Nghe nhà báo lão thành nói chuyện nghề - Bài 2
Bài 2: Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu: “Sức mạnh của truyền thông lớn lắm”
(BDO) Ông luôn dành cho chúng tôi, những thế hệ em cháu trong làng báo Bình Dương một sự thân tình rất đáng quý. Và mỗi lần chuyện trò, ông như “dốc hết ruột gan” về nghề báo, nghề mà ông tự hào đã theo mình từ những năm còn chiến tranh ác liệt cũng như sau này để góp phần xây dựng và phát triển quê nhà…
“Xung trận” như người lính!
Có những điều ở nhà báo lão thành Nguyễn Trung Hiếu (ảnh), nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Bình Dương mà chúng ta cần biết. Đó là ông xuất thân từ một phóng viên thông tấn xã ở chiến trường và trưởng thành qua chiến tranh. Ông luôn trung thành với sự nghiệp báo chí cách mạng. Và, qua nhiều năm công tác trong lĩnh vực báo chí, ông đã góp phần đào tạo nên một lớp người làm báo trẻ, giỏi lãnh đạo, bản lĩnh và vững về tay nghề. Ông cười khi được nhận xét như vậy và hỏi lại tôi: “Con thấy có đúng không, nữ ký giả nhật trình?”.
Vẫn là cách dùng chữ “kiểu cổ” như thế nên nếu chuyện trò với ông, không tinh ý, bạn có thể hiểu không hết ý ông nói. Ông nói nhỏ, đủ để… tâm tình thôi chứ không đao to búa lớn và cũng không “lên lớp” bao giờ. Với tôi là thế nên “chú cháu” rất dễ có một cuộc hẹn gặp để nghe ông chuyện trò về nghề nghiệp một cách khá thoải mái.
Kể về những ngày đầu thoát ly và làm báo, ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết, năm 1958, ông là học sinh trường Trịnh Hoài Đức, thoát ly theo cách mạng, được chuyển về bộ phận nhiếp ảnh, điện ảnh của Quân khu 6. Sau đó làm phóng viên chiến trường, kiêm Trưởng phân xã Thông tấn xã (TTX) Giải phóng, điện báo viên, kiêm Trưởng đài vô tuyến điện thuộc Phân khu 10. Mỗi lần có sự kiện ở chiến trường hay trên mặt trận ngoại giao, binh vận thì ông trực tiếp đánh lên máy và truyền về phát sóng trên Việt Nam TTX (nay là TTXVN) và TTX Giải phóng (LPA) lúc bấy giờ. Thời chiến, chụp được một tấm hình đẹp vô cùng vất vả. Nhiếp ảnh, điện ảnh nếu muốn lột tả hết cho người xem cảm được cái hồn của bức ảnh, cảnh quay thì phải cận cảnh và đặc tả. Thế nên, người nhiếp ảnh, quay phim có khi phải đi trước, xông lên trước cả những chiến sĩ. Để có những tác phẩm có sức sống và nóng hổi tính thời sự đôi khi phải đổi bằng xương máu. Kỷ niệm nhớ đời của ông Hiếu là trận đánh vào Bình Long (Bình Phước) năm 1972. Khi đã chiếm được Tòa hành chính tỉnh, ông và đồng đội mừng quá và ông không quên nhiệm vụ làm tin nóng. Nào ngờ địch từ hầm ngầm bao vây đánh trả. Đó cũng là một trong những lần ông suýt chết trong quá trình công tác. Cũng trong một trận đánh tàn khốc, ác liệt ở Bình Long, ông đã đặc tả một hình ảnh và sau đó tấm hình gây xúc động mạnh mẽ cho người xem. Đó là bức ảnh ông chụp đứa bé tìm vú mẹ khi người mẹ đã chết. Ông ghi 2 chú thích cho tấm ảnh: “Giọt sữa cuối cùng” và “Tội ác chiến tranh”. Bức ảnh được đăng trên bản tin TTX, Báo Quân đội Nhân dân và nhiều báo khác. Bức ảnh này cũng cho ông vinh dự được nhiều giải thưởng và phần thưởng là cái máy chụp hình của Liên Xô…
Phải luôn ý thức trách nhiệm với nghề
“Sức mạnh của truyền thông là cực kỳ lớn. Ai làm chủ được truyền thông, người đó thắng!”. Ông nói như thế và kể về câu chuyện của trợ lý báo chí cho Tổng thống Mỹ (năm 1976) rằng: “Trên chiến trường chúng tôi không thua các ông, nhưng trên chính trường và mặt trận truyền thông, chúng tôi đã thua”. Sức mạnh của truyền thông lớn như thế nên mới gây nên làn sóng phản chiến ngay giữa lòng nước Mỹ! Sức mạnh truyền thông còn hiệu triệu cả dân tộc Việt tiến lên đi đến thắng lợi cuối cùng. Ông Nguyễn Trung Hiếu cũng dẫn chứng: “Một bản tin chiến thắng từ chiến trường gửi ra vùng tự do có sức mạnh gấp 10, gấp 100 lần chính bản thân của chiến thắng đó. Tức là nó động viên, khích lệ tinh thần của chiến sĩ đồng bào rất nhiều, giúp chúng ta đoàn kết, mạnh mẽ hơn rất nhiều”.
