“Hạt giống cách mạng” nẩy mầm, sinh sôi – Bài 5
(BDO) Bài 5: Gian lao mà anh dũng...
Trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, Bình Dương là một chiến trường ác liệt, một hậu phương vững chắc. Bất chấp thế bao vây kìm kẹp và bom đạn khốc liệt của kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Bình Dương vẫn kiên cường, anh dũng với tinh thần vừa nuôi quân vừa đánh giặc bảo vệ từng tấc đất quê hương.
Nhà nhà kháng chiến
Từ giữa năm 1951 địch đẩy mạnh âm mưu lấn đất, gom dân, phá hoại các vùng căn cứ của ta. Cuộc kháng chiến chống Pháp trên địa bàn tỉnh ngày càng trở nên gay go quyết liệt. Quân dân các huyện Bến Cát, Châu Thành, Lái Thiêu, Tân Uyên vừa củng cố lực lượng vừa đánh địch chống bao vây, lấn chiếm. Phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh. Nhiều đội du kích xã tự cấp, tự túc về lương thực, vũ khí và đánh giặc giỏi như Đội du kích xã Thanh Tuyền, Phú An, An Điền, An Tây. Du kích các xã phối hợp với Đại đội Lê Hồng Phong và Tiểu đoàn 303 đánh địch đi sửa đường, đánh tháp canh, hệ thống đường sắt…
Trong các cuộc kháng chiến nhiều gia đình trong tỉnh đã trở thành cơ sở cách mạng của Đảng, nuôi giấu cán bộ. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Xem (phường Tân Bình.TX.Dĩ An), người từng dùng am tự làm hầm bí mật che giấu cán bộ. Ảnh: K.HÀ
Ông Bùi Xuân Thuận (Năm Thuận), nguyên Bí thư Huyện ủy Lái Thiêu (giai đoạn 1964- 1969) kể lại: Để tăng cường chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu, tỉnh tiến hành kiện toàn tổ chức cán bộ, sắp xếp lại chiến trường, xây dựng Chiến khu Đ thành căn cứ kháng chiến của Nam bộ. Đặc biệt, ở Lái Thiêu, các đội vũ trang tuyên truyền và du kích xã kiên trì bám đất, bám dân, tích cực đánh địch làm tiêu hao sinh lực địch. Đại đội Nguyễn An Ninh và bộ đội địa phương phối hợp với quân chủ lực, dựa vào dân, chủ động đánh địch chống càn quét. Nhiều mẹ, nhiều chị ở các xã hết lòng chăm lo, nuôi dưỡng bộ đội. Nhiều gia đình ở các ấp thuộc các xã Thuận Giao, Bình Nhâm, Hưng Định suốt những năm chống Pháp là cơ sở đặt trạm giao liên của cấp trên. Nhiều mẹ đã tổ chức móc nối đưa cán bộ từ Sài Gòn, Thủ Dầu Một vào rừng Cò My, Chiến khu Thuận An Hòa, đào hầm bí mật che giấu cán bộ, đặt trạm thu, phát tin ngay trong nhà, chuyển thương, tải đạn, may quần áo cho bộ đội. Không việc gì của cách mạng, của kháng chiến mà các mẹ, các chị không tham gia. Ở vùng địch tạm chiến, đồng bào quyên góp tiền bạc, vải vóc, thuốc men ủng hộ kháng chiến, gửi con em vào bộ đội. Các gia đình có con em đi lính được cán bộ và bà con vận động trở thành cơ sở cách mạng. Bên cạnh đó, nhân dân cũng tích cực tham gia công tác phá hoại, vận tải, liên lạc, chống càn quét và đẩy mạnh sản xuất nuôi bộ đội. Tất cả đồng sức đồng lòng, chuẩn bị sẵn sàng, cùng cả nước mở chiến dịch Đông- Xuân 1953-1954 toàn thắng.
Năm 1952, Bộ Tư lệnh Phân khu quyết định thành lập một tiểu đoàn vận tải làm nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa từ Liên khu 5 về Chiến khu Đ, từ đó tỏa đi các chiến trường Nam bộ và nối giữ đường liên lạc giữa Nam bộ với Trung ương. Ông Phan Văn Hiếu, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Châu Thành giai đoạn 1973-1976 cho biết: “Ngày ấy, các chiến sĩ vừa đi vừa mở đường xuyên rừng, vượt sông suối, đường giao thông và hệ thống đồn bốt, tháp canh dày đặc của địch. Mùa mưa, nước sông suối dâng cao, quân địch vào càn quét, các chiến sĩ bị đói, rét hoành hành. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì bị địch phục kích và cả vì đói, sốt rét. Nhân dân trong tỉnh đã tích cực bảo vệ, bí mật dẫn đường, cung cấp lương thực thực phẩm và trực tiếp mang vác cùng chiến sĩ. Cùng với tuyến vận tải chiến lược cung cấp lương thực, vũ khí, đạn dược, thuốc men vận chuyển về kịp thời đã tiếp thêm sinh khí cho cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc.
