Giáo dục Bình Dương qua các thời kỳ- Bài cuối

Thứ năm, ngày 30/04/2015

(BDO) Bài cuối: Phát triển nguồn nhân lực: Hướng đến nền kinh tế tri thức

Trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương đổi mới và hội nhập của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, cùng với cả nước, GD-ĐT của Bình Dương có những chuyển biến tích cực, đã thực sự đổi mới và vươn lên. Để Bình Dương phát triển nhanh, bền vững thì nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng hàng đầu. Phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng bậc nhất để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là điều kiện tiên quyết bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Trường Đại học Quốc tế Miền Đông

Nỗ lực trong công tác đào tạo

Bình Dương hiện có 8 trường đại học (ĐH), 1 trường cao đẳng (CĐ) và 9 trường trung cấp chuyên nghiệp. Mỗi năm các cơ sở này đào tạo khoảng 30.000 lao động, trong đó lao động có trình độ từ trung cấp trở lên khoảng 12.000 người. Với thực tế đào tạo đó, việc tìm đủ người đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp vẫn đang là thách thức lớn cho các nhà quản lý của Bình Dương. Từ nhiều năm nay, các nhà quản lý giáo dục, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp để việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo kịp nhu cầu xã hội, kể cả giải pháp nhà trường và doanh nghiệp bắt tay chặt chẽ ngay từ khâu đào tạo nhân lực.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:

Chất lượng GD-ĐT tại các trường ĐH trong tỉnh đang ngày càng đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Bình Dương, đặc biệt, phải kể đến sự đóng góp của các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Các trường này góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp cho tỉnh thực hiện định hướng, tầm nhìn chiến lược trong phát triển nguồn nhân lực để hướng tới nền kinh tế tri thức. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh sẽ cố gắng hết sức để cùng chung tay đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thiết thực đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 80% vào năm 2020.

 

Nhằm đáp ứng quá trình phát triển và hội nhập quốc tế mạnh mẽ của địa phương, Bình Dương xác nhận việc đào tạo nguồn nhân lực là một trong những mũi đột phá quan trọng và quyết định tập trung xây dựng một hệ thống giáo dục mạnh cho tỉnh. Trong đó, thành lập 2 trường ĐH đầu đàn của tỉnh là trường ĐH Thủ Dầu Một (TDM) và trường ĐH Quốc tế Miền Đông (QTMĐ).

Trường ĐH TDM là trường ĐH công lập đầu tiên của tỉnh. Đến nay, trường đã có 28 ngành đào tạo thuộc 4 lĩnh vực: kinh tế, kỹ thuật, sư phạm, xã hội và nhân văn với 14.000 sinh viên, 700 giảng viên và công nhân viên, trong đó có 60 tiến sĩ và gần 500 thạc sĩ. Khóa sinh viên đầu tiên của trường đã tốt nghiệp với tỷ lệ 100%. Trường đã có những đóng góp nhất định vào nguồn nhân lực của tỉnh và khẳng định vị trí của mình trong hệ thống giáo dục ĐH nước nhà. Đó là những con số mà không nhiều trường đạt được chỉ trong 5 năm đầu tiên.

PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường ĐH TDM cho biết, là trường ĐH công lập đào tạo đa ngành, đa cấp, trường ĐH TDM có sứ mệnh đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ trung cấp, CĐ, ĐH và sau ĐH để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, tham gia vào đổi mới và phát triển giáo dục ĐH Việt Nam. Trong thời gian tới, nhà trường luôn cam kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và các tỉnh, thành lân cận, hướng dẫn người lao động, nhất là lao động trẻ có tri thức, đạo đức, có kỹ năng mềm, tốt nghiệp ra trường có việc làm với mức thu nhập cao, góp phần xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững, trở thành đô thị công nghiệp, dịch vụ hiện đại, văn minh, giàu đẹp.

Xã hội hóa trong cung ứng nguồn nhân lực

Các trường ngoài công lập như: ĐH Bình Dương, ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, ĐH QTMĐ… là nơi đào tạo quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho các KCN của tỉnh. Hệ thống các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước trong việc đầu tư phát triển GD-ĐT, tạo điều kiện đáp ứng tốt hơn nhu cầu được tiếp cận giáo dục ĐH của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao năng lực đào tạo của giáo dục ĐH và phát triển nguồn nhân lực có trình độ cho tỉnh.

Sinh viên trường Đại học Quốc tế Miền Đông trong giờ học thực hành

Được đánh giá là một trong những ngôi trường ĐH đẹp và hiện đại tại Việt Nam, trường ĐH QTMĐ do Becamex IDC đầu tư chính cùng liên doanh với VSIP, TDC thành lập với tầm nhìn và khát vọng cống hiến cho xã hội một “ngôi trường quốc tế” với “chi phí Việt Nam” nhằm tạo cơ hội cho học sinh Việt Nam được “du học tại chỗ”. Trường được giao nhiệm vụ là một ĐH của doanh nghiệp Nhà nước chủ lực của tỉnh, vừa đào tạo nhân lực trình độ cao cho xã hội; vừa góp phần thực hiện công tác đào tạo nguồn lực phục vụ quản lý kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư nước ngoài. Trường ĐH QTMĐ là trường ĐH đa ngành, đa nghề nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao - lành nghề của trên 28 KCN, hơn 10.000 doanh nghiệp (bao gồm 3.000 doanh nghiệp nước ngoài) tại tỉnh Bình Dương và góp phần giải quyết bài toán nguồn nhân lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo Giáo sư, tiến sĩ khoa học Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: “Trường ĐH QTMĐ rất thiết thực, phù hợp với định hướng xã hội hóa đầu tư trường ĐH mà Nhà nước kêu gọi trong cung ứng nguồn nhân lực qua đào tạo, nhất là nhân lực trình độ cao để đẩy nhanh phát triển kinh tế”.

TS Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng trường ĐH QTMĐ cho biết, nhằm góp phần thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn công tác đào tạo với phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp, công nghệ cao, Becamex IDC đã đầu tư xây dựng dự án trường ĐH QTMĐ theo chuẩn quốc tế nhằm mục tiêu cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự phát triển bền vững và thay đổi nâng cao về chất cho kinh tế - xã hội miền Đông Nam bộ và cho cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Trường đào tạo nhiều ngành nghề. Trường ĐH QTMĐ luôn có những chính sách cụ thể hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp, 100% có việc làm trong các KCN của Becamex IDC và Bình Dương. Ngoài ra, trường cũng có chính sách ưu đãi cho các sinh viên là con em trong tỉnh Bình Dương khi tuyển sinh, tuyển dụng.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo - quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới là nhiệm vụ có tính chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Điều đó một lần nữa cho thấy, Bình Dương luôn coi trọng vai trò của GD-ĐT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc mở rộng sản xuất, kinh doanh phải đi đôi với việc nâng cao hàm lượng tri thức và tăng mạnh số lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao là cấp thiết, là mục tiêu quan trọng, mà tỉnh Bình Dương cần phải giải quyết đồng bộ với sự phát triển toàn diện của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới”.

NGỌC THANH