Nghe nhà báo lão thành nói chuyện nghề- Bài cuối

Thứ sáu, ngày 19/06/2015

(BDO) Bài cuối: Lê Bá Mười - Nhà báo không nghỉ hưu!

Ở tầng 20 của Becamex Tower có phòng làm việc của một nhà báo “lẽ ra đã nghỉ hưu” Lê Bá Mười. Thế nên khi tôi đến, nhìn anh vẫn chăm chỉ làm việc cho một doanh nghiệp tiếng tăm thì khỏi nói sự ngưỡng mộ về nhà báo đàn anh này…

Nhà báo Bá Mười tại nơi làm việc

Trưởng thành từ gian khó

Anh Lê Bá Mười nói: “Tôi tuổi Canh Thân, sinh năm 1940. Tuổi canh cô thì khổ phải biết rồi, em nhỉ! Thế nên, cả cuộc đời phải tự lực cánh sinh. Không cố gắng là không được”. Câu chuyện của chúng tôi thân tình như thế bên tách trà thật thơm, thật ngon. Uống trà, nhìn toàn cảnh TP.TDM từ trên cao, từ cửa sổ phòng làm việc của anh quả là thú vị. Anh kể về chuyện đời mình với nhiều sóng gió nhưng “vững tay chèo thì qua được hết!”. Quê anh ở Thanh Hóa, sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Hồi nhỏ, tức hồi còn Pháp thuộc, anh đi học phải lấy vở cũ ngâm vôi cho chữ trôi đi rồi đem giấy phơi khô, tận dụng viết lại lần khác. Chỉ cần có đủ giấy bút đi học là niềm ao ước của cậu học trò nghèo. Mãi sau này có một bà bán tạp hóa dạo từ Khu 3 (Nam Định, Hà Nội…) tản cư vào Khu 4 thấy thương tình bán chịu cho nhà anh dầu hỏa, giấy, bút mực anh mới hết canh cánh nỗi lo thiếu giấy học! Đó là năm anh học khoảng lớp 6 - 7. Vậy mà không bao giờ anh ngừng chuyện học tập, năm 1959, anh đi bộ đội và theo học trường Hải quân ở Hải Phòng.

“Trong yêu thương, mình gặt hái được rất nhiều” là câu anh nói của anh mà tôi “đóng khung” trong sổ ghi chép. Tôi có thói quen đóng khung những câu nói hay mà mình tâm đắc. Anh cho rằng, nhà báo cho anh rất nhiều, nhiều nhất là tình giữa con người với con người, giữa bạn bè với nhau. Anh có thể kết bạn với những người chạy xe ôm, bốc xếp ở chợ và cũng có thể thân với người quyền cao chức trọng. Cứ đem cái tình của mình ra mà đối đãi với nhau, lo gì không được đáp đền. Có lẽ, cái vốn quý của người làm báo cũng chỉ có chừng đó để tự hào…

Với trách nhiệm của người làm báo, anh luôn động viên, khích lệ đàn em đi nhiều, viết nhiều. Thỉnh thoảng, tôi lại nhận được cuộc gọi của anh để khen chê về một bài của tôi mới đăng. Lại có khi, anh tự tìm nhân vật và gợi ý cho tôi đi gặp và viết về người đó. Bởi theo anh là họ xứng đáng được báo chí đề cập đến hơn là những chuyện vô bổ, giật gân, câu khách. Chuyên mục “Văn hóa đô thị” trên trang Văn nghệ báo Bình Dương cũng do anh khởi xướng, đề xuất với Ban Biên tập nên làm. Bởi, anh mong những bài viết, những góp ý rất chân tình trên báo như thế sẽ giúp con người biết… điều chỉnh hành vi dù là nhỏ, biết sống với nhau có tình người hơn.

 

Năm 1963, anh lại tiếp tục đi học chương trình của trường Đại học Tổng hợp Văn Hà Nội. Vẫn “chưa được làm báo ngay” như anh nói mà chuyển về làm ngành giao thông vận tải. Thời kháng chiến chống Mỹ, anh Lê Bá Mười làm việc tại phòng thi đua tuyên truyền ngành giao thông vận tải Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An, Hà Tĩnh). Mê làm báo nên anh làm cộng tác viên cho các báo trước khi chuyển hẳn sang viết báo từ năm 1972. Anh kể mình phụ trách tổ công nghiệp, đi viết bài về những nhà máy, xí nghiệp của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Kỷ niệm đời làm báo của anh là những năm được Báo Nghệ Tĩnh cử đi công tác tại Mường Xén (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ Tĩnh cũ). Đây là một địa danh giáp biên giới Việt - Lào. Nhiệm vụ của anh ngoài làm báo còn đi chụp thẻ ảnh cho tất cả đảng viên ở đó. Vậy là một mình 2 cái máy ảnh, một mớ phim và thuốc rửa ảnh, ngày lội suối, băng rừng đi chụp hình chân dung. Tối về cặm cụi “trùm mền” làm phòng tối để tráng rửa phim, giao ảnh cho các chi bộ lưu hồ sơ… Năm 1980, anh Lê Bá Mười chính thức làm Báo Nhân Dân. Năm 1985, lãnh đạo Báo Nhân Dân điều động anh về công tác tại Thuận Hải, Phan Rang. Cuộc “Nam tiến” của anh bắt đầu từ đó và năm 1997 thì “bén duyên” với Bình Dương.

