Đất nước trọn niềm vui- Bài 16

Thứ tư, ngày 15/04/2015

Bài 16: Vững vàng trong mưa bom, bão đạn

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Tam giác sắt đã trở thành trận địa bủa vây quân thù. Tại Tam giác sắt, sự hoạt động linh hoạt của địa đạo Tây Nam đã giữ vai trò đặc biệt quan trọng làm nên những chiến thắng vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến, nhất là trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Cũng từ nơi đây, nhiều lực lượng vũ trang chủ lực của ta đã làm bàn đạp xuất phát tiến công vào sào huyệt kẻ thù trong những trận đánh lớn, chiến dịch lớn. Đó là chiến dịch Lê Hồng Phong (1950), những trận phục kích đánh giao thông trên đường 14, đánh các cuộc càn “Phong hỏa”, “Át-tăng-bơ-rơ”, “Xê-đa-phôn”… Nhân dân địa đạo ở vùng Tam giác sắt đã lần lượt loại bỏ được Sư đoàn 1 “Anh Cả Đỏ”, Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới”, giáng cho quân đội Mỹ những thất bại đắng cay.

(BDO) Chiếc xe tăng của địch bị ta bắn cháy vào năm 1974 được trưng bày tại Bia tưởng niệm liệt sĩ xã Phú An như là minh chứng cho những chiến công hào hùng của quân và dân vùng Tam giác sắt

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, kẻ thù đã nhiều lần càn đi sát lại vùng đất Tam giác sắt với nhiều thủ đoạn thâm độc nhưng không thể chiến thắng, không thể khuất phục được những người dân tại nơi đây, lực lượng ta được bảo toàn. Đến khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào trực tiếp chiến đấu ở miền Nam, Tam giác sắt lại tiếp tục oằn mình hứng chịu những trận càn của kẻ thù. Nhưng cũng từ đây tinh thần kiên cường, bất khuất của quân và dân vùng Tam giác sắt tiếp tục được đẩy lên cao, mưu trí, đoàn kết bẻ gãy hàng chục cuộc càn quét của địch. Một trong những trận chống càn nổi tiếng trong lịch sử vùng đất Tam giác sắt là trận Xê-đa-phôn vào năm 1967. Bằng đủ loại binh hùng tướng mạnh cùng những phương tiện giết người hiện đại nhất, kẻ thù mở trận càn quy mô lớn này với 30.000 quân, 400 xe tăng, 80 tàu chiến, 100 đại bác và nhiều loại máy bay ném bom, kể cả máy bay B.52 hòng hủy diệt mục tiêu quan trọng này. Sự khốc liệt của trận càn Xê-đa-phôn không chỉ bởi bom đạn hủy diệt mà còn cả ý đồ rất thâm độc của địch là “Tát nước bắt cá”; “Bóc vỏ mặt đất, bới tung địa đạo Củ Chi”, “Tiêu diệt” hoặc ít nhất “Trục xuất” Bộ Tư lệnh Sài Gòn - Gia Định và quân giải phóng khỏi Tam giác sắt, “Xóa Bến Súc trên bản đồ”... Chuẩn bị tấn công sang vùng Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát, trước đó một tuần lễ, địch dội bom, pháo rất ác liệt xuống Củ Chi và một số vùng ven Nhuận Đức, Phú Hòa Đông gây cho ta một số thiệt hại nhất định… Trong trận càn này, dựa vào hệ thống địa đạo quanh co, chằng chịt, quân và dân ta lúc ẩn, lúc hiện bí mật bất ngờ mở các đợt chống càn quyết liệt gây cho chúng nhiều thiệt hại nặng nề. Ngay từ đầu, dân và quân 3 xã Tây Nam Bến Cát đã bám trụ vững chắc, dũng cảm chiến đấu một mất một còn với kẻ thù. Trong một trận đánh táo bạo, du kích An Tây và bộ đội bắn cháy 26 xe bọc thép và tiêu diệt toàn bộ lính Mỹ trên xe. Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, mưu trí như đồng chí Ba Minh cùng một tổ 3 người chỉ một khẩu súng tự động và một trái DH 10 đã cầm chân địch suốt 1 ngày, bẻ gãy nhiều đợt tấn công và diệt hơn 1 trung đội địch. Tại An Điền, du kích chiến đấu 3 ngày liên tục tại ngã ba Chú Lường, diệt 94 tên Mỹ và bắn cháy 10 xe tăng.

