Giáo dục Bình Dương qua các thời kỳ - Bài 1
(BDO) Bài 1: Có một ngôi trường trong chiến khu
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dù chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt, nhưng nền giáo dục cách mạng vẫn được duy trì. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, dù bom rơi, đạn lạc, nhưng ở nhiều vùng kháng chiến những con chữ vẫn được gieo đều đặn. Từ phong trào này đã tạo ra những hạt giống đỏ, tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng đi đến thắng lợi như ngày hôm nay.
Cựu học sinh trường Nguyễn Văn Lên cùng ôn lại kỷ niệm những ngày học tập, rèn chí, luyện tài. Ảnh: A.SÁNG
Ngôi trường nuôi dạy con cán bộ, liệt sĩ
Ngược dòng thời gian, trở lại những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, chúng ta cùng tìm hiểu lại quá trình hình thành, phát triển các trường đã được thành lập để nuôi dạy con em cán bộ, liệt sĩ khi đất nước còn chiến tranh (tiền thân của trường Nguyễn Văn Lên), mới thấy được tầm nhìn xa của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước về sự nghiệp trồng người, ươm mầm cho một thế hệ kế thừa có trí tuệ, năng lực trong điều kiện khó khăn gian khổ.
Ông Nguyễn Xuân Vinh, nguyên Phó tiểu ban giáo dục Thủ Dầu Một nhớ lại, phong trào giáo dục tỉnh Thủ Dầu Một phát triển mạnh từ cuối năm 1962 đến 1966, đỉnh cao là 1965-1966. Để tránh bom đạn của kẻ thù, thầy trò phải đào hầm, giao thông hào xung quanh lớp học. Thời đó, chiến tranh vốn ác liệt, hơn nữa, trường lớp là mục tiêu địch đánh phá bằng phi pháo nên có nhiều nhà giáo, học sinh đã ngã xuống. Đầu năm 1965 phong trào giáo dục toàn tỉnh phát triển mạnh, vì vùng giải phóng của ta được mở rộng. Đến tháng 4-1973, Tiểu ban giáo dục thành lập trường nội trú dạy cho con em cán bộ và gia đình chính sách, trường đóng ở ấp Giáng Hương (xã An Lập, Dầu Tiếng bây giờ), được làm bằng tranh, tre, nứa lá.
Ông Nguyễn Xuân Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường thời kỳ đầu còn nhớ, tuy là vùng giải phóng nhưng giặc vẫn oanh kích tự do, vẫn có biệt kích, giặc vẫn thả bom, bắn pháo. Để bảo đảm an toàn, thầy trò cùng nhau đào hầm, xây dựng căn cứ để tránh bom. Thời gian này rất thiếu giáo viên, trường chỉ có 3 giáo viên thay nhau dạy. Vì vậy trường sử dụng số học sinh lớp lớn hướng dẫn kỹ năng giảng dạy để dạy cho lớp nhỏ. Để bảo đảm an toàn thầy, trò cùng nhau đào hầm, xây dựng căn cứ để tránh bom, đạn của kẻ thù. Lớp học ban đầu chỉ có khoảng 20 học sinh, cao điểm có khoảng 60 học sinh.
Trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm như vậy, nhưng khát khao được học tập vẫn hừng hực trong mỗi học trò. Chị Nguyễn Hồng Nhung là một trong số những lứa học sinh đầu tiên của trường còn nhớ, dưới làn bom, mũi đạn của kẻ thù, hoạt động dạy học vẫn diễn ra sôi nổi, có những kỷ niệm thật sâu sắc mà những người như chị không bao giờ quên. Những ngày đó, trường lớp được làm bằng tranh tre, thầy trò cùng vô rừng cắt tranh, chặt cây về dựng lớp học. Cứ giặc bắn phá cháy trụi thì thầy trò cùng dựng lại. Lớp học phía trên, hầm phía dưới, có lúc đang học giặc pháo kích thầy trò cùng chui vô hầm tránh đạn. Trong chiến tranh, điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn, vừa học, các học sinh vừa sản xuất, tự túc lương thực, học sinh lớn làm nuôi học sinh nhỏ. Dù cực khổ, nhưng ai cũng quyết tâm học, bởi học tập cũng là thể hiện tinh thần yêu nước, có kiến thức văn hóa mới mở mang được tầm nhìn, góp phần đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, số học sinh của trường được đưa về trung tâm TX.Thủ Dầu Một, tiếp quản cơ sở của bộ phận an ninh tình báo chế độ cũ tại đường Lý Thường Kiệt (nay là Trung tâm dạy nghề của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) làm trường tạm. Trong thời gian này, đội ngũ giáo viên được tăng cường. Sau đó tỉnh tiếp quản một trường nuôi trẻ mồ côi của chế độ cũ (hiện nay là Bệnh viện Đa khoa TX.Bến Cát) lấy tên là trường Nội trú và chuyển toàn bộ học sinh trong chiến khu về trường tiếp tục học tập. Tháng 8-1976, học sinh trường Thiếu sinh quân cũng được gia nhập về trường Nội trú đồng thời tiếp nhận thêm con, em liệt sĩ vào học. Năm 1977, trường Nội trú Bến Cát đổi tên thành trường cấp 1, 2 Nguyễn Văn Lên.
Vẫn nhớ mãi...
Do trường chỉ giảng dạy đến cấp 2 nên số học sinh học hết cấp phải ra trường cấp 3 Bến Cát học, nhưng vì chiến tranh mới kết thúc, phương tiện đi lại khó khăn, việc con em liệt sĩ tự đi học bên ngoài không bảo đảm an toàn nên lãnh đạo tỉnh quyết định chuyển nhóm học sinh học hết cấp 2 về trường Bổ túc công nông (sau có tên là trường Bổ túc văn hóa thanh niên thuộc phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát hiện nay) và lần lượt từng nhóm học sinh học hết cấp được chuyển dần về trường Bổ túc công nông. Đến năm 1983, số học sinh còn lại được đưa về trường Bổ túc văn hóa thanh niên tiếp tục học tập, trường chính thức giải thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Nguyễn Văn Lên, tên một vị anh hùng / Người ngã xuống cho màu xanh quê mẹ / Tấm gương người mãi mãi soi chung /Chúng ta lớn khôn trong ngôi trường ấy, / Cùng luyện rèn chí lớn, đạo làm người / Làm hạt giống cho mùa sau chắc hạt / Không thẹn lòng với người đã đi xa.
Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, cựu học sinh trường Nguyễn Văn Lên, hiện là Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Sở Y tế tâm sự, mặc dù trường Nguyễn Văn Lên không còn tồn tại nhưng trong lòng những đứa trẻ ngày xưa nay đã trưởng thành và thành đạt trong cuộc sống không thể nào quên ngôi trường này. Hàng năm, những người con lớn lên từ ngôi trường ấy vẫn gặp nhau vào ngày 27-7 (ngày thương binh liệt sĩ) để ôn lại truyền thống cha ông, nhớ lại người anh hùng đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mọi người cùng nhau kể lại những kỷ niệm hồn nhiên của tuổi thơ, về tình bạn trong sáng, nghĩa thầy trò gắn bó thân thương; cùng chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống; động viên, tương trợ, giúp đỡ những bạn gặp khó khăn rồi lại chia tay nhau trở về với công việc hàng ngày và hẹn gặp lại nhau vào ngày “thương binh liệt sĩ” năm sau để lại kể nhau nghe chuyện ngày xửa, ngày xưa...!
Anh hùng liệt sĩ NGUYỄN VĂN LÊN tên thật là Nguyễn Văn Tới, sinh năm 1942, quê xã Bình Mỹ, huyện Tân Uyên (nay là Bắc Tân Uyên). Anh nhập ngũ vào tháng 2-1962, thuộc đội trinh sát đặc công huyện Tân Uyên, hy sinh ngày 10-11-1970.
Trong chiến đấu, anh là người mưu trí, có nhiều phương thức chiến đấu táo bạo và rất linh hoạt. Trong suốt những năm cầm súng đánh Mỹ, anh đã lập được nhiều chiến công vang dội. Cụ thể như trận đánh ấp chiến lược Bình Mỹ và tháng 9-1963, anh cùng đồng đội chiến đấu kiên cường, dũng cảm vượt qua 3 tuyến phòng thủ của địch, chiếm sở chỉ huy, phối hợp tiêu diệt hoàn toàn một đại đội địch, hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược. Cuối tháng 11-1966, giặc Mỹ mở cuộc càn quét dọc đường 16 suốt 7 ngày đêm, anh dẫn đồng đội trong tổ công tác liên tục bám địch, dùng mìn định hướng, lựu đạn tập kích tiêu diệt giặc. Tháng 1-1967, giặc Mỹ lại mở đợt càn quét lớn vào căn cứ của quân giải phóng, anh đã dũng cảm chỉ huy đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch. Anh còn nhiều lần dùng mìn định hướng diệt máy bay lên thẳng, dùng lựu đạn, thủ pháo diệt xe tăng và xe bọc thép của địch.
Trong 5 năm, anh đã chiến đấu 66 trận, giết và làm bị thương trên 700 tên giặc (trên 400 lính Mỹ), phá hủy 24 xe cơ giới (có 18 xe tăng), 3 khẩu pháo 105 ly, thu 20 súng các loại, diệt 1 máy bay lên thẳng…
Bài 2: Xây dựng nền giáo dục sau giải phóng
A.SÁNG