Làm báo phải đấu tranh cho lẽ phải!

Hồi ức đưa anh trởvềnhững năm tháng tuổi trẻ đi và viết khắp các tỉnh ở miền Bắc, miền Trung. Anh Lê Bá Mười nhớ lại: “Hồi đó, tôi được đặt tên là Phó Ngang để chỉ người ngang ngược, thấy việc chướng tai gai mắt là phải lên tiếng chứ không cho qua một cách dễ dãi”. Đó cũng là thời điểm anh có những bài phê bình được đồng nghiệp đánh giá là “ác chiến lắm”. Một trong những bài đấu tranh là năm 1973 anh điều tra và viết bài “Cầu bê tông khi nào mới sụp?” nói về kiểu làm ăn tắc trách, thiếu trách nhiệm. Bởi, những trụ bê tông ở vùng nước mặn, nước lợ phải được tính toán kỹ. Ví dụ như cọc bê tông chôn ở nước mặn phải tẩm nhựa trước khi đóng để không bị bào mòn… Người có trách nhiệm bị anh viết bài phản ánh đó đã bị kiểm điểm. Bản thân anh thì bị vị này “chiếu tướng” liên tục. Sau đó, anh trực tiếp gặp người bị anh phê bình và nói thẳng: “Báo chí chúng tôi có nhiệm vụ nói lên sự thật, nếu đúng anh phải tiếp thu mới là người cầu thị”. Sau đó, thìanh mới không bị làm khó nữa. Cũng từ vụ việc này anh rút ra một bài học cho bản thân nói riêng và nhà báo nói chung. Đó là khi muốn phê bình, phản bác chuyện gì phải hiểu thật rõ về vấn đề đó. “Tôi có thời gian làm việc ở ngành giao thông vận tải, quen biết với nhiều kỹ sư cầu đường nên tìm hiểu và hiểu rất rõ về kỹ thuật làm cầu ởvùng nước lợ, nước mặn mới dám viết như vậy”.

Nói về nghề báo, anh Lê Bá Mười cho rằng, ngày anh mới về Báo Nhân Dân, cả nước có khoảng 600 phóng viên, giờ thì nhiều quá. Hồi xưa làm báo lương bao cấp, nhuận bút không có, nhưng đó là cái khó chung của tất cả các ngành nghề. Ngày nay, các bạn làm báo hầu hết phải “tự bơi”, người làm báo phải luôn băn khoăn về việc phải “bơi” như thế nào, “đất” ở đâu mà đăng? Tuy nhiên, các bạn bây giờ có nhiều lợi thế hơn là sự hỗ trợ về máy móc, trang thiết bị cho nghề của mình. Điều cần nói là làm báo thời nào thì bản lĩnh chính trị cũng phải vững vàng, có tư duy báo chí tốt để phát hiện ra những điều cần viết. Cái thiếu của các bạn trẻ bây giờcòn là thiếu tư duy mang tính dài hạn. Một vấn đề nữa là khi viết điển hình không phải nêu gương cho có mà cần phải nhân rộng mô hình đó để nhiều người cùng học hỏi theo.

Sau khi nghỉ hưu (năm 2005) đến nay, anh Lê Bá Mười về làm chuyên viên nghiên cứu chính trị và phát triển kinh tế của Tổng Công ty Becamex IDC. Anh cũng nhắn nhủ rằng, mối quan hệ giữa nhà báo và doanh nghiệp là nhà báo phải làm bạn với doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp tạo nên dư luận tốt để ủng hộ họ, góp phần cho sự phồn thịnh của đất nước. Ngoài 70 tuổi, anh vẫn miệt mài với nghề báo. Nói Lê Bá Mười – nhà báo không nghỉ hưu là thế!

 

QUỲNH NHƯ

Từ khóa: