Những kỳ tích của vùng đất lửa- Kỳ 12

Thứ sáu, ngày 10/04/2015

(BDO) Kỳ 12: Huy động ngoại lực

Trong việc hợp lực của các thành phần kinh tế đưa Bình Dương phát triển kinh tế - xã hội như hôm nay, có thể nói nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã góp phần rất quan trọng. Để phát huy nguồn lực này, Bình Dương đã có nhiều giải pháp hiệu quả.

Dây chuyền sản xuất giấy carton tại Công ty TNHH Tomoku Việt Nam ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (TX.Bến Cát)

Đóng góp lớn

Trong quá trình phát triển, tỉnh Bình Dương luôn xem nguồn vốn FDI là động lực góp phần quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển. Chính vì thế, trong khuôn khổ luật pháp cho phép, Bình Dương vận dụng hiệu quả chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Cụ thể, tỉnh đã tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; cung ứng ngày càng tốt hơn các dịch vụ để phục vụ hiệu quả cho hoạt động thu hút đầu tư và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư…

Từ những giải pháp đồng bộ trên, Bình Dương đã hoàn thiện môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng và hấp dẫn. Điều này đưa Bình Dương trở thành địa phương nổi bật về môi trường đầu tư thuận lợi dưới góc nhìn của doanh nghiệp. Nhờ vậy, doanh nghiệp nhiều nước đã biết và liên tục đầu tư vốn vào Bình Dương. Chỉ tính riêng trong quý I-2015, đã có thêm 402 triệu đô la Mỹ vốn FDI vào tỉnh. Với kết quả này, tính đến nay Bình Dương đã thu hút 2.440 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 20,8 tỷ đô la Mỹ; đưa Bình Dương trở thành 1 trong 5 địa phương của cả nước thu hút vốn FDI vượt ngưỡng 20 tỷ đô la Mỹ.

Chỉ ra tầm quan trọng của nguồn FDI, ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nguồn FDI tại tỉnh đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, tạo nhiều ngành công nghiệp mới… Bên cạnh tác động về mặt kinh tế, nguồn FDI còn tác động tích cực đến nhiều mặt của xã hội, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người tăng lên hàng năm. Ngoài ra, từ nguồn FDI còn từng bước hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao, có tay nghề và tác phong công nghiệp hiện đại; góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế...

Môi trường đầu tư luôn hấp dẫn

Hiệu quả từ nguồn vốn FDI tại Bình Dương đã tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, nhất là tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu đạt cao. Chỉ tính riêng trong năm 2014, nguồn FDI tại Bình Dương đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp 130.068 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 69,4% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh; nguồn FDI xuất khẩu đạt gần 14,62 tỷ đô la Mỹ và chiếm tỷ trọng gần 82,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hơn nữa, trong thời gian gần đây, nguồn vốn FDI đầu tư vào sản xuất công nghiệp phụ trợ đã tăng nhanh, góp phần đưa giá trị xuất siêu của Bình Dương đạt cao với hơn 4 tỷ đô la Mỹ trong năm qua.

Có thể nói, trong thành quả kinh tế sau 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và sau 30 năm đổi mới, việc thu hút FDI của Bình Dương đã phản ánh đúng thực tế về sự năng động của tỉnh thông qua việc biết cách mời gọi, đón tiếp và giữ chân “những người bạn” năm châu đến với Bình Dương. Ông Yasufumi Kasuga, Tổng Giám đốc Tập đoàn Maruzen Foods Corporation (vốn Nhật Bản) cho biết, sau thời gian nghiên cứu tìm hiểu môi trường đầu tư, tập đoàn nhận thấy, Bình Dương là nơi lý tưởng để triển khai thực hiện dự án. Tập đoàn đã đầu tư dự án có vốn 104 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp Mỹ Phước nhằm sản xuất thực phẩm dinh dưỡng và nước giải khát. Trong khi đó, hài lòng về môi trường đầu tư, ông Marcus IP, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Nam Phương Textile (hợp tác giữa Tập đoàn Haputex Development Limited của Hồng Kông và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Việt Hương) cho biết, với sự giúp đỡ từ chính quyền, doanh nghiệp rất yên tâm và phấn đấu đẩy nhanh tiến độ để đưa nhà máy sản xuất vải 120 triệu đô la Mỹ vào hoạt động trong năm 2015.

Ông Mai Hùng Dũng cho rằng, dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, Bình Dương luôn có môi trường đầu tư lý tưởng. Với những giải pháp hiện nay như: tập trung đầu tư bằng nhiều nguồn lực, phương thức để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; quan tâm cải cách hành chính toàn diện, nhanh gọn, hiệu quả; nâng tầm dịch vụ để phục vụ tốt nhất cho các nhà đầu tư… thì trong năm 2015 và những năm tới, nguồn vốn FDI vẫn tiếp tục chảy mạnh vào Bình Dương.

Kỳ 13: Công nghiệp phát triển gắn kết đô thị

VỆ GIANG

 

Từ khóa: