Đất nước trọn niềm vui - Bài 8

Thứ hai, ngày 06/04/2015

Bài 8: Chặt đứt tuyến phòng thủ tây bắc Sài Gòn

(BDO)

Nếu nói Xuân Lộc là “cánh cửa thép” của địch trong tuyến phòng ngự phía bắc Sài Gòn thì Dầu Tiếng lại là một mắt xích cực kỳ quan trọng trong tuyến phòng thủ trung gian của địch ở phía tây bắc. Sau thất bại ở Phước Long, địch tăng cường phòng thủ ở Dầu Tiếng nhằm ngăn chặn bước tiến thần tốc của quân giải phóng. Song, cuối cùng địch vẫn bị đánh tan tác như ở Phước Long một tháng trước đó…

 Trước nguy cơ tuyến phòng thủ vòng ngoài trên hướng bắc - tây bắc Sài Gòn bị phá vỡ, địch đã tập trung thiết lập tuyến phòng ngự vòng cung từ Trảng Bàng (Tây Ninh) qua Dầu Tiếng, nam Bến Cát, bắc Châu Thành tới bắc Tân Uyên. Tại Dầu Tiếng, địch đã sử dụng các tiểu đoàn bảo an, trung đội dân vệ, phòng vệ dân sự… với hàng ngàn lính.

LLVT huyện Dầu Tiếng tổ chức diễu hành trong lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Dầu Tiếng (13.3.1975 - 13.3.2015) Ảnh: T.DŨNG

Sau chiến dịch đường 14 - Phước Long thắng lợi, tỉnh lỵ Phước Long được giải phóng hoàn toàn, Đảng bộ, quân và dân huyện Dầu Tiếng như được tiếp thêm sức mạnh, kịp thời phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực quyết tâm giải phóng quê hương. Để công tác phối hợp với lực lượng bộ đội chủ lực mang lại hiệu quả, từ cuối tháng 2-1975, Đảng bộ, quân và dân Dầu Tiếng đã khẩn trương thực hiện hàng loạt công việc cấp bách. Trong đó, vấn đề bảo đảm an toàn tính mạng cho 13.000 dân còn bị kìm kẹp trong thị trấn và các ấp chiến lược là một nhiệm vụ vô cùng phức tạp trước khi quyết định tấn công Dầu Tiếng. Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ta đã huy động cán bộ tăng cường cho Dầu Tiếng tổ chức đón dân từ trong thị trấn ra vùng giải phóng khi bộ đội chủ lực đánh vào Dầu Tiếng. Đến ngày 10-3-1975 mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Dầu Tiếng như sơ tán dân, thành lập ban quân quản, huy động phương tiện làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm… đã hoàn tất. Tất cả các lực lượng tham gia chiến dịch giải phóng Dầu Tiếng đã sẵn sàng bước vào chiến đấu.

“Rất khốc liệt!..”. Đó là nhận xét của ông Trần Văn Du, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng khi nói về tình hình chiến sự lúc bấy giờ. Lúc diễn ra chiến dịch giải phóng Dầu Tiếng, ông Trần Văn Du là một trong những thanh niên đang hoạt động bí mật trong khu vực thị trấn, tham gia đưa dân trong thị trấn về các khu vực theo quy định. Ông đã tận mắt chứng kiến giây phút các lực lượng của ta và địch giao tranh quyết liệt, giành giật kiểm soát từng mét đất.

 Trước sự phát triển nhanh chóng trên các chiến trường, ngày 31-3- 1975, Bộ Chính trị họp và khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Ngày 14- 4-1975, Bộ Chính trị quyết định đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn- Gia Định là chiến dịch Hồ Chí Minh.

Sáng ngày 13-3-1975, trong khi các mũi tiến công của các lực lượng Sư đoàn 9, Trung đoàn 16 đồng loạt nổ súng tiến công địch ở Bến Củi, Cầu Tàu… thì tại khu vực Suối Dứa, Đại đội 64 cùng đội biệt động của huyện và du kích xã Thanh An dùng cối 60 ly pháo kích uy hiếp để cầm chân địch. Trước áp lực từ mọi phía của ta, đại đội bảo an của địch đóng ở đồn ấp chiến lược Suối Dứa sợ hãi bỏ chạy tán loạn về chi khu Dầu Tiếng. Trong khi đó, tại khu vực thị trấn, mũi tiến công của các lực lượng vũ trang ta đã đánh chiếm sân bay, diệt đồn tam giác, đánh địch trong chi khu, chốt Vườn Chuối, ngã ba Ba Rắc, Cầu Tàu… Địch cố thủ dưới các hầm và chống cự quyết liệt. Sau những đợt pháo 130 ly bắn cấp tập vào các vị trí quân sự còn lại của địch trong chi khu, các cánh quân  của Sư đoàn 9 nhanh chóng chiếm giữ các vị trí trọng yếu trong thị trấn. 10 giờ sáng ngày 13-3-1975, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã tung bay trên nóc dinh quận trưởng Dầu Tiếng. Bộ máy ngụy quyền địch ở Dầu Tiếng hoàn toàn tan rã. Chi khu quân sự Dầu Tiếng bị đập nát, huyện Dầu Tiếng hoàn toàn được giải phóng.

Ngay trong ngày 13-3 và những ngày tiếp theo, địch điên cuồng sử dụng hàng chục đợt máy bay tới ném bom vào Dầu Tiếng, đồng thời sử dụng Sư đoàn 25 ngụy phản công hòng chiếm lại Dầu Tiếng. Tuy nhiên, mọi cố gắng trong thế tuyệt vọng của địch đã hoàn toàn thất bại. Trong chiến dịch giải phóng Dầu Tiếng, ta đã loại khỏi vòng chiến trên 1.300 tên địch, diệt gọn 3 tiểu đoàn, một chiến đoàn thiết giáp, 4 trung đội pháo, bắn rơi 7 máy bay, phá hủy 20 xe tăng, xe thiết giáp, 2 khẩu pháo, thu 1.000 súng các loại… 

Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Dầu Tiếng đã chặt đứt một mắt xích quan trọng của vòng cung phòng ngự của địch, một vị trí xung yếu nhất trong tuyến phòng thủ trung gian của địch ở phía bắc - tây bắc Sài Gòn bị chọc thủng đã uy hiếp trực tiếp đến Sư đoàn 25 ngụy ở căn cứ Đồng Dù và tiểu khu Bình Dương. Thắng lợi ở Dầu Tiếng cũng tạo thuận lợi cho lực lượng của ta trong việc xây dựng hệ thống căn cứ địa liên hoàn và hình thành tuyến hành lang chiến lược thông suốt từ cực Nam Trung bộ đến Chiến khu Đ và phía bắc Củ Chi, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là thắng lợi trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bài 9: Bước vào mùa xuân lịch sử

 TRÍ DŨNG