Quân đoàn 4 - “Quả đấm thép” phía Nam: Phước Long - đòn trinh sát chiến lược
(BDO) >> Xem kỳ trước
Kỳ 2: Phước Long - đòn trinh sát chiến lược
Ra đời trên chiến trường “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, 5 tháng sau, Quân đoàn (QĐ) 4 đã ra quân mở đầu thắng lợi bằng chiến thắng Đường 14 - Phước Long (PL) diễn ra từ ngày 6-12-1974 đến 6-1-1975. PL là địa bàn đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Chiến công oanh liệt này làm nức lòng đồng bào cả nước và là thắng lợi có ý nghĩa chính trị “đòn trinh sát chiến lược” đối với thái độ người Mỹ. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhận xét: “Chiến thắng này đã mở ra tiền đề cho cách mạng miền Nam, thần tốc tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam”.
Chiến sĩ QĐ 4 cắm cờ “Quyết chiến Quyết thắng” trên Dinh Tỉnh trưởng Phước Long lúc 10 giờ 30 phút ngày 6-1-1975. Ảnh: T.L
Noel ảm đạm
Lễ Giáng sinh năm 1974 đến với Sài Gòn thật ảm đạm. Bộ mặt “phồn vinh giả tạo” của thành phố từng được mệnh danh “Hòn ngọc viễn đông” bắt đầu rạn nứt khi người Mỹ cắt viện trợ đô la. Tiền bạc, lối sống gấp gáp theo chủ nghĩa hiện sinh mà người Mỹ đã du nhập vào miền Nam trong những năm xâm lược đã tạo nên một lớp người có ảo tưởng về cuộc sống giàu có… Giờ đây, khi “bầu sữa” ngoại quốc đã cạn kiệt, nạn thất nghiệp gia tăng theo cấp số nhân. Thêm vào đó, chiến sự đang bùng phát ác liệt, PL có nguy cơ thất thủ đã gây hoang mang trong chế độ ngụy quyền và phủ một màu u ám lên tầng lớp quen sống dựa vào ngoại quốc. Giới tư bản giàu có cũng đang rục rịch chuyển tiền bạc ra nước ngoài, trốn chạy khỏi quê hương. Tướng lĩnh ngụy hầu hết không còn tinh thần khi nghe PL sắp bị quân ta giải phóng. Tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh QĐ 3 của ngụy - QĐ quan trọng nhất đảm trách việc phòng thủ Sài Gòn và vùng phụ cận đã cay đắng thốt lên rằng: “PL cầm chắc vào tay cộng sản rồi”. Cầm súng theo thực dân Pháp từ rất trẻ, được Pháp quan tâm đào tạo qua các trường quân sự, Dư Quốc Đống chính là tư lệnh thứ 4 của sư đoàn dù - lực lượng dự bị chiến lược từng được tung hô là “Anh cả đỏ” của quân đội Sài Gòn. Đống được coi là “anh cả” của những viên tướng như: Ngô Quang Trưởng, Phạm Quang Phú, Nguyễn Khoa Nam…, những viên tướng một thời huênh hoang nhưng cuối cùng người thì bỏ chạy, kẻ tự kết liễu đời mình trong tủi nhục.Trước sức mạnh áp đảo của quân giải phóng, Dư Quốc Đống đề nghị Nguyễn Văn Thiệu tăng quân cứu viện. Nhưng sức đâu nữa mà cứu vớt. Giờ phút hấp hối của chế độ Sài Gòn đã điểm. Thiệu trả lời thẳng thừng với Đống: “Tung quân cứu viện PL là việc bất khả kháng. Nhưng PL phải tử thủ, tử thủ bằng mọi giá”. Thiệu còn gửi tiền thưởng cho quân ngụy để mong các chiến hữu tử thủ nhưng chưa thực hiện được phần thưởng nói trên thì PL đã thất thủ.
Tin thất bại PL bao trùm đô thị Sài Gòn. Các nhà phân tích thời cuộc và những nhà báo quốc tế đều nhận định rằng: Noel năm 1974 sẽ là Lễ Giáng sinh ảm đạm. Tuần báo Aiel The Economist ngày 28-12-1974 viết: “Lần này là một lễ thiên chúa Giáng sinh ảm đạm đối với Nam Việt Nam, nơi mà cuộc chiến tranh đã bị một phần lớn thế giới bên ngoài lãng quên vừa bùng nổ một cách ác liệt hơn tất cả kể từ khi hiệp định ngừng bắn giả vờ được ký kết ở Paris cách đây 2 năm”.
Giờ G đã điểm
Tỉnh lỵ PL nằm cách Sài Gòn khoảng hơn 100km về phía Đông Bắc, có vị trí chiến lược quan trọng, là chiếc cầu nối giữa Nam Tây nguyên - Đông nam Campuchia - miền Đông Nam bộ. Trong thuyết quân sự, phòng thủ PL được quân địch gọi là thế chân vạc.
Xe tăng trong đội hình Đại đội Tăng 10 do Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thành chỉ huy cùng bộ binh tấn công vào Dinh tỉnh trưởng PL ngày 6-1-1975. Ảnh: T.L
Sau khi được Bộ Tư lệnh Miền chấp thuận, rạng sáng ngày 31-12-1974, QĐ 4 đã nổ súng tấn công những mục tiêu vòng ngoài như chi khu Phước Bình, cầu Suối Dung, điểm cao Bà Rá… và tổ chức bao vây thị xã PL. Đến 15 giờ 30 phút, dưới sự chi viện chính xác của pháo binh và hỏa lực xe tăng, chi khu Phước Bình đã bị quân ta tiêu diệt. Đêm ngày 31-12-1974, điểm cao Bà Rá - “con mắt thần” của địch và cũng là “chân vạc” phòng thủ thứ hai của khu phòng thủ PL bị xóa sổ. PL rơi vào thảm cảnh và chỉ tồn tại một sớm một chiều.
Sau khi đập tan chiến sự vòng ngoài, không để cho địch có thời gian củng cố lực lượng, được sự nhất trí của Bộ Chính trị, trận đánh vào thị xã PL bắt đầu từ 17 giờ 30 phút ngày 31-12-1974 đến 17 giờ ngày 6-1-1975, lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” được chiến sĩ Trần Văn Mới thuộc Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 165, Sư đoàn 7, QĐ 4 cắm lên tòa thị chính PL. Chiến dịch Đường 14 - PL kết thúc. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ta đã giải phóng một tỉnh ngay cửa ngõ Sài Gòn, một địa bàn chiến lược rất quan trọng.
Chiến thắng PL đã làm nức lòng nhân dân cả nước, đồng thời là một đòn đánh mang tính “trinh sát chiến lược”, thăm dò phản ứng của Mỹ. Và, sau trận đánh, người phát ngôn của Nhà Trắng tuyên bố: “Tổng thống Pho không có ý vi phạm những điều cấm chỉ của Quốc hội về việc sử dụng lực lượng quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam”. Trong cuộc họp báo ngày 14-1-1975 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Sơ-let-xinh-giơ nói: “Bây giờ tình hình ở miền Nam cho thấy Bắc Việt Nam không muốn tung ra một đòn tấn công rộng khắp, quy mô. Cái mà họ đang chú ý là làm suy yếu sự kiểm soát của chế độ Nam Việt Nam trên khắp nước, đặc biệt là làm đảo lộn chính sách bình định đang thành công. Do đó, điều mà chúng ta tiên đoán trong vài tháng tới chỉ là một số trận đánh lớn. Lúc này tôi không tin hiện sẽ có cuộc tiến công quy mô lớn như hồi năm 1972”. Ngày 22-1-1975 Tổng thống Pho tiếp tục dội một gáo nước lạnh vào chế độ Thiệu: “Không có hành động nào khác ngoài việc bổ sung viện trợ cho Sài Gòn. Sẽ không can thiệp vào miền Nam Việt Nam nếu xét ra không phù hợp với hiến pháp và pháp luật”.
Phản ứng của Mỹ sau chiến thắng PL đã góp phần giúp Bộ Chính trị hoạch định những sách lược, đề ra quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Và thời cơ cách mạng cuối cùng đã đến, sau PL quân ta tiếp tục chiến thắng vang đội ở các chiến trường Buôn Mê Thuột, Huế, Đà Nẵng và thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn
Kỳ 3: Mỹ bỏ rơi Thiệu
KIẾN GIANG - ĐÌNH HẬU