Quân đoàn 4 - “Quả đấm thép” phía Nam: Non sông vẫy gọi…

Thứ tư, ngày 05/11/2014

(BDO) >> Xem kỳ trước

Kỳ 6: Non sông vẫy gọi…

Mùa xuân thống nhất năm 1975 vừa đến trong niềm vui khôn tả của đồng bào cả nước và nhân loại yêu chuộng hòa bình, thì ở biên giới Tây Nam, tập đoàn phản động Pôn-pốt - Iêng-xa-ri được sự hà hơi tiếp sức của nước ngoài đã phát động cuộc chiến tranh chống Việt Nam, gây nên những tội ác cực kỳ man rợ với người dân vô tội. Với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, một lần nữa lớp lớp thế hệ thanh niên Quân đoàn 4 (QĐ4) anh hùng đã xung phong ra mặt trận, quyết tâm diệt trừ quân hung ác, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của đất nước…

 Trung đội xe tăng của Anh hùng Trần Ngọc Giao dẫn đầu đội hình cùng Sư đoàn 7 phát triển tiến công trong chiến dịch mùa khô 1979 (Ảnh do Bảo tàng Quân đoàn 4 cung cấp)

Dân tộc Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình. Nhưng tinh thần chính nghĩa đó luôn bị thách thức trước những dã tâm phi nghĩa của thế lực ngoại bang. Trải qua hơn mấy ngàn năm lịch sử, Việt Nam luôn phải đương đầu với những kẻ địch lớn mạnh, với hơn 20 cuộc chiến và không có thế kỷ nào là không có chiến tranh, trong đó 13 lần chống phong kiến phương Bắc, 3 lần chống Mông Cổ, 2 lần chống thực dân Pháp, 1 lần chống Mỹ… và ở những năm cuối thập niên 70 là cuộc chiến chống tập đoàn Pôn-pốt đầy khốc liệt và vinh quang. Chính nghĩa sẽ chiến thắng tất cả. Lịch sử dân tộc Việt Nam bất khuất đã được nhân loại ghi nhận điều đó. Gần đây khi các thế lực ngoại bang, ỷ vào sức mạnh, ngang nhiên gây hấn ở biển Đông, xâm phạm chủ quyền lãnh hải không thể tranh cãi của Việt Nam nhưng cuối cùng vẫn phải rút khỏi vùng biển của nước ta. Họ có thế mạnh hơn Việt Nam về tiềm lực thực tế nhưng về chính nghĩa, đạo lý phải thua. Đó là điều mà dư luận quốc tế phải ghi nhận Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Vào cuối năm 1976, Pôn-pốt, một kẻ sinh ra ở vùng nông thôn Kong-pong-thom, với vẻ ngoài lịch lãm, luôn tỏ rõ tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia đời đời gắn bó. Thế nhưng, những hành động của ông ta khiến mọi người bắt đầu nghĩ tới “con người có tuổi trẻ trói gà không chặt” đang bùng lên những tư tưởng cực đoan đầy chất man rợ, không khác gì độc tài Hitle của phát xít Đức. Đêm đêm, đội quân phi nhân tính của Pôn-pốt lén lút sang giết chóc dọc biên giới Tây Nam Việt Nam, gây ra những cuộc sát hại thảm khốc mà ngày nay nhìn lại luôn ám ảnh lương tri nhân loại.

 Hàng triệu người dân Campuchia đã bị tàn sát chỉ sau mấy năm tồn tại ngắn ngủi của chế độ Pôn-pốt - Iêng-xa-ri (Ảnh do Bảo tàng Quân đoàn 4 cung cấp)

Mặc dù biết rõ dã tâm của tập đoàn Pôn-pốt nhưng Chính phủ Việt Nam chỉ cảnh báo, giải thích nhằm giữ vững sự hòa hiếu giữa hai quốc gia. Thế nhưng bất chấp thiện chí hòa bình của Việt Nam, Khơme Đỏ vẫn quyết tâm gây chiến tranh xâm lược.

