Quân đoàn 4 - “Quả đấm thép” phía Nam: Thắm tình hữu nghị

Thứ sáu, ngày 07/11/2014

(BDO) Kỳ 8: Thắm tình hữu nghị

Lịch sử đã chứng minh 3 dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia luôn sát cánh bên nhau chống kẻ thù ngoại xâm. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều đơn vị bộ đội Việt Nam đã sang hai nước bạn chiến đấu, giúp bạn giành độc lập. Chính sự đoàn kết gắn bó với nhau trong các cuộc chiến đã khẳng định: “Đông Dương là một chiến trường”, “Giúp nhân dân nước bạn là tự giúp mình” như lời nói của Bác Hồ, trở thành mục tiêu, động cơ trong sáng của bộ đội ta trong những năm cuối thập niên 70, khi phía bên kia biên giới, đồng bào Campuchia đang rên xiết dưới gót giày của chế độ khát máu…

Bộ đội tình nguyện đọc truyện cho các cháu mồ côi ở trường Hoa Hồng - ngôi trường do QĐ4 giúp xây dựng. (Ảnh: Bảo tàng QĐ4 cung cấp)

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc tấn công vào sào huyệt Khơme đỏ của Việt Nam đã gây bất ngờ với dư luận thế giới thời điểm đó. Bởi, trước đây Việt Nam và lực lượng kháng chiến Campuchia do Pôn Pốt lãnh đạo từng là “đồng chí” với nhau. Quay về lịch sử nhận thấy: Vào ngày 18-3-1970, được đế quốc Mỹ hậu thuẫn, Lon non đảo chính, lật đổ Xihanuc. Sau đó, lực lượng kháng chiến của Campuchia được ta giúp đỡ lật đổ chế độ Lon non giành chính quyền vào mùa xuân năm 1975. Thế nhưng, sau khi nắm được toàn bộ quyền lực, Pôn Pốt bắt đầu tráo trở, ngấm ngầm chống đối Việt Nam. Từ cuối năm 1975, chúng bất ngờ đưa quân đột nhập vào các làng mạc gần biên giới từ Tây Ninh đến An Giang bắn giết hàng ngàn người, chủ yếu là người già và trẻ em. Trước tội ác man rợ của Khơme đỏ, Việt Nam đã đưa quân đánh trả và sau đó đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ta tiến sang giúp bạn thoát họa diệt chủng.

Tắm rửa cho trẻ em Campuchia vừa thoát khỏi bàn tay Khơme đỏ. (Ảnh: Bảo tàng QĐ4 cung cấp)

Thật khó để hiểu hết vì sao Pôn Pốt, con người có quãng đời sinh viên khá hiền hòa và đôi khi còn rụt rè, sau này lại cai trị đất nước theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tàn ác đến như thế. Trong cuốn “Quân đoàn (QĐ) 4 - Những năm tháng trên đất nước Chùa Tháp”, đại tá - nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã kể lại rằng: Khi đoàn quân của chúng tôi đến nhà tù Stung-treng, nơi Pôn Pốt giam giữ hàng ngàn người chúng coi là chống đối chúng. Khi Sư đoàn 7 cùng quân đội cách mạng Campuchia tiến quân vào giải thoát cho những tù nhân còn lại, đã thấy vô số những bộ xương người chất ngổn ngang trong những gian nhà tôn, tường gạch xây kiên cố, những xác người vừa bị giết chưa kịp phân hủy nằm trên các sàn tra tấn. Cùng lúc ấy, có rất nhiều nhà báo quốc tế đến nhà tù chứng kiến thêm tội ác trời không dung, đất không tha của bè lũ diệt chủng.

Bộ đội được lệnh nhanh chóng sơ cứu và chuyển những người còn sống sót về bệnh xá dã chiến của QĐ. Sau đó Sư đoàn 7 - QĐ4 hành tiến lên giải phóng tỉnh Kông Pông Ch’năng, Pua-sát. Đến đâu, bộ đội cũng thấy cảnh những thây người chết trên cánh đồng, trong rừng, từng đoàn người đói lả, bệnh tật đang thoi thóp dưới vòm trời nắng gắt. Mặc dù lương thực, thực phẩm của bộ đội rất hạn chế nhưng QĐ4 đã lệnh cho các đơn vị phải làm nhiệm vụ cứu sống nhân dân bạn lên hàng đầu, bớt khẩu phần của mình để giúp nhân dân, không để một người nào rơi vào cảnh đói, bệnh tật.

