Nghe nhà báo lão thành nói chuyện nghề - Bài 3

Thứ năm, ngày 18/06/2015

Bài 3: Vũ Doanh Dzụ: Phóng viên ảnh khu 5 một thời oanh liệt

(BDO)

 Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông không những trực tiếp cầm súng chiến đấu mà còn chiến đấu cả trên mặt trận thông tin, tuyên truyền. Những bức ảnh, thông tin được ông gửi từ chiến trường trở thành tư liệu chân thực để lột trần tội ác của kẻ thù, ngợi ca lòng chiến đấu quả cảm của bộ đội Cụ Hồ. Ông là phóng viên ảnh chiến trường Vũ Doanh Dzụ, một người lính quả cảm từng xông pha trận mạc để có được những bức ảnh sống động nhất...

 Lễ ra mắt chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Ngãi tháng 3-1975

 Ký ức một thời

Tốt nghiệp Báo chí Tuyên huấn Trung ương năm 1971, Vũ Doanh Dzụ đầu quân về làm phóng viên ảnh tại Ty Thông tin, quê hương Ninh Bình. Hồi đó, gia đình ông có bố là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, anh trai là liệt sĩ. Với gia cảnh đó, Doanh Dzụ hoàn toàn có thể yên tâm sống và công tác tại địa phương. Song, chỉ vài tháng sau khi về Ty Thông tin Ninh Bình, Doanh Dzụ quyết định đi B theo tiếng gọi của Tổ quốc trong cuộc chi viện lớn cho miền Nam thành đồng Tổ quốc. Quyết định này khiến không ít người ngạc nhiên. Song với Doanh Dzụ, cống hiến sức trẻ và đem chuyên môn nghiệp vụ đã được đào tạo bài bản để phục vụ Tổ quốc đang lâm nguy là chuyện bình thường.

Hành trình đi B năm 1972 là một cuộc thử thách đầy chông gai. Có những đồng đội ngã xuống vì những cơn sốt rét rừng khi chưa kịp chiến đấu… Sau hơn 2 tháng ròng rã di chuyển từ Ninh Bình vào đến chiến trường sông Tranh - Quảng Nam (khu 5 - Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Ngãi), Doanh Dzụ được cấp trên phân công công tác tại đây với nhiệm vụ chính là phóng viên ảnh chiến trường. Ông cùng đồng nghiệp của mình đã nếm trải bao gian khó của người lính. Ngày ấy, Mai Nhung - Nguyên Tổng Biên tập Báo Nông Thôn Việt Nam cũng phải vừa chiến đấu, vừa tiếp cận dân để xin gạo về cứu đói cho ông trong cơn sốt rét rừng tưởng chừng không qua khỏi. Song với lòng gan dạ quả cảm và sức trẻ xông pha, chiến sĩ Dzụ tiếp tục xâm nhập vào tận lòng địch để nắm thông tin và tác nghiệp. Ngoài cái tên Doanh Dzụ, ông còn dùng những bút danh khác như Tường Doanh, Kiên Lập… để gửi tin về cho đơn vị. Một trong những trận đánh gay go nhất năm 1974 tại xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, ông cùng đồng nghiệp phải thu thập chứng cứ để chứng minh kẻ thù đang vi phạm Hiệp định Paris. Những chứng cứ đó vừa phải hết sức chính xác, nhanh nhạy để kịp thời gửi về đơn vị và Trung ương. Do tiếp cận sát lòng địch, trong trận này, ông cùng đồng nghiệp bị pháo bắn thừa chết thiếu sống. Rất may là ông thoát thân và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, để có một tấm ảnh phục vụ cho cuộc chiến trên mặt trận thông tin là cả một quá trình nỗ lực của người phóng viên. Hồi đó, việc gửi mua pin, phim, hóa chất… từ đồng bằng đã khó, song khi đã đưa về được tới đơn vị thì việc bảo quản còn khó hơn do phải thường xuyên di chuyển địa điểm. Khi đã chụp được ảnh, việc tráng rọi ảnh bằng những phương tiện tự chế thô sơ cũng vô cùng gian nan. Đó là những kỷ niệm tác nghiệp khó quên trong cuộc đời chiến đấu của người phóng viên ảnh Vũ Doanh Dzụ.