Ngày 30-4-1977, tập đoàn phản động Pôn-pốt - Iêng-xa-ri đã tuyên bố chính thức phát động cuộc chiến tranh chống Việt Nam, tiến công đồng loạt 14 làng, 13 đồn biên phòng dọc biên giới tỉnh An Giang và một số xã của tỉnh Tây Ninh… Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, được lệnh của Bộ Quốc phòng, QĐ4 đã gấp rút củng cố tổ chức biên chế, cơ động lực lượng thực hiện nhiệm vụ tác chiến ở một số khu vực trọng điểm trên biên giới Tây Nam Tổ quốc. Từ cuối năm 1978 đến đầu năm 1979, QĐ4 đã “xác định chính xác kẻ thù, xác định quyết tâm chiến đấu và chiến đấu dũng cảm đánh bại các cuộc phản kích của địch, từng bước đẩy lùi quân xâm lược sang bên kia biên giới… góp phần cùng quân và dân Nam bộ, quân và dân cả nước chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam”.

Sau những tổn thất bước đầu do địch gây ra, quân ta đã nghiên cứu, xem xét toàn diện về âm mưu, thủ đoạn, bản chất hành động của địch từ đó thống nhất chủ trương: “Kiên quyết đánh thắng trên tuyến biên giới, đưa chiến tranh vào sâu trong lãnh thổ của chúng để bảo vệ biên giới Tây Nam”. Trên tinh thần đó, các đơn vị trong QĐ4 đã tổ chức xây dựng trận địa phòng ngự, hình thành rõ các chốt trọng điểm, các chốt để bảo vệ bên sườn, phía sau đội hình đứng chân của trung, sư đoàn. Ta đã tổ chức lực lượng phòng ngự hình thành tương đối rõ các bộ phận: phòng ngự và cơ động ở cấp trung đoàn, sư đoàn trên các địa bàn trọng điểm; bố trí lực lượng mỗi sư đoàn có hai trung đoàn phía trước, một trung đoàn phía sau làm dự bị và cơ động cho sư đoàn, quân đoàn… Chính vì vậy từ đầu năm 1978 trở đi ta đã giữ được trận địa, bẻ gãy các cuộc tiến công của địch và đánh bật chúng sang bên kia biên giới.

Cùng với Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 trong thời gian đánh địch ở biên giới Tây Nam, Sư đoàn 341 với đội hình đủ cả 3 Trung đoàn bộ binh 270, 266, 273… đã cơ động chiến đấu liên tục và lập nên những chiến công xuất sắc. 18 tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam trong đội hình QĐ4, toàn thể cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 anh hùng đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng QĐ4 ghi thêm nhiều chiến công trong thời kỳ mới, thời kỳ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới. Nhiều tập thể, cá nhân lập được những chiến công xuất sắc. Cả 3 Trung đoàn bộ binh 270, 273, 266, bốn tiểu đoàn, hai đại đội, hai cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVTND. Riêng Sư đoàn 341 được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND lần thứ 2 vào tháng 12-1979.

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam tuy đã lùi xa gần 4 thập niên nhưng những bài học để lại vẫn còn nguyên giá trị, nhất là bài học về nắm địch, củng cố biên giới, tác chiến bảo vệ biên giới vẫn rất quan trọng cho thế hệ sau.

Nhìn lại lịch sử thành lập và phát triển, có thể thấy rõ 3 mốc chiến tích quân sự rất độc đáo của QĐ4, thể hiện đầy đủ toàn diện bản chất anh hùng của một binh đoàn xứng danh với tên gọi “Quả đấm chủ lực mạnh ở phía Nam đất nước”. Đó là, chiến thắng Phước Long mở đầu mùa xuân đại thắng 1975, chiến thắng Xuân Lộc đưa đại quân vào trận quyết chiến chiến lược kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến đấu bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả trên đất bạn Campuchia.

Những chiến công oanh liệt đã tô thắm trang sử vẻ vang của QĐ4, làm ngưỡng mộ bao thế hệ thanh niên đang tiếp nối truyền thống của cha ông trên bước đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

 

 Kỳ 7: Vào đất Chùa Tháp

 

 KIẾN GIANG - ĐÌNH HẬU