Bình Dương 40 năm - Sự đổi thay diệu kỳ
Những kỳ tích của vùng đất lửa - Kỳ 4
Kỳ 4: Huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng
(BDO)
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần VI (năm 1986), đường lối đổi mới của Đảng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Tại tỉnh Sông Bé, Đảng bộ tỉnh đã đề ra nhiều quyết sách thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 1986-1996. Nổi bật giai đoạn này là nhờ tập trung đầu tư hạ tầng đã thúc đẩy nhanh sự phát triển công nghiệp.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sông Bé khóa IV (1986-1991) Ảnh: DUY HIỀN
Tạo điều kiện cho nông nghiệp, công nghiệp phát triển
Trên mặt trận nông nghiệp, từ năm 1986-1996, tỉnh Sông Bé đã quan tâm chỉ đạo, đề ra những chủ trương và chính sách tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nhằm tạo điều kiện thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Với vốn đầu tư xây dựng cơ bản dành cho nông nghiệp chiếm 20,74% trong tổng số vốn đầu tư thuộc khu vực sản xuất vật chất trong nhiều năm cùng việc hoàn thành đưa vào sử dụng hàng chục công trình thủy lợi, nghiên cứu đưa vào đồng ruộng nhiều loại giống lúa mới có năng suất cao… đã đưa nông nghiệp phát triển mạnh mẽ. Đến năm 1996, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh, vùng cây công nghiệp; toàn tỉnh có hơn 1.000 trang trại trồng trọt và chăn nuôi rất hiệu quả.
Có thể nói, sau năm 1986 là mốc thời gian đáng nhớ cho một giai đoạn phát triển công nghiệp của tỉnh Sông Bé. Sau đại hội, khi Luật Đầu tư nước ngoài được thông qua vào năm 1987 đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư ở Việt Nam dưới hình thức liên doanh, hình thức xây dựng, khai thác, chuyển giao (BOT). Nhờ định hướng đúng đắn của Đảng bộ tỉnh, hàng năm, Sông Bé đã dành 37% trong tổng chi ngân sách Nhà nước vào xây dựng cơ bản gồm cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường sá; mở thêm mạng lưới điện, bưu chính viễn thông, nhà ở, công trình văn hóa, giáo dục… Từ chủ trương và tư duy đúng đắn này, tỷ trọng công nghiệp từ chỗ chiếm tỷ trọng không đáng kể vào năm 1986 đã tăng lên 25% vào năm 1995. Đến cuối năm 1996, tại tỉnh đã có 3 khu và cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động như Bình Đường, Sóng Thần, Tân Định…
Nhờ tập trung đầu tư mà hạ tầng kỹ thuật của Sông Bé phát triển, qua đó thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Đến năm 1996, toàn tỉnh đã có 845 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư 8.900 tỷ đồng. Việc đầu tư xây dựng cơ bản cũng là tiền đề dẫn dắt, thu hút, khởi động các nguồn đầu tư từ nguồn lực của doanh nghiệp. Trong lĩnh vực này, nổi bật là vai trò của Công ty Thương nghiệp tổng hợp Bến Cát (sau này được đổi tên là Công ty Thương mại đầu tư và phát triển Sông Bé - Becamex). Đây là một trong những doanh nghiệp có công đầu trong đổi mới thương nghiệp quốc doanh, góp phần xây dựng một mô hình doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò chủ công, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác cùng thực hiện thúc đẩy kinh tế phát triển.
Quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng
Sau năm 1986, để cụ thể hóa chủ trương đổi mới của Đảng, tỉnh Sông Bé đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Bằng các chương trình hành động của Tỉnh ủy, tình hình sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đã đi đúng hướng. Mấu chốt quan trọng ở giai đoạn này là việc triển khai ý tưởng đầu tư xây dựng quốc lộ 13 theo hình thức BOT đã được thực hiện, mở ra huyết lộ giao thông đặc biệt quan trọng đối với tỉnh, tạo cơ sở đón nhận sự lan tỏa phát triển công nghiệp từ TP.Hồ Chí Minh, đồng thời thu hút nguồn lực ngoài xã hội tham gia đầu tư sản xuất nói riêng và góp phần đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp cho tỉnh nói chung. Nhờ đó, giai đoạn 1991-1996, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng mạnh; đến năm 1996 đạt trên 2.324 tỷ đồng.
Nhìn lại giai đoạn sau đổi mới, ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vào thời điểm sau năm 1986, đường lối đổi mới đã có tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình và bước đầu giải phóng năng lực sản xuất trong nông thôn ở tỉnh. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhiều công ty, xí nghiệp đã dần thích ứng với cơ chế mới, phát huy được nguồn vốn, kỹ thuật, năng lực quản lý và từng bước phát triển mở rộng sản xuất. Chính vì thế, đến năm 1996, ngoài số lượng doanh nghiệp đầu tư trong nước tăng nhanh, đã có 52 dự án của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đăng lý 498 triệu đô la Mỹ.
Có thể nói, từ khi có chủ trương đổi mới của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sông Bé đã vận dụng sáng tạo, phù hợp các chủ trương, chính sách của Đảng vào hoàn cảnh thực tế của địa phương; từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định dần tình hình kinh tế - xã hội và đạt được những thành quả đáng khích lệ. Đây là giai đoạn có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo đà vươn lên mạnh mẽ cho Bình Dương trong giai đoạn phát triển mới sau ngày tái lập tỉnh (1-1-1997).
Kỳ 5: Xây dựng khu công nghiệp - tạo lực cho phát triển
VỆ GIANG