Đất nước trọn niềm vui - Bài 5
Bài 5: Bông Trang - Nhà Đỏ, chiến thắng điển hình của tư tưởng tiến công
(BDO) Chiến thắng Bông Trang - Nhà Đỏ là một trong những điển hình của tư tưởng tiến công và hành động phản công trong đánh địch tiến công càn quét. Trận đánh này đã chứng minh rằng, qua từng thời kỳ, qua từng trận đánh, lực lượng ta, quân đội ta đã trưởng thành về mọi mặt.
Những ngày đầu tháng tư lịch sử này, chúng tôi lại có dịp đi dọc lên các xã Hưng Hòa (Bàu Bàng), Tân Bình, Bình Mỹ (Bắc Tân Uyên), Chánh Phú Hòa (TX. Bến Cát), những địa phương ghi dấu chiến thắng Bông Trang - Nhà Đỏ oai hùng. Những vườn cao su xanh ngát đã phủ khắp các trận địa năm xưa. Những vùng đất bom cày, đạn xới năm nào đang “thay da đổi thịt” từng ngày, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những câu chuyện về chiến thắng hào hùng Bông Trang - Nhà Đỏ cách nay gần 50 năm vẫn được người dân tại các xã này nhắc nhớ đến.
Vùng đất ghi dấu chiến thắng Bông Trang - Nhà Đỏ năm nào giờ đây đã có bước phát triển mạnh mẽ. Trong ảnh: Hệ thống hạ tầng nông thôn tại xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên đã được đầu tư xây dựng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới Ảnh: C.SƠN
Từ tháng 2-1966, quân Mỹ sử dụng Lữ đoàn 1 thuộc Sư đoàn 1 bộ binh (Anh cả đỏ), 2 chi đoàn thiết giáp và một tiểu đoàn quân Ô-xtrây-li-a mở cuộc hành quân “Đá lăn” (Rolling Stone) nhằm mở rộng hành lang đường số 7, chia cắt quân và dân ta ở Chiến khu Đ, tiến hành bình định khu vực Bông Trang - Nhà Đỏ - Bình Mỹ, giải tỏa áp lực tiến công của ta từ phía bắc Sài Gòn. Ngày 15-2-1966, Mỹ huy động 2 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 1, cùng 2 chi đoàn thiết vận, mở cuộc tiến công đánh phá vào Chiến khu Đ, trong đó chúng lấy khu vực Bông Trang - Nhà Đỏ thuộc huyện Bến Cát cũ, nằm trong vùng tam giác Lai Khê - Phước Vĩnh - Tân Uyên làm địa bàn xuất phát hành quân. Nắm chắc tình hình địch, ngày 23-2-1966, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 9 xây dựng phương án tác chiến, quyết định tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt địch, bẻ gãy cuộc hành quân “Đá lăn” của Mỹ. Các đơn vị thuộc Sư đoàn 9 khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, vận động tập kích vào cụm quân địch ở khu vực Bông Trang - Nhà Đỏ.
Đêm 23-2-1966, các đơn vị của sư đoàn bí mật đưa lực lượng vào triển khai áp sát các cụm quân địch. Theo phương án tác chiến, các lực lượng pháo, cối của sư đoàn đánh kiềm chế các trận địa pháo địch và chi viện cho bộ binh tiến công trên các hướng vào các vị trí quân địch. Đúng 1 giờ 20 phút ngày 24-2-1966, bộ phận hỏa lực pháo của sư đoàn đồng loạt bắn mãnh liệt vào đội hình địch. Pháo binh ta đã bắn trúng sở chỉ huy của địch. Sau 7 phút hỏa lực bắn quyết liệt, bộ đội ta trên các hướng đồng loạt tiến công vào các vị trí quân địch. Bị đánh bất ngờ dồn dập từ các hướng, địch hoảng sợ bỏ tuyến ngoài, vội vã rút vào tuyến trong, hòng dựa vào bộ phận cơ giới và hỏa lực để chống trả, ngăn chặn sức tiến công của quân ta, chờ viện binh đến ứng cứu. Không để lỡ thời cơ, Trung đoàn 1 và Trung đoàn 3 điều chỉnh đội hình tập trung lực lượng tiến công dũng mãnh; đồng thời sư đoàn sử dụng lực lượng dự bị tăng cường đột kích, nhanh chóng chia cắt, diệt từng bộ phận địch. Trước lối đánh gần, quyết liệt, dữ dội của bộ đội ta từ nhiều hướng vào bên trong, quân địch co cụm chống trả trong thế tuyệt vọng và chịu tổn thất lớn. Sau gần 3 giờ chiến đấu, bộ đội ta làm chủ hoàn toàn trận địa và sau đó tổ chức rút quân về căn cứ an toàn trước khi trời sáng. Trận đánh Bông Trang - Nhà Đỏ là một trong những trận vận động tập kích xuất sắc, đạt hiệu suất chiến đấu cao, để lại nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó có kinh nghiệm về tổ chức và sử dụng lực lượng thực hành vận động tập kích vào cụm quân địch linh hoạt, sáng tạo, đạt hiệu quả cao.
Trong chuyến thực hiện bài viết về chiến thắng Bông Trang - Nhà Đỏ, chúng tôi may mắn được gặp ông Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Xã đội trưởng xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát năm xưa, một trong rất ít nhân chứng trực tiếp còn lại tham gia trận đánh này. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà nhỏ yên tĩnh, ông Nguyễn Văn Hiếu nhớ lại: “Giai đoạn này địch tăng cường càn quét, bố ráp nhưng lực lượng quân các địa phương vẫn đứng vững. Không những vậy, khí thế chiến đấu của anh em du kích ngày càng được nâng lên. Được quán triệt tinh thần từ trước, lực lượng du kích Chánh Phú Hòa gồm trên 40 người đã hăng hái, sẵn sàng tham gia cùng bộ đội chủ lực, du kích các địa phương khác tham gia vào trận đánh Bông Trang - Nhà Đỏ. Các lực lượng du kích lúc này được trang bị vũ khí đầy đủ. Thực hiện theo sự chỉ đạo chung, anh em du kích trong trận đánh này đã thể hiện được ý chí kiên cường, tinh thần xung phong, phối hợp ăn ý với quân chủ lực, phân bổ lực lượng theo từng cụm để bám sát trận địa. Sau khi chiếm giữ trận địa, được lệnh rút quân, anh em du kích cũng tiến hành rút quân đến các địa điểm an toàn theo đúng kế hoạch đã đề ra”.
Trong trận đánh này, lực lượng ta đã thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo của chiến thuật vận động tập kích là đánh nhanh, diệt gọn, lui quân nhanh, nên đã tránh được những đòn phản kích của pháo binh và máy bay địch. Trận đánh Bông Trang - Nhà Đỏ là một trong những điển hình của tư tưởng tiến công và hành động phản công trong đánh địch tiến công càn quét; là bước tiến bộ của bộ đội ta về khả năng đánh tập trung, về trình độ tác chiến vận động và chiến thuật vận động tập kích quân địch tạm dừng đóng quân. Chiến thắng này cùng với thắng lợi to lớn trong nhiều trận đánh kế tiếp đã góp phần đánh bại cuộc hành quân “Đá lăn” (từ 15-2 đến 5-3-1966) trong cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất (mùa khô 1965-1966) của đế quốc Mỹ ở miền Đông Nam bộ. Trận đánh đã thể hiện bước phát triển về nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam bộ của bộ đội chủ lực ta.
Bài 6: Nắm thắt lưng địch mà đánh…
CAO SƠN - KIẾN GIANG