Lãnh đạo đánh bại các cuộc chiến tranh leo thang
Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi trên toàn miền Nam đã làm Mỹ - ngụy khủng hoảng về tinh thần, lúng túng về chiến lược, rối loạn về tổ chức. Đầu năm 1962, trên địa bàn tỉnh, địch ráo riết tiến hành gom dân, lập ấp chiến lược và tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Cuộc đấu tranh chống địch gom dân, lập ấp chiến lược diễn ra quyết liệt trên địa bàn tỉnh. Ông Bùi Xuân Thuận kể: “Ngày ấy, để tập trung bồi dưỡng, đào tạo cán bộ học tập, huấn luyện cho lực lượng, Tỉnh ủy chủ trương đưa phần lớn lực lượng đã bị lộ của các huyện Bến Cát, Châu Thành, Lái Thiêu, Tân Uyên về vùng giải phóng, học tập chấn chỉnh, làm công tác về mặt tư tưởng, tổ chức, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về âm mưu thâm độc của địch khi thực hiện quốc sách ấp chiến lược và khả năng ta có thể làm thất bại âm mưu thâm độc của địch”.
Nhờ chuyển phương thức hoạt động, từ năm 1963 phần lớn cán bộ, đảng viên ởcác huyện đã bám trụ được ấp chiến lược, móc nối, xây dựng được nhiều cơ sở quần chúng, phát triển du kích, đảng viên mật, chi bộ mật. Đường dây giao liên tới các khu căn cứ như Thuận An Hòa, Chiến khu Đ, căn cứ Vĩnh Lợi… cũng như việc liên lạc với Tỉnh ủy thông suốt, thuận lợi hơn. Cuộc đấu tranh phá ấp chiến lược ở Bến Thượng (Bến Cát) kéo dài suốt 92 ngày đêm đã góp phần làm thất bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy.
Thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ ngoan cốtiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. BàTrần Thị Hữu, nữ du kích xã Thanh Tuyền, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sông Bé giai đoạn 1981-1985, cho biết: “Dưới sựlãnh đạo của Đảng, ngay những tháng đầu của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, quân dân toàn tỉnh đã lập nên nhiều chiến công vang dội, bẻ gãy và làm tiêu hao lính Mỹ - ngụy trong các cuộc càn quét vào 3 xã của Bến Cát, chiến khu Thuận An Hòa, khu vực Lái Thiêu, Dĩ An và trong các trận Đất Cuốc, Bàu Bàng, Dầu Tiếng (1965), trận Bông Trang - Lò Gạch (1966). Quân và dân trên toàn tỉnh đãmưu trí, sáng tạo ra nhiều cách đánh địch, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và sau đó là chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh, làm nên cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 toàn thắng”.
Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một Hồ Văn Cống: Luôn giữ trọn khí tiết người cộng sản
Giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 1-1937 đến cuối năm 1940, đồng chí Hồ Văn Cống sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở xã Tân Phước Khánh, huyện Lái Thiêu (nay là phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên).
Ngay từ nhỏ, đồng chí Hồ Văn Cống đã có tư chất thông minh, tinh thần ham học hỏi. Sau khi học xong tiểu học, đồng chí được gia đình cho học tiếp trường sư phạm. Năm 1929, đồng chí trở về quê nhà và tham gia các cuộc đấu tranh của nông dân do các đảng viên cộng sản tỉnh Gia Định về hướng dẫn ở các xã Bình Nhâm, An Sơn, An Thạnh… Tháng 8-1930, Chi bộ Cộng sản xã Bình Nhâm thành lập, đồng chí trở thành một trong những người đảng viên đầu tiên của chi bộ này. Tháng 2-1936, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Xứ ủy Nam kỳ đã chỉ định Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một (TDM) gồm 5 đồng chí, trong đó có đồng chí Hồ Văn Cống. Đến tháng 1-1937, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh TDM được cấp trên công nhận chính thức và bầu đồng chí Hồ Văn Cống làm Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Trương Văn Nhâm nhận công tác khác.
Để phục vụ công tác tuyên truyền các nghị quyết của Đảng xuống các chi bộ và các tổ chức công hội, tháng 4-1937, Tỉnh ủy cho ra bản tin “Tranh Đấu”, đồng chí là một trong những cây viết xuất sắc của bản tin. Các bài viết của ông truyền tải sâu sắc các nội dung ca ngợi tinh thần đấu tranh anh dũng của những đồng chí cách mạng đã xả thân vì độc lập, tự do cho Tổ quốc; đồng thời tố cáo những tội ác của thực dân Pháp đối với đồng bào ta và kêu gọi nhân dân đứng lên lập hội đấu tranh.
Tháng 7-1940, Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ chủ trương khởi nghĩa trên toàn Nam bộ. Thực hiện chủ trương của Xứ ủy, tỉnh TDM thành lập Ban khởi nghĩa do đồng chí Hồ Văn Cống, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban. Ngày 23-11-1940, cùng với nhân dân Nam bộ, dưới sự lãnh đạo của Ban khởi nghĩa tỉnh và các huyện, xã, quần chúng nhân dân nhiều nơi trong tỉnh ở Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát... đồng loạt nổi dậy, thực dân Pháp rất lo sợ và ra sức đàn áp.
Sau khi cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra, thực dân Pháp thực hiện chính sách đàn áp tàn bạo đối với cuộc khởi nghĩa. Đồng chí Hồ Văn Cống phải rút về Dầu Tiếng ẩn náu, tiếp tục hoạt động. Bọn mật thám tổ chức theo dõi, sau Tết Nguyên đán 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, bị tòa đại hình kết án 5 năm tù và đày đi Côn Đảo. Đến năm 1943, đồng chí hy sinh. Trong những năm tháng tù bị đày đến lúc hy sinh, đồng chí vẫn giữ tròn khí tiết người cộng sản.
THU THẢO (ghi)
Bài 6: Ký ức những mùa xuân
KIM HÀ