Biết sức mạnh của báo chí là thế nên từ năm 1978, được điều về Đài PT-TH Sông Bé, ông đã ra sức xây dựng đội ngũ làm báo có tay nghề, hết lòng với nghề. Những đóng góp của ông cho Đài PT-TH Bình Phước, Bình Dương vẫn là điều làm ông tự hào. “Vui hơn hết là đàn em của chú dù làm bất cứ đâu cũng thường nhớ về người anh Bảy Hiếu này. Thỉnh thoảng mọi người ghé nhà chơi, hàn huyên tâm sự là quý rồi”, ông Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ.
Một trong những người đàn em mà ông hay nhắc tới là anh Quách Lắm (Trưởng Cơ quan Thường trú TTX Việt Nam tại Bình Dương). Anh Quách Lắm cho biết thêm: “Tôi biết và công tác chung với anh Bảy Hiếu từ đầu năm 1976 khi hai Phân xã TTX Giải phóng tỉnh Thủ Dầu Một và tỉnh Bình Phước sáp nhập thành Phân xã Sông Bé (do hai tỉnh sáp nhập thành tỉnh Sông Bé). Tuy sống và công tác với nhau khoảng 3 năm, nhưng anh đã để lại với chúng tôi là các nhà báo trẻ lúc bấy giờ nhiều ấn tượng tốt về phẩm chất và sự yêu nghề. Anh luôn có sự năng động đổi mới, không hài lòng với kết quả công tác hiện có. Khi về công tác chung ở Phân xã Sông Bé, với nhiệm vụ là điện báo viên anh đã tìm tòi làm thiết bị chuyển việc truyền tin bằng điện thay vì phải quay máy phát điện bằng tay như trước đây chúng tôi phải “nai lưng” ra mà quay! Trong công tác nghiệp vụ làm báo, anh cũng suy nghĩ tìm tòi chủ đề “độc đáo”, cách thể hiện mới hơn, hiệu quả hơn. Như bài viết “Dấu ấn Sông Bé” là một trong rất nhiều tác phẩm báo chí của anh có nét riêng rất đáng trân trọng. Anh còn có tính “tức thì” và quyết tâm thực hiện ngay những ý tưởng công việc, chủ đề tác phẩm (tin hay ảnh) đã hình thành. Dù đêm hôm, xa xôi hay khó khăn nguy hiểm đi nữa. Có thể nói anh là con người “sẵn sàng” hành động bất kỳ điều kiện nào. Thí dụ khi chợ Thủ bị chập điện cháy lớn giữa đêm, hay tin anh chộp ngay máy ảnh và gọi anh em phóng viên nhảy lên xe Zeep ra hiện trường chợ ngay trong ít phút... Các tính cách này về sau khi anh công tác ở Đài PT-TH tỉnh lại càng bộc lộ rõ qua kết quả hoạt động của anh Bảy Hiếu”.
Ông Nguyễn Trung Hiếu cũng nhắc nhở thế hệ làm báo hiện nay rằng, đây là thời đại bùng nổ thông tin. Rất cần sự nhạy bén kể cả bản lĩnh nghề nghiệp, trách nhiệm của nhà báo trước nguồn tin, trước thân phận con người. Sống được với nghề báo không dễ dàng gì, nhưng các bạn phải tự hào rằng mình góp phần cho xã hội tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Đứng trước một “rừng thông tin” như ngày nay mà chúng ta hay gọi là bão thông tin, là thế giới phẳng, các bạn cần bản lĩnh hơn nữa để chúng ta thật sự làm được việc có ý nghĩa cho cuộc đời này…
Bài 3: Vũ Doanh Dzụ: Phóng viên ảnh khu 5 một thời oanh liệt
QUỲNH NHƯ