Đất nước trọn niềm vui - Bài 10

Thứ tư, ngày 08/04/2015

Bài 10: Một ngày bằng 20 năm

(BDO)  Trước khí thế tấn công mạnh mẽ của quân ta, ngày 6-4-1975, Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy… Thời khắc lịch sử của hơn 20 năm đánh Mỹ đang đến từng ngày. Các quân đoàn chủ lực đang thần tốc tiến vào vị trí tập kết xung quanh sào huyệt cuối cùng của kẻ địch. Chiến trường miền Nam những ngày này cách đây 40 năm dậy tiếng quân reo, như đang giục giã toàn Đảng, toàn quân và đồng bào cả nước vào trận quyết chiến lịch sử với tinh thần “thời gian là lực lượng, một ngày bằng 20 năm”.

Cựu chiến binh Út Cao nay đang sống vui vẻ với thú điền viên

 “ Cơn lốc” tháng tư

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, chỉ thị của Trung ương Cục, trước đó ngày 2-4-1975, Thường vụ Tỉnh ủy Thủ Dầu Một có Chỉ thị 03/CT- TU cho Đảng bộ và quân dân trong tỉnh: Đây là thời kỳ nổi dậy giải phóng xã, ấp ở nông thôn, giải phóng thị trấn, thị xã, thành phố và cả huyện, tỉnh; là lúc tình hình một ngày phát triển bằng 30 năm lúc cách mạng phát triển bình thường. Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy các địa phương phải hết sức nhạy bén, linh hoạt, táo bạo, chủ động tiến công để phối hợp với chiến trường chung giành thắng lợi lớn. Chần chừ, do dự, rụt rè không dám tấn công quyết liệt lúc này là có tội với cách mạng. Thường vụ Tỉnh ủy chỉ thị: Các huyện ủy, thị xã ủy, xã ủy và chi bộ phải nhạy bén với tình hình mới, phóng tay hết mức, mạnh dạn, táo bạo phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa bằng tất cả khả năng hiện có của mình để ấp giải phóng ấp, xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện... bằng lực lượng của địa phương. Các huyện, xã cần chỉ đạo chặt chẽ lực lượng vũ trang của mình, đẩy mạnh đánh tua bót, kể cả một số mục tiêu then chốt, các chi khu, thị trấn, thị xã khi có thời cơ và thấy chắc ăn. Đồng thời phải gấp rút xây dựng lực lượng chính trị, binh vận, chuyên môn và lực lượng lãnh đạo để đủ sức liên tục tấn công địch.

Ở các huyện Lái Thiêu, Dĩ An, Châu Thành, Bến Cát… bộ đội địa phương cùng du kích xã đẩy mạnh tiến công vây ép địch không cho chúng ra ngoài hoạt động. Cả chiến trường miền Nam trong những ngày tháng tư trở nên sôi động khác thường. Thêm vào đó, sự kiện ngày 8-4-1975, phi công Nguyễn Thành Trung đã dùng phi cơ ném bom vào dinh Độc Lập càng làm cho tình hình Sài Gòn náo động mà quân ta thì vô cùng phấn khởi. Ngày vui toàn thắng đã đến gần!

Nhất tề đứng lên

Trong quá trình sưu tầm tư liệu để viết loạt bài này, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với ông Lê Văn Cao (Út Cao), nguyên là Thượng tá Công an Thủ Dầu Một. Trong chiến dịch giải phóng Thủ Dầu Một năm 1975, ông Út Cao được giao nhiệm vụ chỉ huy cánh Bắc đánh đồn dân vệ xã Định Hòa, ấp Chánh Thành, sau đó tiến thẳng vào tỉnh lỵ phối hợp với lực lượng tại chỗ. Người cựu chiến binh nay tuổi đã cao nhưng trò chuyện với chúng tôi ông rất hào hứng, vẫn một lòng đau đáu nhớ về đồng đội của một thời oanh liệt vẻ vang. Ông nói, đất nước năm nay kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất thì đơn vị ông cũng kỷ niệm từng ấy lần họp mặt. Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, ngày gặp mặt lại nhớ khôn nguôi những đồng đội đã hy sinh cho Tổ quốc.

