Quân đoàn 4 - “Quả đấm thép” phía Nam: Mỹ bỏ rơi Thiệu

Thứ bảy, ngày 01/11/2014

(BDO) >> Xem kỳ trước

 Kỳ 3: Mỹ bỏ rơi Thiệu

 Tự hào thay, Quân đoàn (QĐ) 4 ra quân là đánh thắng ngay từ trận đầu, làm nên kỳ tích chiến thắng đường 14 - Phước Long lẫy lừng, mở ra cục diện mới trên chiến trường, tạo sức mạnh vững chắc để quân đoàn tiếp tục lập nên những chiến công vang dội ở Dầu Tiếng, Chơn Thành, đường 20 Phương Lâm - Định Quán, Xuân Lộc… xứng đáng với tên gọi “Quả đấm thép” của Nam bộ “thành đồng Tổ quốc”.

 

Chiến sĩ QĐ 4 trong một chiến dịch trên chiến trường miền Đông Nam bộ Ảnh:T.L


 Hồi chuông sụp đổ…

Thông tin từ chiến trường Phước Long bay về đã làm choáng váng giới chóp bu của chế độ Sài Gòn. Ngày 6-1-1975, Đại tá - Tỉnh trưởng Phước Long Đỗ Công Thành trúng đạn chết trong đám loạn quân. Dưới những làn đạn xé toạc bầu trời, những chiếc trực thăng liều mạng đáp xuống cứu sĩ quan và hàng trăm lính biệt động hoảng loạn, vô vọng trong vòng vây hãm tứ bề của quân giải phóng. 5.400 sĩ quan và lính của Trung đoàn 7 ngụy ném vào Phước Long chỉ còn chưa đầy 850 người sống sót.

Thảm cảnh Phước Long khiến Nguyễn Văn Thiệu khẩn cấp họp Hội đồng an ninh quốc gia nhằm cứu xét tình hình vào đêm 6-1-1975. Ngay ngày hôm sau, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố trên đài Sài Gòn: “Toàn quốc dành 3 ngày truy điệu, cầu nguyện cho Phước Long”. Thiệu hò hét lấy lại Phước Long, tổ chức mít-tinh rầm rộ, nhưng trên thực tế không có hành động quân sự nào được triển khai. Phía Mỹ lúc đầu hùng hổ báo động lục quân khẩn cấp nhưng cuối cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Xlexinhgiơ buộc phải tuyên bố với báo chí “bỏ qua sự kiện Phước Long”, “đây chưa phải là một cuộc tiến công ồ ạt của Bắc Việt Nam”… Còn đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn Graham Mactin thông báo với Nguyễn Văn Thiệu: “Việc yểm trợ của Hoa Kỳ lúc này là chưa được phép…”.

Không thể im lặng chờ đợi tín hiệu từ phía Mỹ, trong cơn hoảng loạn, Thiệu gửi hàng loạt thư, công hàm đến các nước “tố cáo hành động chiếm Phước Long của quân giải phóng”, nhưng mục đích chính là tiếp tục kêu gọi viện trợ. Thậm chí, trong cuộc tiếp đón phái đoàn Quốc hội Mỹ ngày 1-3-1975, Nguyễn Văn Thiệu quên mất thể diện, gần như cầu xin phái đoàn khi thốt lên: “Của cho đã quan trọng, mà cách cho còn quan trọng hơn… Đã từng là chiến hữu trong cơn binh lửa, chúng ta (ý nói Mỹ và chính quyền Sài Gòn - P.V) tiếp tục là những người bạn tốt trong lúc thái bình…”, (trích diễn văn Nguyễn Văn Thiệu trong hồ sơ). Song, đáp lại lời than thở của Thiệu chỉ có những lời “động viên chia sẻ” kiểu ngoại giao! Số phận của ông ta - con người một đời hết theo Pháp rồi phò Mỹ đang bước vào những giờ khắc nguy kịch. Lịch sử đã chứng minh, những nhân vật vì quyền lợi cá nhân đã rắp tâm kêu ngoại bang vào tranh giành quyền lực đều có kết cục bi thảm, tiếng xấu ngàn năm bia miệng.

Thời cơ cách mạng đang tới, ngày 10-3-1975 tiếng súng mở màn chiến dịch Tây nguyên bắt đầu. Chỉ trong hai ngày anh dũng chiến đấu, toàn bộ quân địch ở Buôn Ma Thuột bị đập tan. Chiến thắng Tây nguyên long trời lở đất, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn. Sau này, nhận xét về chiến dịch Tây nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mượn một câu trong Bình ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi để nói về trận đánh này: “Đánh một trận sạch không kình ngạc”.

Và những chiến công

Sau chiến thắng Phước Long, QĐ 4 sử dụng Sư đoàn Bộ binh 9 tăng cường tiến công địch trên hướng Tây bắc và Bắc Sài Gòn. Ngày 13-3-1975, Sư đoàn 9 tiêu diệt chi khu Trị Tâm và hàng loạt đồn bốt, giải phóng thị trấn Dầu Tiếng, Bến Củi, ngã ba Đất Sét, Cầu Khởi đến Bầu Đồn. Trên đà thắng lợi, quân ta tiếp tục tiêu diệt cụm cứ điểm ở khu vực Chơn Thành và buộc địch phải tháo chạy khỏi thị xã Bình Long, giải phóng hoàn toàn đường 13 suốt từ Hoa Lư đến Bến Cát vào đầu tháng 4-1975. Việc tiêu diệt các cụm tiền đồn nằm trong tuyến phòng thủ của địch và giải phóng các vùng nói trên đã tạo địa bàn cho QĐ 1 và QĐ 3 của ta triển khai lực lượng ở tuyến xuất phát tiến công địch trong chiến dịch Hồ Chí Minh trên hướng chủ yếu ở Bắc và Tây Bắc Sài Gòn.

 Hội nghị Quân chính đầu tiên của QĐ 4 tại căn cứ suối Bà Chiêm, tháng 10-1974 Ảnh:T.L

Đồng thời với hoạt động của Sư đoàn Bộ binh 9, Sư đoàn Bộ binh 7 của QĐ 4 tiến công tiêu diệt địch, giải phóng vùng Định Quán - La Ngà và toàn tỉnh Lâm Đồng trong tháng 3- 1975. Vào những ngày cuối tháng 4-1975, quân ta tiến công như vũ bão. Để chuẩn bị tiến vào sào huyệt cuối cùng của địch, cấp trên giao nhiệm vụ cho QĐ 4 chuẩn bị kế hoạch đập tan tập đoàn cứ điểm mà địch hô hào là “cánh cửa thép” ở Xuân Lộc.

Bảo tàng QĐ 4 hôm nay nằm trong một khuôn viên rộng thuộc Bộ Tư lệnh QĐ 4, giữa những vườn cây xanh mát. Chúng tôi đến thăm bảo tàng trong những ngày QĐ chuẩn bị tổ chức triển lãm các hình ảnh, kỷ vật thời chiến. Đây là nơi lưu dấu một thời chiến chinh oanh liệt của chiến sĩ QĐ 4. Để có được hòa bình như hôm nay, hàng vạn thế hệ thanh niên đã ngã xuống, trong đó có nhiều chiến sĩ QĐ 4 anh hùng. Máu xương của cha anh đổ xuống đã tô điểm lên những trang vàng lịch sử QĐ thêm chói lọi.

Trải qua 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của QĐ luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đất nước vừa mới được thống nhất, một lần nữa hàng vạn chiến sĩ QĐ 4 lại lên đường theo tiếng gọi của non sông, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, xây đắp nên tình hữu nghị láng giềng thân thiết giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia.

Hiện nay, toàn thể cán bộ, chiến sĩ QĐ 4 đang tập trung mọi nỗ lực xây dựng QĐ theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”, thực sự là binh đoàn chủ lực cơ động mạnh của bộ đứng chân trên địa bàn chiến lược trọng điểm phía Nam của Tổ quốc.

 Kỳ 4: Mở toang “cửa thép” Xuân Lộc

 KIẾN GIANG - ĐÌNH HẬU