Ông Đặng Trung Hiền từng là du kích xã Phú An chống trận càn này nhớ lại, lúc này lực lượng du kích 3 xã Tây Nam đều rất quyết tâm giết giặc lập công dù biết địch được trang bị vũ khí tận răng trong khi ta thì thiếu thốn nhiều mặt. Trong đợt chống trận càn này, quân dân du kích Phú An quyết tâm bám chặt công sự, dựa vào hệ thống địa đạo chiến đấu dũng mãnh diệt hơn 100 tên địch và 2 xe. Đặc biệt, anh hùng Chê đã dùng súng AK bắn rơi 2 máy bay Mỹ. Đội quân hùng hậu và được trang bị vũ khí hiện đại của người Mỹ đã thất bại thảm hại khi đánh vào một vùng đất nhỏ bé. Không đạt được mục tiêu hủy diệt căn cứ cách mạng của ta, cuối cùng giặc Mỹ phải rút lui. Trong trận càn này, 3.200 tên Mỹ - ngụy bị diệt, 149 xe tăng và xe bọc thép bị phá hủy, 28 máy bay bị bắn rơi hoặc bị thương, 2 tàu chiến bị bắn chìm, bắn cháy… Tam giác sắt vẫn là nỗi kinh hoàng cho cả quân ngụy và quân viễn chinh Mỹ khi nhắc tới vùng đất này.

Trong suốt 20 năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, địa đạo 3 xã Tây Nam đã phát huy tác dụng của một địa đạo chiến đấu. Dựa vào hệ thống địa đạo, quân dân ở đây đã chiến đấu chôn vùi hàng ngàn tên giặc; bắn cháy và phá hủy hàng trăm xe tăng và xe bọc thép... Đặc biệt trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và mùa xuân năm 1975, địa đạo Tây Nam là nơi nhiều cánh quân lớn tập kết từ đây tiến đánh vào Sài Gòn. Thực hiện theo kế hoạch, đêm 27-4-1975, bộ đội huyện Bến Cát phối hợp với du kích các xã An Điền, An Tây, Phú An vây ép bao bó các đồn bót, các chốt đóng quân của Tiểu đoàn 361 bảo an ở ngã tư Chú Lường, ngã tư Thùng Thơ, ngã tư Phú Thứ. Quân ta bao vây dùng loa kêu gọi địch đầu hàng. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, 6 giờ sáng ngày 28-4, toàn bộ quân địch đóng ở các vị trí 3 xã Tây Nam rút chạy, ta truy kích diệt 16 tên, thu trên 100 súng các loại. Tiểu đoàn 361 bảo an và bộ máy kìm kẹp của địch bị tiêu diệt và tan rã. 3 xã Tây Nam được hoàn toàn giải phóng.

Hiện nay cùng với sự phát triển chung của tỉnh nhà, 3 xã Tây Nam cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng đã làm cho 3 xã này kết nối nhanh chóng với nhau. Chiến tranh đã lùi xa nhưng chí khí hào hùng đánh giặc giữ nước của những con người Tam giác sắt như vẫn còn âm vang. Giờ đây, trong thời kỳ đổi mới đất nước, những con người kiên trung của vùng Tam giác sắt đang hăng say lao động để đưa xã nhà ngày càng phát tiển.

Bài 17: Hòa mình cùng mùa xuân

 CAO SƠN - KIẾN GIANG

 

Từ khóa: