Giáo dục Bình Dương qua các thời kỳ - Bài 2
Bài 2: Xây dựng nền giáo dục sau giải phóng
Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, trong muôn vàn khó khăn, cả nước nói chung, Sông Bé (trước đây) nói riêng bắt tay vào kiến thiết đất nước. Đi cùng với đó, nền giáo dục cách mạng cũng sớm được điều chỉnh, không để việc học của học sinh bị gián đoạn.
(BDO)
Sau giải phóng, điều kiện dạy và học ở các địa phương dần được cải thiện
Khôi phục và phát triển sự nghiệp giáo dục
Trong ký ức của những người thầy công tác trong ngành vào những năm đầu giải phóng, đây là thời kỳ vô vàn khó khăn. Cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn, mất cân đối, đội ngũ giáo viên thiếu trầm trọng. Ngay sau ngày đất nước thống nhất, ban điều hành của ngành giáo dục tỉnh đã tiến hành điều chỉnh, cải tạo cơ sở vật chất, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp và tổ chức bộ máy các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ khung để hình thành các phòng giáo dục.
Giai đoạn này, giáo viên thiếu trầm trọng, để khai giảng năm học đầu tiên, Ty Giáo dục phải đào tạo cấp tốc đội ngũ giáo viên. Ông Nguyễn Đức Danh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Sông Bé nhớ lại, đội ngũ giáo viên giảng dạy được huy động từ nhiều nguồn, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của nền giáo dục mới, trong khi các trường sư phạm chưa hình thành. Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh đã quyết định mở 3 lớp đào tạo giáo viên cấp tốc, gồm 1.234 giáo viên cấp I, 284 giáo viên cấp II. Cùng với đó, ngành tiến hành bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ chuyên môn cho giáo viên ở vùng mới giải phóng, nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới của nền giáo dục cách mạng.
Nhắc lại những khó khăn trong những ngày đầu mới cảm nhận đầy đủ tâm huyết của Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong việc khôi phục và phát triển sự nghiệp giáo dục. Sau khi tiếp quản các cơ sở giáo dục từ trước 1975, để kịp thời phục vụ cho việc phát triển sự nghiệp giáo dục những năm đầu sau giải phóng, ngành GD-ĐT đã tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục, tiến hành xây dựng cơ sở vật chất, song song với sắp xếp lại mạng lưới trường lớp và hình thành các cấp học.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu học tập và quy mô phát triển giáo dục, trong 5 năm ngành đã xây dựng được 942 phòng học, trong đó 37% phòng học kiên cố và bán kiên cố. Đến năm 1985 tỉnh không còn xã trắng về giáo dục, đó là một cố gắng lớn của Đảng bộ và nhân dân chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Chăm lo việc học tập cho con em nhân dân là nhiệm vụ của toàn xã hội. Vừa lo xây dựng trường lớp, ngành GD-ĐT phối hợp với các ngành các cấp huy động học sinh đến trường, quyết không để người dân mù chữ.
Phát huy truyền thống hiếu học, người dân ở các địa phương rất coi trọng việc học tập của con em, vận động con em đến tuổi đi học ra lớp. Ông Trần Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, năm học 1981- 1982, học sinh lớp 1 toàn tỉnh được học theo chương trình và sách giáo khoa cải cách giáo dục mới, đến năm học 1985-1986 hoàn thành cải cách giáo dục từ lớp 1 đến lớp 5. Cũng trong năm học này, các trường phổ thông cơ sở tiến hành thay sách giáo khoa cải cách giáo dục.
Cũng theo ông Trần Hiếu, bên cạnh phát triển mạng lưới trường lớp phổ thông ở các địa bàn thị xã, thị trấn và nông thôn, Sông Bé còn quan tâm xây dựng và phát triển giáo dục ở các vùng kinh tế mới.
Xóa mù chữ
Để thay đổi cuộc sống, con người cần có trình độ học vấn. Với mục tiêu nâng cao trình độ dân trí cho người dân, những năm đầu tiên sau giải phóng, tỉnh tập trung cho công tác xóa mù chữ. Năm học 1975-1976 toàn tỉnh xóa mù chữ cho 14.277 người. Đến tháng 12-1977 căn bản hoàn thành xóa mù chữ cho 30.992 người. Thực hiện Nghị quyết 221/CT-TW và Chỉ thị 115/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tỉnh Sông Bé đã có Chỉ thị số 03/CT-TV của Thường vụ Tỉnh ủy về “đẩy mạnh xóa mù chữ cho nhân dân lao động và bổ túc văn hóa cho cán bộ thanh niên”, ngành bổ túc văn hóa bắt đầu hình thành và phát triển. Năm học 1976- 1977 có 3 trường bổ túc công nông được thành lập, tiếp theo đó là sự ra đời của trường bổ túc văn hóa cán bộ tỉnh, các trường bổ túc văn hóa tập trung ở huyện chủ yếu là bổ túc văn hóa cơ sở. Đến năm 1985 toàn tỉnh có 14 trường bổ túc, đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao trình độ cho mọi đối tượng.
Khẳng định vai trò “trồng người”
10 năm không phải là dài, nhưng đủ để ngành GD-ĐT khẳng định được vai trò “trồng người”. Trò chuyện với chúng tôi, các vị lãnh đạo Sở GD-ĐT cho rằng, tiếp nối truyền thống của nền giáo dục cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến, ngay từ sau giải phóng, được sự điều hành của tiểu ban giáo dục, bộ máy giáo dục các cấp được hình thành.
Cùng với việc cải tạo nền giáo dục của chế độ cũ, ngành giáo dục đã nhanh chóng bắt tay vào việc xây dựng nền giáo dục mới XHCN theo quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng. Các ngành học, cấp học từng bước được hình thành, mạng lưới trường lớp phát triển rộng khắp các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường. Nhìn lại con số thống kê mới thấy hết sự nỗ lực lớn của toàn ngành trong 10 năm sau giải phóng. Nếu như năm 1975, trong 6.000 dân chỉ có 1 người đi học, thì năm 1985 cứ 5 người dân có 1 người đi học. Ông Trần Hiếu đã đúc kết, 10 năm cải tạo và xây dựng, giáo dục Sông Bé đã đạt được những kết quả đáng tự hào về xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất, phát triển quy mô trường lớp, số lượng học sinh, hình thành và hoàn chỉnh các ngành học, cấp học, từng bước nâng cao chất lượng GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần thứ IV.
Trong 10 năm, bậc phổ thông cơ sở đã thành lập được 164 trường. Ngành học phổ thông trước giải phóng chỉ tập trung ở những địa bàn trung tâm và khu vực có điều kiện thuận lợi, sau 10 năm đã phát triển rộng khắp các địa bàn. Bậc THPT, các huyện thị đều có từ 1 - 3 trường. Chất lượng giáo dục ở 2 bậc học này có sự chuyển biến rõ rệt. Từ năm 1981-1985, tỉnh có 10 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp toàn quốc.
Thời gian này, phong trào thi giáo viên giỏi, viết sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học cũng được phát triển mạnh.
Bài 3: Giáo dục thời kỳ đổi mới
HỒNG THÁI