Có một câu chuyện mà đến bây giờ mỗi lần nhắc lại đều làm xúc động lòng người. Đó là, trong một lần truy quét địch, bộ đội ta gặp những em bé từ 3 - 5 tuổi, không cha mẹ, đang đói khát trong một cánh rừng. Tình cảnh quá tội nghiệp, bộ đội nhanh chóng đưa các cháu về tập trung nuôi dưỡng ở một trường học bỏ hoang tại thủ đô Phnom Pênh và giao cho Lữ đoàn pháo binh của QĐ4 quản lý. Lúc đầu trường nuôi dưỡng khoảng 100 cháu, sau tăng lên 360 cháu. Để chăm sóc các cháu, ta vận động một số phụ nữ Campuchia làm bảo mẫu, mọi chi phí do QĐ4 bảo đảm và đặt tên là trại trẻ “Hoa hồng”. Về sau bạn đề nghị đặt tên lại là trại trẻ “Hoa Hồng - Cửu Long”. Ngày nay, mỗi khi trở lại chiến trường xưa, các cựu chiến binh Việt Nam đều không quên ghé thăm địa danh này - nơi lưu dấu một thời chiến tranh khốc liệt nhưng mang nặng nghĩa tình của bộ đội Việt Nam với đồng bào Campuchia.

Sau khi đập tan bè lũ Pôn Pốt, một nhiệm vụ rất quan trọng của bộ đội là đưa nhân dân trở về quê cũ sinh sống. Khi nhân dân bạn trở về những phum, sóc bị bỏ hoang đã 3 năm, tất cả tan hoang, nhà cửa mục nát…, bộ đội lại giúp nhân dân dọn dẹp, dựng nhà, đào giếng vì những giếng trước đây lính Pôn Pốt ném xác người xuống. Các chiến sĩ Việt Nam đã lao động miệt mài nhằm làm vơi bớt nỗi đau tột cùng của đồng bào nước bạn. Rồi một công việc cũng rất quan trọng là xây dựng trường học để các sư sãi dạy trẻ em. Trong một thời gian rất ngắn, với một núi công việc như vậy nhưng bộ đội đã tình nguyện cùng thanh niên các phum, sóc hoàn thành một cách xuất sắc.

Đại tá - nhà văn Nguyễn Quốc Trung, người có những năm tháng gắn bó trên đất nước Chùa Tháp đã viết trong hồi ký của mình về tình cảm của bộ đội đối với mảnh đất một thời chiến tranh điêu tàn này: “Giờ đây, sau gần 4 thập kỷ đất nước Campuchia đã đổi mới, nhưng tôi tin, với tình cảm vô tư trong sáng, sự hy sinh quả cảm của đồng đội tôi, những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở QĐ4 luôn sống mãi trong lòng nhân dân Campuchia, nơi đơn vị tôi đi qua. Riêng tôi, tôi cũng biết ơn nhân dân Campuchia, những người đã giúp tôi trong thời gian được tham gia làm nhiệm vụ quốc tế…”.

Có thể nói sự giúp đỡ của bộ đội tình nguyện Việt Nam đối với nhân dân Campuchia là vô cùng lớn lao, vượt qua tất cả những luận điệu xuyên tạc của những thế lực phản động gây thù địch với Việt Nam thời điểm đó. Trong bài phát biểu tại buổi lễ tiễn quân tình nguyện Việt Nam về nước, Chủ tịch Heng Xomrin đã khẳng định: Hình ảnh hy sinh, chịu đựng gian khổ, tận tình của quân tình nguyện Việt Nam cho đất nước Campuchia rất lớn lao, vô tư, trong sáng và hiệu quả. Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Campuchia vô cùng biết ơn và khắc sâu vào tâm khảm, không thể nào quên…

Kỳ 9: Ký ức về những trận đánh

KIẾN GIANG - ĐÌNH HẬU