Đất nước trọn niềm vui- Bài 6

Thứ sáu, ngày 03/04/2015

Bài 6: Nắm thắt lưng địch mà đánh…

(BDO) Nhắc đến những chiến thắng đã đi vào lịch sử đấu tranh chống Mỹ cứu nước trên vùng đất Sông Bé - Bình Dương không thể không nhắc đến chiến thắng Bàu Bàng. Chiến dịch tập kích địch tại Bàu Bàng chỉ diễn ra trong vòng vài giờ đồng hồ nhưng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho các lực lượng vũ trang của ta trong kháng chiến chống Mỹ những năm sau đó…

 Tượng đài chiến thắng Bàu Bàng luôn được chọn là nơi để tổ chức các hoạt động nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

“Anh cả đỏ” hiện diện

Sau những thất bại liên tiếp ở Đồng Xoài, Bình Giã và nhiều nơi khác ở chiến trường miền Nam Việt Nam, nguy cơ phá sản chiến lược chiến tranh đặc biệt đang cận kề, tháng 7-1965, Mỹ đã ồ ạt đưa quân vào miền Nam để tiến hành chiến lược chiến tranh cục bộ với mục tiêu “Tìm diệt - Bình định - Đánh gãy xương sống Việt Cộng”. Để thực hiện ý đồ này, Mỹ quyết định điều động hai sư đoàn được coi là sừng sỏ, thiện chiến nhất của Mỹ lúc bấy giờ, đó là Sư đoàn bộ binh 1 và Sư đoàn bộ binh 25.

Ngay sau khi đặt chân vào miền Nam Việt Nam, Sư đoàn bộ binh 1 của Mỹ được mệnh danh là “Anh cả đỏ” đã hành quân về chốt chặn tại đường 13 đoạn Lai Khê - Bàu Bàng. Địch cũng đồng thời tổ chức càn quét dọc hai bên đường 13 nhằm thăm dò lực lượng của ta. Không phải ngẫu nhiên mà địch chọn vị trí ở Lai Khê làm điểm chốt chặn. Chúng muốn kiểm soát khu vực có ý nghĩa chiến lược này bởi từ đây có thể khống chế hoạt động của ta trên đường 13, đồng thời cắt đứt liên lạc giữa hai căn cứ kháng chiến đó là Chiến khu Đ và Chiến khu Dương Minh Châu, Cục R và thiết lập vành đai bảo vệ Sài Gòn ở phía bắc.

Đại tá Trần Nam Hùng, Anh hùng LLVTND, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 cho rằng, việc địch hiện diện ở Lai Khê rõ ràng là một bất lợi cho ta bởi khu vực Lai Khê - Bàu Bàng là một vị trí chiến lược rất quan trọng. Chính vì thế, Bộ Chỉ huy Miền đã quyết định bằng mọi giá phải đẩy lùi sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này. Sư đoàn bộ binh 9 là đơn vị được Bộ Chỉ huy Miền phân công phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương thực hiện nhiệm vụ này.

Ngày 11-11-1965, trinh sát của Sư đoàn 9 nắm được thông tin Lữ đoàn 3 “Anh cả đỏ” cùng hai chi đoàn tăng thiết giáp với quân số trên 2.500 tên được không quân, pháo binh yểm trợ đang chuẩn bị tổ chức càn quét lên hướng Chơn Thành. Đặc công của sư đoàn nhanh chóng liên hệ với bộ đôi địa phương tổ chức theo dõi nhất cử nhất động của địch, đồng thời xây dựng kế hoạch hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị để tiêu diệt địch.

Thành công với chiến thuật mới

“Chúng tôi được phân công kết hợp với đặc công Sư đoàn 9 theo dõi sự di chuyển của địch. Khoảng 17 giờ chiều chúng quyết định dừng chân ở Bàu Bàng và tổ chức phòng thủ rất cẩn mật. Tôi thấy rất nhiều xe tăng địch quay thành vòng tròn bao bọc khu vực nghỉ chân của địch…”, ông Nguyễn Văn Xếp, một cựu chiến binh đã từng nhiều năm chiến đấu trên vùng đất Bàu Bàng nhớ lại tình hình lúc đó.

