Những kỳ tích của vùng đất lửa - Kỳ 2
(BDO) Những kỳ tích của vùng đất lửa - Kỳ 2
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I vào cuối năm 1976 chỉ rõ, việc cải tạo công, thương nghiệp và phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của tỉnh. Với sự nỗ lực tập trung cao độ, đến cuối năm 1979, những chỉ tiêu kinh tế quan trọng của tỉnh đã cơ bản đạt kế hoạch đề ra và tăng cao so với năm 1976.
Đồng chí Lê Thanh Nghị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ thăm Xí nghiệp Gốm mỹ nghệ Tân Đông Hiệp, Dĩ An sau những năm miền Nam được giải phóng hoàn toàn, thống nhất đất nước Ảnh: D.HIỀN
Cải tạo công nghiệp
Tháng 5-1977, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban cải tạo công, thương nghiệp tư doanh. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, tháng 6-1977, Tỉnh ủy ra Chỉ thị hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về cải tạo đối với công, thương nghiệp tư doanh trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị nêu rõ: Cải tạo phải gắn chặt với xây dựng nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, trong đó các thế mạnh của tỉnh phải được phát huy mạnh mẽ để sau này trở thành một tỉnh có công - nông - lâm nghiệp hoàn chỉnh.
Năm 1977, ngành thương nghiệp của tỉnh đã tổ chức xây dựng được 55 hợp tác xã mua bán ở xã (trong tổng số 126 xã của tỉnh); củng cố lại các cửa hàng quốc doanh và triển khai tổ chức các công ty cấp 3 cho các huyện, thị xã. Đối với ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tỉnh có 1.424 cơ sở của Nhà nước và tư nhân khôi phục lại sản xuất. Nhờ vậy, năm 1977, giá trị tổng sản lượng của các ngành này thực hiện đạt hơn 74.380.000 đồng. Riêng ngành chế biến lương thực, thực phẩm, tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng 5 xưởng chế biến mì; ngành sành sứ, đã củng cố, tổ chức, sắp xếp lại sản xuất theo kế hoạch và xây dựng được cơ sở chế biến men để giải quyết một phần nguyên liệu cho các xí nghiệp sành sứ quốc doanh...
Năm 1979, Tỉnh ủy Sông Bé có chủ trương căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương mà có hình thức cải tạo thích hợp theo hướng: công ty hợp doanh, xí nghiệp hợp tác và hình thức tư nhân. Đến năm 1980, toàn tỉnh đã xây dựng được 39 cơ sở công nghiệp quốc doanh, 5 cơ sở công tư hợp doanh, 17 hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, 46 tổ hợp tác sản xuất hàng tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Các ngành nghề thế mạnh của tỉnh như sành sứ, sơn mài, chế biến gỗ, lâm sản đã phục hồi sản xuất. Từ những bước cải tạo phù hợp với thực tế, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thủ công nghiệp của tỉnh đã tăng từ 33,1 triệu đồng năm 1976 lên gần 57 triệu đồng năm 1980; giá trị hàng xuất khẩu năm 1976 chỉ mới 785.000 đồng, đến năm 1980 đạt 7,48 triệu đồng. Đến đầu năm 1980, tỉnh Sông Bé đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo và xây dựng các ngành công nghiệp, thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thủ công nghiệp. Bước đầu, tỉnh đã xây dựng quan hệ sản xuất mới và tạo được cơ sở vật chất kỹ thuật của các ngành công nghiệp tại tỉnh phát triển.
Tập trung sản xuất nông nghiệp
Bên cạnh phát triển công, thương nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Đảng bộ tỉnh. Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ I nhấn mạnh, phấn đấu đưa năng suất lúa bình quân đạt 2,2 tấn/ha gieo trồng; tổng sản lượng lương thực đạt trên 540.000 tấn; coi trọng phát triển cây công nghiệp dài ngày và ngắn ngày như cao su, hồ tiêu, cà phê, đậu phộng, mía… Biện pháp thực hiện là đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ; không ngừng mở rộng diện tích nông nghiệp; đẩy mạnh công tác nghiên cứu và áp dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật...
Qua 5 năm thực hiện, công tác cải tạo và tổ chức lại sản xuất đã đạt kết quả quan trọng với diện tích gieo trồng hàng năm đều tăng. Đến năm 1979, tổng diện tích gieo trồng của tỉnh đạt 118.542 ha, tăng 23.345 ha so với năm 1976; tổng sản lượng lương thực (quy ra lúa) năm 1979 đạt 213.223 tấn, đạt 116,9% kế hoạch; bình quân đạt 330kg/người/ năm, tăng 24kg/người/năm so với năm 1976. Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đạt 161 triệu đồng trong 3 năm 1977-1979, tăng 139 triệu đồng so với năm 1976. Bên cạnh đó, tính đến cuối năm 1979, toàn tỉnh đã xây dựng được 152 hợp tác xã nông nghiệp, 575 tập đoàn sản xuất, thu hút trên 47% nông dân và 56,3% diện tích ruộng đất đưa vào làm ăn tập thể. Hầu hết hợp tác xã, tập đoàn sản xuất đều tăng diện tích cây trồng; nhiều tập đoàn, hợp tác xã bước đầu thực hiện các biện pháp thâm canh, cung cấp đủ phân bón, nước tưới… để tăng năng suất, sản lượng và thu nhập của xã viên.
Với những kết quả như trên, trong giai đoạn sau những năm miền Nam giải phóng thống nhất đất nước với đầy khó khăn, thách thức: vừa tập trung củng cố xây dựng Đảng, bộ máy chính quyền, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế vừa phải dồn sức cho nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới nhưng Đảng bộ tỉnh Sông Bé đã biết phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I đã đề ra. (Còn tiếp)
T.MINH