Quân đoàn 4 - “Quả đấm thép” phía Nam: "…Vào thành vững như thành"
(BDO) Kỳ 5: “…Vào thành vững như thành”
Lịch sử Quân đoàn (QĐ) 4 ghi rõ sự kiện ngày 20-7-1974: “ …Trong một căn nhà lợp lá trung quân bên bờ suối Bà Chiêm, các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy chiến trường, những người có công tổ chức ra những đơn vị chủ lực đầu tiên, đã trực tiếp chỉ huy nhiều đơn vị, đã theo dõi chỉ đạo từng bước trưởng thành của khối chủ lực miền, lại có dịp ngồi bên nhau, chứng kiến giây phút trang nghiêm xúc động của buổi lễ thành lập quân đoàn…”.
Những chiến công lịch sử
Đọc những dòng lịch sử ấy, lớp trẻ hôm nay chưa hình dung hết tính nghiêm túc, hệ trọng của sự kiện. Việc ra đời của QĐ4 trong giai đoạn chiến trường ác liệt đã đánh dấu lần đầu tiên quân đội ta có một quả đấm chủ lực mạnh đứng sát sườn “ thủ đô” Sài Gòn của ngụy quyền. Lịch sử hàng ngàn năm chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam chưa có cuộc chiến tranh nào xảy ra sự kiện như thế. Trong suốt hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cũng không thấy sự kiện quân sự nào quan trọng như sự thành lập các QĐ, đánh dấu khả năng to lớn của Quân đội Nhân dân Việt Nam đủ thế và lực về quân sự để kết thúc chiến tranh.
Sư đoàn 9 đánh chiếm Biệt khu thủ đô ngụy lúc 10 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Ảnh: T.L
Ngày nay, tuổi trẻ có thể đi đến di tích lịch sử ở suối Bà Chiêm để quan sát thực tế căn nhà lợp lá trung quân và nghe các cựu chiến binh kể chuyện, sẽ hiểu thêm về ý nghĩa và giá trị của sự kiện lịch sử thành lập QĐ4 vào ngày 20-7-1974. Bởi ngay sau khi buổi lễ thành lập tưởng chừng như rất bình thường ấy, QĐ4 đã bước ngay vào chiến dịch mùa khô 1974-1975, tác chiến liên tục 25 ngày đêm và giành toàn thắng trong Chiến dịch đường 14 - Phước Long. Chiến công oanh liệt này của QĐ4 không chỉ có ý nghĩa là ra quân trận đầu thắng lợi vẻ vang mà còn làm nên “trận trinh sát chiến lược” vô cùng quan trọng đối với vấn đề giải phóng miền Nam của cách mạng ta trong thời gian ngay sau đó.
Tiếp theo thắng lợi chiến lược ấy, QĐ4 tiếp tục lập công lớn trong Chiến dịch Xuân Lộc, mở toang “cánh cửa thép” trên tuyến phòng thủ chiến lược sau cùng của địch ở Nam Trung bộ, tạo địa bàn cho đại quân ta tiến vào thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Lịch sử QĐ4 đã ghi lại chiến công của trận đánh này: “QĐ4 đã tiêu hao và tiêu diệt một lực lượng lớn, gồm những đơn vị mạnh nhất, tinh nhuệ nhất của quân ngụy như Sư đoàn 18, Trung đoàn 5, Lữ đoàn Thiết giáp 3, Lữ đoàn dù 1…; loại khỏi vòng chiến đấu 2.066 tên, bắt 2.785 tên, diệt và đánh thiệt hại nặng 3 chiến đoàn bộ binh, 2 chi đoàn xe bọc thép, một số đơn vị pháo binh, biệt động quân dù…; thu 48 ô tô, 1.499 súng và hàng chục xe tăng xe bọc thép... Riêng quân đoàn có 460 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 1.530 đồng chí bị thương…”. Những số liệu trên cho thấy những thắng lợi của QĐ4 là vô cùng oanh liệt, đồng thời cũng ghi nhận sự hy sinh mất mát của đơn vị trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến cũng rất anh dũng.
Vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, cờ giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, làm xúc động trái tim đồng bào cả nước. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đến đây đã vang khúc khải hoàn, rừng cờ tung bay, non sông liền chung một dải.
Vào thành…
Hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, QĐ4 được giao nhiệm vụ quân quản ở 9 quận và 2 huyện thuộc thành phố Sài Gòn - Gia Định. Cán bộ, chiến sĩ QĐ4 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Phẩm chất, lối sống và tác phong công tác của các chiến sĩ trong thời gian làm nhiệm vụ quân quản đã làm sáng ngời hình ảnh bộ đội Cụ Hồ, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân thành phố, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi: “Các đồng chí vào thành, vững như thành”.
Phân đội 7, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, làm nhiệm vụ quân quản bảo vệ Dinh Độc Lập chiều ngày 30-4-1975. Ảnh: T.L
Cố Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định năm 1975 đã viết lại trong hồi ký: Ngay sau giờ phút cuối cùng của cuộc chiến tranh vừa kết thúc, việc đầu tiên của chính quyền mới, tức chính quyền quân quản là giữ yên đất nước, trước hết là giữ yên thành phố, an ninh trong nhân dân. Bởi vì trên thực tế, khi tiếng súng chiến tranh vừa dứt thì nạn hôi của, cướp bóc diễn ra. Bọn xấu thừa lúc tranh tối tranh sáng phá phách. Vũ khí, hàng hóa, vật chất, phương tiện chiến tranh còn đang ngổn ngang bừa bãi khắp nơi. Ngoại thành, tiếng súng vẫn còn nổ. Đặc biệt, những nơi trong chiến tranh là căn cứ du kích của ta, tiếng súng không nhiều nhưng vẫn còn. Do quân ngụy Sài Gòn từng tiểu đoàn, đại đội đã tan rã dạt về những nơi này mong trụ lại, phá phách, thổ phỉ với hy vọng mong manh chờ giải cứu. Không đâu xa, ví như miệt Bưng Sáu Thủ Đức, các vùng sâu ở phía nam Sài Gòn và ở trong những khu rừng lân cận vẫn còn lẻ tẻ những tàn quân của chế độ cũ. Do vậy, vấn đề trật tự an ninh là nhiệm vụ trước hết của quân quản lúc bấy giờ.
Đi đôi với nhiệm vụ nặng nề trên, QĐ4 làm nhiệm vụ quân quản phải lao vào cứu đói cho dân, giúp đưa dân trở về làng quê xóm cũ, bắt tay ngay vào công việc làm ăn cho kịp thời vụ khi chiến tranh vừa chấm dứt nhằm tạo cuộc sống ổn định cho từng gia đình.
Chưa thấy một cuộc chiến tranh nào xưa nay kết thúc tại một thành phố 5 triệu dân mà được êm thấm như vậy. Tiếng súng vừa dứt, không còn phải thấy một người nào ngã xuống nữa. Thay vào đó là những bài học để cho đối phương của mình trở thành con người lương thiện, văn minh, hòa nhập với xã hội lành mạnh trong cộng đồng dân tộc. Tuyệt nhiên, không có một người nào bị trừng trị, trả thù. Đó là đức độ, nhân đạo của truyền thống người Việt Nam.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vừa kết thúc, nhân dân vui hưởng thái bình nhưng với chiến sĩ QĐ4 vẫn chưa hết nhiệm vụ khi biên giới Tây Nam đang có họa xâm lăng của tập đoàn phản động Pôn Pốt. Một lần nữa, lớp lớp thế hệ chiến sĩ QĐ4 lại chắc tay súng lên đường bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng tàn khốc.
Kỳ 6: Non sông vẫy gọi…
KIẾN GIANG - ĐÌNH HẬU