Để chuẩn bị cho kế hoạch giải phóng tỉnh nhà, trước đó ông Út Cao được trên giao nhiệm vụ vào trước gây dựng cơ sở mật, cấy sẵn lực lượng của ta trong lòng địch. Với kinh nghiệm của người chiến sĩ an ninh nhiều năm hoạt động bí mật, ông Út Cao đã xây dựng được một chi bộ ngầm hoạt động trong đồn giặc ở gần khu vực Suối Giữa, gọi là “Bót Nhị Tỳ”. Lực lượng địch ở bót Nhị Tỳ khá đông, lại án ngữ ở trục giao thông rất quan trọng, sẽ gây khó khăn cho cánh quân phía Bắc do Út Cao chỉ huy tiến về giải phóng Thủ Dầu Một. Thế nhưng chỉ trong thời gian ngắn, ông Út Cao đã tiếp cận, móc nối được hai nhân vật tên là Ba Sê và Hai Bì trong bót Nhị Tỳ. Và từ hai nhân vật này, sau đó đã xây dựng được một tiểu đội phòng vệ xung kích theo cách mạng, hàng ngày mặc áo lính ngụy nhưng trong lòng luôn sẵn sàng nội ứng khi quân ta tiến về giải phóng quê hương.

Tổ chức thứ hai mà ông Út Cao gây dựng được là thông qua một đảng viên có tên Trần Thị Tâm Hưng. Bà Hưng có một người anh tên Sáu Lê, chủ xưởng mộc ở Phú Thọ, nổi tiếng có máu mặt. Nghe lời người em gái, trong những năm đánh Mỹ, hễ lính ngụy đào ngũ là Sáu Lê giang rộng vòng tay đàn anh nhận về làm công nhân xưởng mộc, tạo công ăn việc làm cho họ.

Quả nhiên, trong ngày 30-4, khi cánh quân phía Bắc tiến về giải phóng Thủ Dầu Một thì hai tổ chức ngầm được ông Út Cao xây dựng nói trên đều nhất tề đứng lên huy động đồng bào uy hiếp quân địch, buộc chúng phải buông súng đầu hàng. Ông Út Cao tự hào nhớ lại: “Trong chiến dịch giải phóng tỉnh nhà, lực lượng hai bên không hề đổ máu. Đó là một thành công rất lớn nhờ vào công tác binh vận, địch vận của ta từ trước. Điều này đã cho thấy đỉnh cao trong nghệ thuật chiến tranh nhân dân của cách mạng Việt Nam; đồng thời thể hiện sự nhân đạo sâu sắc trong chủ trương của chúng ta. Thực ra mà nói, với sức mạnh áp đảo của quân ta lúc ấy, kẻ địch có điên cuồng chống cự cuối cùng cũng phải thảm bại. Nhưng ta không dùng vũ khí tấn công từ đầu, mà dùng công tác địch vận trước, kêu gọi con em phía bên kia trở về với gia đình để người Việt Nam không phải đổ máu…”.

Truyền thống đánh giặc của dân tộc Việt Nam là chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, cả nước đánh Pháp, đánh Mỹ, không phân biệt tiền tuyến, hậu phương. Ý chí thống nhất Tổ quốc là thế và lực mạnh trong chiến tranh. Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Chiến trường Việt Nam là một. Cả dân tộc kết thành một khối trong tình đồng bào cùng chung giống nòi không thể chia cắt. Đó là những thế mạnh ưu việt để dân tộc Việt Nam chiến thắng tất cả mọi thế lực ngoại xâm.

Bài 11: Những “bông hoa” chiến khu

 KIẾN GIANG - CAO SƠN