra bản tin Tranh đấu để thực hiện công tác tuyên truyền trong quần chúng.

Trong giai đoạn này đi đôi với sự phát triển rầm rộ của phong trào quần chúng thông qua hoạt động của các hội, cuộc đấu tranh của công nhân cũng mạnh lên. Mở đầu là cuộc đấu tranh của công nhân cao su Dầu Tiếng. Ngày 1-5, 2.000 người của 19 trong số 22 làng của sở đã hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động, đã tổ chức bãi công, đòi tăng lương. Mặc dù bị đàn áp dữ dội, nhưng công nhân vẫn tiếp tục bãi công. Sau 15 ngày, chủ sở buộc phải tuyên bố nhượng bộ, chấp nhận các yêu sách và yêu cầu công nhân đi làm.

Sau cuộc đấu tranh của công nhân cao su Dầu Tiếng, ngày 9-7-1937, 400 công nhân xe lửa ở Dĩ An đã tiến hành bãi công. Sau 33 ngày kiên trì giữ vững cuộc đấu tranh, cuộc bãi công kết thúc thắng lợi. Chủ nhà máy đã chấp nhận một số lớn các yêu sách như làm nhà vệ sinh, cho nước sạch uống đầy đủ, dụng cụ hư hỏng không đền tiền, làm việc 8 giờ/ngày… Những năm 1938, 1939, phong trào đấu tranh của công nhân, nhân dân ngày càng sôi động với nhiều cuộc bãi công, mít-tinh. Đây là tiền đề cho cao trào cách mạng giải phóng dân tộc những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé cho biết, trong cao trào 1936-1939, Đảng bộ TDM vừa ra đời đã đảm nhận vai trò lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương trong một thời kỳ rất sôi động và giành được những thắng lợi có ý nghĩa sâu sắc. Trong cao trào này, Đảng bộ TDM rất coi trọng công tác tuyên truyền tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và các chủ trương của Đảng không chỉ trong nội bộ mà cả ngoài quần chúng; mạnh dạn dùng các hình thức tuyên truyền công khai, hợp pháp qua sách báo, diễn thuyết và các cuộc tranh luận với nhóm Tờrốtkít... Nhờ đó uy tín của Đảng trong nhân dân được nâng cao. Nhân dân ngày càng thấy rõ Đảng là một tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật, đấu tranh vì lợi ích của giai cấp công nhân và của dân tộc.

Trong giai đoạn này, toàn Đảng bộ có 9 chi bộ, cộng với 2 chi bộ ở Tân Uyên thuộc tỉnh Biên Hòa, 2 chi bộ ở Dầu Tiếng và Dĩ An thuộc tỉnh Gia Định. Trong số đó, có 2 chi bộ hoạt động trong công nhân, 2 chi bộ hoạt động trong thợ thủ công, 9 chi bộ hoạt động trong nông dân và nhân dân lao động.

 

Bài 3: Giành chính quyền, mở ra trang sử mới

THU THẢO