Hòa chung niềm vui lớn của dân tộc

Khi hòa bình lập lại, nước nhà thống nhất, Doanh Dzụ được điều về làm phóng viên ảnh cho báo Nghĩa Bình, rồi Ty Văn hóa Nghĩa Bình (nay là Bình Định và Quảng Ngãi) cho mảng thời sự, chính trị và nội chính cho đến năm 1987. Trong khoảng thời gian ấy, tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong ông là bộ ảnh triển lãm hợp tác hữu nghị Việt Nam - Lào - Campuchia năm 1980, được giới chuyên môn đánh giá cao lúc bấy giờ. Dạn dày kinh nghiệm tác nghiệp, từng vào sinh ra tử ở chiến trường, Doanh Dzụ đã hình thành cho mình nhân cách đáng quý của một “chiến sĩ” phóng viên ảnh. Trò chuyện với tôi, ông không quên nhắn nhủ rằng lớp nhà báo hậu sinh như chúng tôi, ngoài việc tiếp cận công nghệ để có những bức ảnh báo chí đẹp nhất, thì việc tôi luyện bản lĩnh chính trị cũng rất cần thiết. Làm sao để chỉ cần nhấc máy ảnh lên là phải biết được mình đang nói gì, gửi gắm gì trong bức ảnh đó. Quan trọng hơn nữa các bạn phóng viên trẻ hiện nay cũng cần tìm hiểu sâu thêm giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật để phục vụ nghề một cách tốt nhất. Bởi nếu có tư tưởng rõ ràng, nhìn nhận, đánh giá hoạt động nghề nghiệp mới thật có cái tâm, cái mà xã hội đang cần nhiều ở người phóng viên để đưa mọi thứ trở về đúng bản chất của nó là chân - thiện - mỹ…

 Vũ Doanh Dzụ tại sân bay Xiêm Riệp (Campuchia) tháng 10-1979

Năm 2002 sau khi nghỉ hưu, Doanh Dzụ mang theo kinh nghiệm sống, kinh nghiệm nghề của mình vào đất Bình Dương. Hiện ông là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Có bao nhiêu kinh nghiệm, bao nhiêu tâm huyết với nghề đã được ông chia sẻ với đồng nghiệp, với những thế hệ tiếp nối nhằm mang thông tin đến phục vụ cho bạn đọc của tỉnh nhà. Ở các hội thi, những cuộc triển lãm, ông vẫn thường xuyên tham gia, theo dõi với tư cách của một người đi trước, đồng hành dẫn dắt các bạn trẻ.

Trong suốt cuộc đời cầm máy, Doanh Dzụ đã có kha khá những tác phẩm đoạt giải thưởng mà ông khiêm tốn cho rằng chỉ là kỷ niệm “nho nhỏ để nhớ nghề”. Trong đó phải kể đến tác phẩm “Anh hùng Núp” đoạt huy chương vàng quốc tế Verfota ở Rumani năm 1981; tác phẩm “Cánh diều tuổi thơ” đoạt giải A Liên hoan nhiếp ảnh nghệ thuật năm 1981 tại Nha Trang; năm 2014, ông cũng vinh dự có 2 tác phẩm được chọn trưng bày tại triển lãm nhiếp ảnh toàn quốc “Ảnh chất lượng cao qua 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ” do Bộ VHTT&DL và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội… Ông chia sẻ: “Một bức ảnh báo chí người phóng viên cần phải chú ý đến 3 điều: 1 là sự chân thật, 2 là thông tin cho người xem toàn bộ những gì mình muốn và độc giả cần, 3 là tính định hướng của người phóng viên đến với bạn đọc của mình”. Ông còn chia sẻ thêm, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần có sự cần cù, rèn luyện và luôn học hỏi trên mọi phương tiện khác nhau để luôn giữ vững vai trò của một người phóng viên trong mọi thời đại. Với ông, sự khiêm tốn, dám chấp nhận thất bại sẽ đưa bạn đến với những thành công ngoài mong đợi trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Được trò chuyện cùng cựu nhiếp ảnh gia chiến trường Doanh Dzụ nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, bản thân tôi, một phóng viên thuộc thế hệ hậu sinh khả úy, không khỏi tự dặn lòng phải tiếp tục nỗ lực rèn luyện kỹ năng tác nghiệp, để phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp báo chí nước nhà trong thời đổi mới.

Bài cuối: Lê Bá Mười - Nhà báo không nghỉ hưu!

 CÔNG DANH