Sau khi nghe trinh sát báo cáo, nhận định thời cơ đã đến, đồng chí Hoàng Cầm, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9 cùng cấp ủy đã quyết định đánh địch. Mọi công tác chuẩn bị đã xong chỉ chờ lệnh từ cấp trên là các đơn vị hiệp đồng nổ súng tấn công. Tuy nhiên, một tình huống đã diễn ra ngoài dự  đoán, đó là khi bộ đội ta tiến vào nơi địch đóng quân lúc chiều thì không thấy dấu vết nào chứng tỏ địch đã từng dừng chân ở đó. Đại tá, Anh hùng LLVTND Trần Nam Hùng nhớ lại, tiểu đoàn của ông được giao tiêu diệt cụm quân Mỹ ở sân bóng phía bắc ấp chiến lược Bàu Bàng. “Khi tiếp cận mục tiêu thì không thấy địch, sau đó mới biết chúng đã di chuyển xuống phía nam Bàu Bàng. Tình huống bất ngờ khiến cấp ủy tiểu đoàn phải thảo luận khẩn cấp vì lúc này việc liên lạc với chỉ huy sư đoàn không thực hiện được. Trời sắp sáng nếu không quyết định đánh, lỡ địch phát hiện thì nguy. Sau khi hội ý nhanh với đồng chí chính trị viên, chúng tôi đã quyết định đánh…”, đại tá Trần Nam Hùng kể.

Ngay trong loạt đạn đầu tiên, Tiểu đoàn 1 đã bắn cháy nhiều xe tăng địch ở tiền duyên. Bị tấn công bất ngờ địch rối loạn, hoảng hốt. Sau phút định thần địch tổ chức phản công dữ dội, quyết liệt. Các đơn vị của ta chiến đấu rất dũng cảm, áp sát địch dùng bộc phá, lựu đạn tiêu diệt từng chiếc xe tăng. Ngay khi địch phản công mạnh mẽ nhất thì các tiểu đoàn của ta cũng kịp thời đến chi viện tấn công mãnh liệt vào đội hình địch. Khoảng 8 giờ sáng ngày 12-11, đại tá Trần Nam Hùng lệnh cho một trung đội thọc sâu vào chỉ huy lữ đoàn và trận địa pháo của địch. Bị đánh trúng chỉ huy sở, địch trở nên hoảng loạn và nhanh chóng tan rã hoàn toàn.

Kết thúc trận Bàu Bàng, ta đã tiêu diệt hơn 2.000 tên địch và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại của chúng. Đây là thắng lợi đầu tiên trong chiến dịch mùa khô 1965-1966 với những chiến dịch vang dội ở Dầu Tiếng, Đà Nẵng, Plâyme… Chiến thắng này cũng đánh dấu lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, quân ta đã tiêu diệt quân Mỹ ở cấp lữ đoàn; khẳng định một thực tế là chúng ta có thể đánh Mỹ và thắng Mỹ. Chiến thắng Bàu Bàng cũng đã giải quyết cơ bản nỗi băn khoăn của bộ đội ta lúc bấy giờ về phương thức tác chiến với quân Mỹ, tiếp tục hoàn thiện và củng cố chiến thuật chiến đấu đầy hiệu quả là “nắm thắt lưng địch mà đánh”. Chiến thuật này sau đó được áp dụng trên khắp các chiến trường miền Nam, giúp quân ta giành những thắng lợi quan trọng, góp phần đưa cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng, giành lại độc lập tự do, thống nhất đất nước.

Bài 7: Bẽ gãy một trận càn vào Chiến khu Đ

 TRÍ DŨNG - KIẾN GIANG

Từ khóa: