Quân đoàn 4 - “Quả đấm thép” phía Nam: Vào đất Chùa Tháp

Thứ năm, ngày 06/11/2014

(BDO) Kỳ 7: Vào đất Chùa Tháp

Cuộc chiến tranh lật đổ chế độ độc tài vô cùng tàn ác của tập đoàn phản động Pôn-pốt, Iêng Xa-ri đã lùi xa vào quá khứ gần 40 năm, nhưng đối với những người lính Việt Nam nói chung và chiến sĩ Quân đoàn 4 (QĐ 4) nói riêng vẫn là những ký ức không bao giờ quên. Chính họ đã làm nên bản tình ca bất diệt về lòng quả cảm hy sinh vì Tổ quốc và bạn bè quốc tế. Ngày nay, khi nhắc đến bộ đội tình nguyện Việt Nam, người dân bao thế hệ Campuchia vẫn đong đầy một sự hàm ơn cao cả…

Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đón chào chiến sĩ QĐ 4 hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về. (Ảnh: Bảo tàng QĐ 4 cung cấp)

“Ẩn số” Việt Nam

Vào lúc 9 giờ tối, ngày 20-6- 1977, Hun Sen (nay là Thủ tướng Vương quốc Campuchia) cùng 4 đồng đội của mình đã từ bỏ chế độ tàn ác Khơ-me đỏ tìm đường sang Việt Nam. Họ tiến đến trong nỗi sợ hãi. Bóng đêm làm cho họ khó nhìn thấy được các đơn vị bộ đội Việt Nam đồn trú ở đâu. Sau khoảng 200m đi vào Việt Nam, Hun Sen đề nghị với lính của ông rằng họ nên dừng lại nghỉ. Họ nấu một ít cháo, rồi húp cháo loãng. Không bao giờ đủ gạo trong tình trạng chết đói là chuyện thường xảy ra dưới sự cai trị của Pôn- pốt… Đó là đoạn văn miêu tả về những giây phút làm thay đổi cuộc đời của ông Hun Sen, của nhà báo Pháp Haryshe - Mehta Julie - Mehta.

Ông Hun Sen thời điểm bỏ hàng ngũ Pôn-pốt sang nước ta khoảng 25 tuổi, chức vụ là sư đoàn trưởng trong chế độ Pôn-pốt. Sự xuất hiện của Hun Sen và đồng đội của ông đã làm phía ta nghi ngờ. Tuy nhiên, sau những phân tích về tội ác diệt chủng của Pôn-pốt, Việt Nam đã bắt đầu tin tưởng và thời gian sau đã giúp đỡ Hun Sen và những nhà yêu nước khác thành lập Mặt trận thống nhất Campuchia, cùng tiến về giải phóng quê hương khỏi những bàn tay khát máu…

Bộ đội tình nguyện Việt Nam chăm sóc các trẻ em Campuchia vừa thoát khỏi bàn tay Khơme đỏ. (Ảnh: Bảo tàng QĐ 4 cung cấp)

Cuộc tấn công tiêu diệt tập đoàn tội ác Pôn-pốt đã đến. Trước sự dã man của địch, quân đội Việt Nam và được lực lượng của Mặt trận thống nhất Campuchia yểm trợ phía sau tiến vào đất nước Chùa Tháp. Bộ đội ta đã vượt sông Mê-kông, bao vây thủ phủ tỉnh Kom-pong-cham, cách Phnom Pênh 64km, từng bước đập tan nhanh chóng mọi sự kháng cự của Pôn-pốt. Chính điều này đã để lại ấn tượng với ông Hun Sen sau này, khi ông trả lời báo chí quốc tế: “Tôi biết rõ chúng tôi không thể lật đổ được khơ-me đỏ mà không có sự hỗ trợ của bộ đội Việt Nam…”. Sau này ông trả lời tiếp với báo chí rằng: “Tôi không biết chắc Việt Nam đã dùng bao nhiêu quân, vì các lực lượng vũ trang của Việt Nam rất tài tình trong việc giữ bí mật quân sự. Việt Nam không bao giờ lật ngửa quân bài của mình, thậm chí ngay cả sau khi họ đã đánh xong trận chiến. Dù đọc các sách lịch sử, quý vị sẽ không biết được làm thế nào Việt Nam đã thắng Pháp ở Điện Biên Phủ. Việt Nam đã phát động một cuộc chiến tranh nhanh chóng để giải phóng đất nước chúng tôi khỏi họa diệt chủng…”.

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của trận mạc. Trong hơn 4.000 năm giữ nước, Việt Nam luôn ở trong thế bắt buộc phải cầm vũ khí và cuối cùng đều chiến thắng mọi kẻ thù thuộc loại “sừng sỏ” nhất thế giới. Vì sao như thế? Đối với các học giả nước ngoài luôn là một ẩn số và cũng là bài học còn nguyên giá trị cho những thế lực ngoại bang đang lăm le đe dọa dân tộc bất khuất này.

Vai trò của QĐ 4…

Thắng lợi của tác chiến phòng ngự bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam mang một ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tạo được thời cơ chiến lược hết sức thuận lợi cho cuộc tổng tiến công chiến lược giúp bạn vào giải phóng thủ đô Phnom Pênh 1979. Đối với nhân dân Campuchia trong giai đoạn này đang chìm trong biển máu trước những bàn tay ác ôn, tàn bạo, dã man của Pôn-pốt Iêng Xa-ri. Chúng ra sức tàn sát người già, phụ nữ và trẻ em. Đáp lời kêu gọi của nhân dân Campuchia, QĐ 4 vinh dự được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ tiếp tục phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị khác, thực hiện chuyển từ phản công tiêu diệt địch ở biên giới Tây Nam sang tiến công giúp bạn giải phóng Phnom Pênh lật đổ diệt chủng Pôn-pốt, cứu dân tộc bạn thoát khỏi bàn tay khát máu, đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc của bạn đến thắng lợi hoàn toàn.

Từ ngày 1 đến 5-1-1979, thực hiện quyết tâm của bộ, QĐ 4 triển khai lực lượng tiến công theo đúng kế hoạch. Sư đoàn 9 tổ chức truy kích địch ở phía nam đường Số 1 đến sát sông Mê-kông, đồng thời đưa một trung đoàn bao vây núi Sa Cách bảo vệ sườn phải, sườn trái cho Sư đoàn 7. Sư đoàn 2 tiến công giữ hành lang nam đường số 10, nam - bắc đường số 1. Quá trình tiến công theo kế hoạch thì hướng Tà Keo, Quân khu 9 và Quân đoàn 2 gặp khó khăn. Vì vậy, Bộ Chỉ huy tiền phương bổ sung nhiệm vụ cho QĐ 4 đảm nhiệm hướng chủ yếu tiến công vào giải phóng Phnom Pênh. Tình hình địch lúc này đang hoảng loạn, bị tiêu hao một phần lớn về sinh lực trước sức mạnh như vũ bão trên các hướng tiến công của ta. Bộ Tư lệnh QĐ hạ quyết tâm giao nhiệm vụ cho các đơn vị hành quân cả bằng đường bộ, đường thủy với tốc độ nhanh nhất vào giải phóng thủ đô nước bạn trước ngày 8-1. Chấp hành mệnh lệnh của QĐ, Sư đoàn 7 là lực lượng chủ yếu đã hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn và địa phương tổ chức vượt sông Mê-kông, qua phà Niếc Lương. Đội hình tiến công của sư đoàn phát triển thuận lợi. 11 giờ ngày 7-1, liên quân của ta tiến vào thành phố Phnom Pênh chiếm giữ một số mục tiêu quan trọng như: Khu đại sứ quán, cơ quan trung ương địch, đài phát thanh… 12 giờ cùng ngày, các đơn vị thuộc QĐ và Binh đoàn 1 của bạn đã làm chủ hoàn toàn thủ đô Phnom Pênh.

Như vậy chỉ trong một thời gian rất ngắn, kể từ lúc nhận nhiệm vụ bổ sung đảm nhiệm trên hướng chủ yếu, QĐ 4 đã đập tan mọi sự chống đối của tập đoàn Pôn-pốt, tiến thẳng vào sào huyệt quân địch trong niềm vui khôn tả của nhân dân Campuchia. Kỳ 8: Thắm tình hữu nghị

KIẾN GIANG - ĐÌNH HẬU