Nghe nhà báo lão thành nói chuyện nghề : Bài 1

Thứ ba, ngày 16/06/2015


(BDO)  LTS: Nhân Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), báo Bình Dương xin giới thiệu đến quý độc giả một số nhà báo lão thành kể về nghề nghiệp và những kỷ niệm với đồng nghiệp, đàn em sau này…

 

 Bài 1: Mong có một mùa xuân vinh quang!

 “Đố con biết tên chú (và cả bút danh) có nghĩa là gì? Người cầm bút trước tiên phải định danh, sau đó là sống, viết với cái danh mình đã định! Đừng viết điều gì trái lư ơng tâm, đạo đức của một nhà báo và phải biết tôn trọng con người”. Chú Nguyễn Xuân Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Sông Bé - Bình Dương, cũng là người sếp đầu tiên ngày tôi về Bình Dương làm báo bắt đ ầu câu chuyện như thế…

 Chú Nguyễn Xuân Vinh (bên phải) cùng bạn thân Bảy Khái trong một lần hàn huyên chuyện cũ

 Cuộc “vào cứ” ngoạn mục và những bút danh ý nghĩa

Làm báo từ tháng 11-1986 đến tháng 6-2003 nghỉ hưu, chừng đó thời gian cống hiến cho báo chí Sông Bé - Bình Dương của chú Nguyễn Xuân Vinh quả là không nhỏ. Thôi không kể đến chuyện phát triển tờ báo như thế nào, từ tuần báo lên nhật báo mà kể về chuyện chú hoạt động cách mạng bằng báo chí, bằng cái tâm trong sáng, chính trực với nghề.

Năm 1964, tốt nghiệp trường Sư phạm Sài Gòn, chú Nguyễn Xuân Vinh về làm Hiệu trưởng trường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên. Đó cũng là những năm chú hoạt động cách mạng ngay trong lòng địch của Mặt trận Giải phóng Thủ Dầu Một. Năm 1966, bất bình trước cảnh lính Mỹ chạy xe dọc đường rồi thả bánh kẹo cho con nít chạy theo tranh nhau nhặt để ăn trong tiếng cười khả ố của bọn lính, chú viết bài lấy bút danh Tân Phong. “Là Tân Phong bởi chú hy vọng có một ngọn gió mới đem lại độc lập, ấm no cho dân tộc” - chú Xuân Vinh giải thích về bút danh thứ nhất.

Chú Nguyễn Xuân Vinh làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh từ sau ngày nghỉ hưu (2003 đến nay). Hàng năm, Hội Khuyến học tỉnh vận động khoảng gần 600 triệu đồng tặng học bổng khuyến học. Ngoài ra, các cấp Hội còn vận động Mạnh Thường Quân tặng quà, học bổng khoảng 10 tỷ đồng/ năm. Nhiều học sinh nghèo được tiếp bước đến trường từ học bổng này đã trở lại chung tay giúp các học sinh, sinh viên gặp khó khăn. Chú Vinh vẫn miệt mài với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập bởi theo chú, không học không thể nâng cao dân trí, không thể tiến bộ trong xã hội vận động, phát triển không ngừng này…

Hoạt động cách mạng của “ông giáo” không lâu sau đó bị địch… đánh hơi. Chúng nhiều lần mời chú lên nhà việc nói chuyện nhưng chú đều từ chối. Lần cuối tên xã đội trưởng cùng đàn em đến nhà chú và có cầm theo súng. Biết có chuyện chẳng lành nên chú Xuân Vinh cố tình trì hoãn được phút nào hay phút đó để nghĩ cách đối phó. Không thể trì hoãn được nữa nên chú dẫn xe Honda ra sân để 2 tên chạy xe theo áp sát bên cạnh. Qua chợ Tân Phước Khánh, đến một con dốc, chú thấy có một xe bò đang chở hồ làm lò chén, phía sau là một xe ngựa chở khách. Chú nhanh trí lách xe Honda qua 2 chiếc xe bò và “cắt đuôi”. “Một điều may mắn nữa là xe của 2 thằng đó hình như bị chết máy, hết xăng gì đó. Nhìn lui thấy chúng… đứng ngây ra. Thế là chú rẽ về hướng ngã tư Bình Chuẩn, về hướng Tân Vạn và chờ ngày bắt liên lạc với căn cứ” - chú Xuân Vinh kể lại. Sau khi tên quận trưởng chờ “ông thầy giáo cách mạng” đến để tra khảo tại nhà việc không được thì tức tối bắt ba của chú sang Biên Hòa tìm con. Nhưng… bặt tăm bởi “ngọn gió mới” đã bay tìm vùng trời tự do rồi…

Nói về bút danh, chú Nguyễn Xuân Vinh cười: “Hồi mới vô rừng, gặp một người anh thường được gọi là thầy giáo Cương. Ông ấy viết báo lấy bút danh là Hoàng Xích Thanh, tức 3 màu vàng, đỏ, xanh của cờ giải phóng. Thấy hay nên chú lấy tên là Nguyễn Xuân Vinh. Tức là mong muốn quê hương, đất nước mãi mãi có mùa xuân vinh quang, thống nhất, độc lập. Cái tên này theo chú đến nay”. Rồi chú giải thích thêm về các bút danh khác như Đoàn Bảo Việt là đoàn kết bảo vệ Việt Nam! “Một chữ, một câu cũng bao hàm ngữ nghĩa sâu xa của nó nên người làm báo phải cân nhắc thật kỹ khi viết. Nghề này đừng mong… hết vất vả” - tôi vẫn nhớ chú thường căn dặn như thế!

Em, cháu thành công - mình hạnh phúc!

Có một điều mà tôi thầm cảm phục người sếp cũ của mình là sự chân tình toát lên từ phong cách của chú. Cũng có lẽ chính điều này làm cho chú có rất nhiều anh em, bạn bè thân tình. Hỏi rằng, khi con đi làm, gặp nhiều người khen về sự chân chất của chú, chú Nguyễn Xuân Vinh cũng chỉ cười hiền: “Lớp người như chú, đi qua chiến tranh vẫn còn toàn vẹn mà về với gia đình là một niềm hạnh phúc vô biên. Thế nên phải sống sao cho xứng đáng với bạn bè, đồng chí đã nằm xuống. Đơn giản thế thôi!”.

Những người làm báo Bình Dương trước và cùng thời với tôi cũng tri ân chú Bảy Vinh, tên thân mật của chú rất nhiều. Bởi, từ những người chập chững vào nghề, dưới sự nhắc nhở, đào tạo của chú, nay chúng tôi có thể trụ vững với nghề, cuộc sống cũng ổn định dần nơi quê hương Bình Dương hiền hòa. Thế nhưng chú không hề “kể công” mình mà nhận xét: “Mấy đứa em cháu như Lê Quang, Xuân Ngợi và nhiều nhà báo khác sau này là những cây bút có tâm với nghề, được đào tạo bài bản. Chú quý tính tự lập, biết phấn đấu của tất cả anh em chọn nghề báo để dấn thân nên rất vui khi tờ báo ngày một phát triển như bây giờ. Nhưng nghề báo là không thể dừng lại, phải cố gắng liên tục mới trụ vững, mới không bị lạc hậu trong thời buổi bùng nổ thông tin này” .

Một trong những người bạn chí thân của chú Nguyễn Xuân Vinh là ông Nguyễn Văn Khái (Bảy Khái), nguyên giáo viên, nguyên đại biểu HĐND tỉnh. Thỉnh thoảng trên rẫy có cây trái gì ngon, ông Bảy Khái lại tự đánh xe hơi mang về tặng gia đình bạn. Ông Bảy Khái nói: “Chúng tôi là bạn cùng thời, cùng học ngành sư phạm rồi đi dạy, hoạt động cách mạng trong lòng địch. Có một sự trùng hợp nữa là em trai chúng tôi cũng hoạt động cách mạng cùng nhau. Thế nên tình thân giữa 2 gia đình càng gắn kết. Tính tình của nhau chúng tôi cũng… thuộc luôn! Tóm lại là người hết lòng vì người thân, bạn bè, sự nghiệp”.

 Bài 2: Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu: “Sức mạnh của truyền thông lớn lắm”

 QUỲNH NHƯ