Giáo dục Bình Dương qua các thời kỳ - Bài 3

Thứ ba, ngày 28/04/2015

Bài 3: Giáo dục thời kỳ đổi mới

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12- 1986) đã mở ra thời kỳ đổi mới của đất nước, trong đó xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nghị quyết nêu rõ: “Nâng cao chất lượng giáo dục nhằm mục tiêu hình thành và phát triển toàn diện nhân cách xã hội chủ nghĩa của thế hệ trẻ, đào tạo đội ngũ lao động có văn hóa, có kỹ thuật, có kỷ luật và giàu tính sáng tạo, đồng bộ về ngành nghề, phù hợp với yêu cầu phân công lao động của xã hội”.

(BDO)

Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (TX.Bến Cát), ngôi trường đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn quốc gia Ảnh: H.THÁI

Nghị quyết như một luồng gió mới, làm thay đổi diện mạo giáo dục. Chủ trương đa dạng hóa các loại hình trường lớp, xã hội hóa giáo dục đã tác động tích cực đến sự phát triển và chất lượng của GD-ĐT.

Phát triển cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

Thời kỳ đổi mới, ông Nguyễn Văn Rua (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT giai đoạn 2001-2005) là Trưởng phòng phổ thông Sở GD-ĐT, nên ông đã chứng kiến sự phát triển của giáo dục tỉnh nhà trong giai đoạn này. Ông kể, sau giải phóng trường lớp chủ yếu là phòng học tạm thời, vách ván, mái tôn, nền đất hoặc xi măng, có nơi còn phòng học tranh tre. Từ năm 1986 trở đi, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về phát triển trường lớp theo hướng kiên cố hóa, tỉnh đã tập trung xây dựng nhà cấp 4 trở lên để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục, thay thế dần các phòng tranh tre, xuống cấp hư hỏng. Bắt đầu từ đây, sự nghiệp GD-ĐT được các ngành, các cấp quan tâm nhiều hơn, cơ sở vật chất trường lớp được xây dựng rầm rộ, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Hàng năm, tỉnh đầu tư cho ngành GD-ĐT từ 18 - 22% tổng ngân sách toàn tỉnh. Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, xã hội và nhân dân đã cùng chung tay, góp sức đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất trường lớp.

Đi đôi với xây dựng thêm trường lớp, thư viện và thiết bị dạy học cũng được quan tâm đầu tư. Theo thời gian, thư viện trường học được củng cố và phát triển, hàng năm có nhiều thư viện đạt chuẩn. Thiết bị dạy học được đầu tư kinh phí mua sắm thường xuyên. Các trường THCS, THPT được trang bị đồng bộ thí nghiệm lý, hóa, sinh. Giai đoạn này, phong trào giáo viên tự làm đồ dùng dạy học trong các ngành học được duy trì, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.

Đào tạo đội ngũ

Năm học đầu tiên sau giải phóng, toàn tỉnh có 2.300 giáo viên các cấp. Theo năm tháng, quy mô giáo dục phát triển, số giáo viên cũng tăng dần. Là người gắn bó với ngành từ những ngày đầu giải phóng, ông Trần Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cũng cảm nhận được sự đổi thay của giáo dục tỉnh nhà. Theo ông, từ năm 1993, Nhà nước quy định cụ thể tiêu chuẩn cho từng loại giáo viên, trên cơ sở đó ngành tiến hành bồi dưỡng và đào tạo chuẩn hóa giáo viên bằng nhiều hình thức. Cùng với đó, những chế độ chính sách đối với giáo viên được giải quyết kịp thời. Ngoài ra, tỉnh còn có thêm các chế độ ưu đãi đối với giáo viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng xa xôi... qua đó đã ngăn được tình trạng giáo viên bỏ việc và học sinh phấn khởi đăng ký vào học ngành sư phạm.

Theo đánh giá của ngành, trong 10 năm đội ngũ giáo viên tăng về số lượng và chất lượng, đa số giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó có hàng trăm giáo viên ở các cấp học đã được đào tạo sau đại học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.

Hiệu quả bước đầu

Từ sự quan tâm đầu tư đúng hướng, chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh được tăng lên. Dù giai đoạn này còn nhiều khó khăn, nhưng trong 10 năm (1986- 1996), ở bậc tiểu học có 77 học sinh đạt giải HS giỏi toàn quốc; ở bậc THPT, chất lượng học tập của HS bắt đầu chuyển biến, tỷ lệ HS khá giỏi tăng lên. Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS, công tác giáo dục lao động - hướng nghiệp, giáo dục thể chất quốc phòng được quan tâm hơn.

Có thể nói, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - xã hội cả nước nói chung, nhưng tỉnh vẫn có những chính sách đãi ngộ đối với giáo viên, đã tạo được niềm tin và lòng yêu nghề trong đội ngũ nhà giáo. Đặc biệt, tỉnh rất quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo điều kiện thuận lợi để nâng dần chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Sau tái lập tỉnh, giáo dục phát triển không ngừng

Từ khi tái lập tỉnh vào năm 1997, sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà phát triển không ngừng. Ngân sách đầu tư cho giáo dục tăng lên đáng kể. Năm 1997 là 56,6 tỷ đồng, đến năm 2007 là 264 tỷ đồng. Qua đó tỷ lệ trường lớp được lầu hóa tăng lên: mầm non 16,3%, tiểu học 34,62%, THCS 38,78%, THPT 83,33%. Ngân sách đầu tư trang thiết bị cho các trường cũng gia tăng nhanh chóng. Việc đa dạng hóa các loại hình trường lớp theo hướng xã hội hóa giáo dục được tỉnh chú trọng.

Các phong trào thi đua dạy tốt - học tốt trong giáo viên và học sinh bắt đầu phát triển sôi nổi. Hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh được tổ chức hàng năm. Chất lượng giáo dục bậc THPT ngày càng được nâng cao, số lượng HS tốt nghiệp THPT tăng nhanh.

Thời gian này, hệ thống giáo dục chuyên nghiệp và đại học bắt đầu phát triển. Đến năm học 2006-2007 toàn tỉnh có 6 trường trung cấp, 2 trường cao đẳng, 3 trường đại học. Hầu hết các trường giữ vững công tác đào tạo, quy mô đào tạo của nhiều trường được phát triển, mở rộng.

Bài 4: Đào tạo nguồn nhân lực thúc đẩy CNH, HĐH

HỒNG THÁI