Giáo dục Bình Dương qua các thời kỳ - Bài 4

Thứ tư, ngày 29/04/2015

(BDO) Bài 4: Đào tạo nguồn nhân lực thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa

Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng và thiết yếu để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH - HĐH) đất nước. Xác định tầm quan trọng này, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đã đề ra những giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng GD-ĐT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS

Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải bắt đầu từ bậc học thấp. Để nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc THPT, từ năm học 2006-2007, Bình Dương bắt đầu thực hiện phân luồng học sinh (HS) sau tốt nghiệp THCS. Chủ trương này đã phân hóa HS một cách rõ rệt, những em có năng lực thực sự tiếp tục vào học lớp 10 công lập (tương đương 70% HS tốt nghiệp THCS), còn những HS không đủ sức học văn hóa thì vào học trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), học nghề.

Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT khen thưởng HS có thành tích cao trong học tập. Ảnh: H.THÁI

Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, qua nhiều năm thực hiện phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho HS lớp 9 đã được các trường THCS quan tâm thực hiện. Hoạt động hướng nghiệp được nhà trường thường xuyên đề cập đến qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, giờ sinh hoạt chủ nhiệm và trong các tiết hướng nghiệp, sinh hoạt ngoại khóa. Về phía các trường TCCN, vào mỗi mùa tuyển sinh, các trường đã chủ động đến từng trường THCS giới thiệu thông tin về ngành nghề đào tạo, định hướng nghề nghiệp, việc làm sau tốt nghiệp và cơ hội liên thông lên cấp học tiếp theo. Nhờ được tư vấn bằng nhiều hình thức, phụ huynh và HS đã có chuyển biến về nhận thức, lựa chọn hướng đi, ngành nghề phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế gia đình.

Phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS là chủ trương đúng đắn. Thực tế cho thấy, thị trường lao động của tỉnh đã chuyển hướng rất nhanh, các nhà tuyển dụng chú trọng đến kỹ năng làm việc, hiệu quả công việc hơn là bằng cấp. Và thực tế có nhiều người học đại học, cao đẳng sau tốt nghiệp cứ loay hoay tìm việc, trong khi đó người học nghề, học TCCN nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp.

Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông

Cùng với thực hiện phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, ngành GD-ĐT thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Phải nhìn nhận rằng, chất lượng giáo dục của tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng lên và phản ánh đúng thực chất kể từ sau khi Bộ GD-ĐT phát động cuộc vận động “2 không”: Chống bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử. Từng đơn vị, trường học đã cụ thể hóa cuộc vận động này qua phương châm “Dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật”.

Từ năm 2012, ngành đã có nhiều bước đi mới theo hướng nâng cao về chất. Đó là, triển khai thực hiện đề án “nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông” giai đoạn 2012-2017; triển khai thực hiện đề án nâng cao chất lượng trường THPT chuyên Hùng Vương giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020 có chất lượng bền vững; đầu tư xây dựng, triển khai thực hiện các trường tạo nguồn, trường chất lượng cao đạt hiệu quả cao; triển khai dự án trường tiểu học mới, đề án phương pháp bàn tay nặn bột. Ngoài ra, sở còn chỉ đạo từng trường học xây dựng chương trình hành động, có kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục phù hợp với điều kiện nhà trường.

Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT

Năm học 2014-2015, ngành GD-ĐT tập trung thực hiện chương trình hành động số 81 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Ông Dương Thế Phương cho biết, nhiệm vụ được đặt ra là, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đi đôi với việc giáo dục mũi nhọn. Ngành đã chỉ đạo các trường đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động ngoại khóa gắn với những di sản văn hóa, lịch sử, xã hội ở địa phương; gắn hoạt động dạy học với ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học.

Riêng đối với giáo dục trung học, ngành tiếp tục đổi mới đồng bộ phương pháp dạy - học và giáo dục, đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của HS theo hướng phát triển năng lực; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Những năm gần đây, chất lượng giáo dục tỉnh nhà đã có sự chuyển biến rõ rệt, thể hiện qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng hàng năm. Nhiều năm Bình Dương có thí sinh thi đậu thủ khoa, á khoa đại học, nhiều em đỗ đại học điểm cao và thi đậu 2 trường đại học.

 

Bài cuối: Phát triển nguồn nhân lực: Hướng đến nền kinh tế tri thức

A.SÁNG