Những điểm nhấn qua các kỳ đại hội- Bài 6
Bài 6: “Tự phê bình và phê bình” - sinh khí mới, tư duy mới
(BDO) Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (phải), KTS Ngô Viết Thụ, nguyên Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Nguyễn Như Phong (Trương Văn Nghỉ) (trái) tại Hội nghị phê duyệt đề án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Sông Bé năm 1981 Ảnh: DUY HIỀN
Để chuẩn bị cho Đại hội (ĐH) Đảng các cấp tiến tới ĐH toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 79/CT/TW về việc tổ chức đợt tự phê bình và phê bình. “Tự phê bình và phê bình” đã đánh dấu bước ngoặt trưởng thành mới của Đảng, góp phần tạo ra một sinh khí mới, tư duy mới, phong cách mới trong Đảng, xây dựng niềm tin trong nhân dân, quyết tâm đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa giành được nhiều thắng lợi mới.
Ông Trần Quang Minh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sông Bé cho biết, một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong 6 tháng đầu năm 1986 của tỉnh là tổ chức tốt đợt tự phê bình và phê bình trước khi tiến hành ĐH Đảng các cấp từ cơ sở tiến tới ĐH toàn quốc lần thứ VI của Đảng.
Đây là đợt sinh hoạt chính trị hết sức quan trọng không chỉ trong Đảng mà còn trong toàn xã hội và là một nội dung của việc chuẩn bị ĐH Đảng các cấp.
Mục đích của tự phê bình trong quá trình chuẩn bị ĐH nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm những công việc đã làm được từ ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đến trước khi tiến hành ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, để từ đó không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, góp phần tăng cường sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức trong Đảng, nâng cao tính tổ chức của Đảng và quần chúng, tạo điều kiện tiếp thu và triển khai thực hiện tốt nghị quyết của ĐH toàn quốc lần thứ VI và ĐH các cấp.
Yêu cầu của việc tự phê bình và phê bình lần này là dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá trung thực tình hình công việc, thái độ, năng lực, phẩm chất, lối sống của mỗi đảng viên và mỗi tổ chức Đảng.
Từ đó, rút ra kinh nghiệm, bài học, tìm ra những biện pháp thiết thực, cụ thể, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục tiến lên, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân nhân.
Việc tự phê bình và phê bình phải làm nghiêm túc, sâu sắc, với tinh thần trách nhiệm cao, thái độ khách quan, vô tư, lắng nghe ý kiến phê bình của người khác, của cấp dưới, của quần chúng nhân dân nhằm mục đích xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh, kiên quyết chống những hiện tượng xuê xoa, nể nang hay trù dập người phê bình, vu cáo, bịa đặt, nói xấu…
Đợt tự phê bình và phê bình đã đánh dấu bước ngoặt trưởng thành của Đảng, góp phần tạo ra một sinh khí mới, một tư duy mới, một phong cách mới trong Đảng, một niềm tin trong nhân dân và xã hội, quyết tâm đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp xây dựng Đảng vững mạnh, tiến lên giành nhiều thắng lợi mới.
Trên cơ sở đó, ngày 3-3-1986, Ban Tổ chức Tỉnh ủy ra công văn hướng dẫn cụ thể một số điểm trong Chỉ thị số 79-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức đợt tự phê bình và phê bình trước khi tổ chức ĐH Đảng các cấp. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, đại diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức và nhân sự của Trung ương đã đến dự đợt tự phê bình và phê bình của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Với tinh thần trách nhiệm trước Đảng bộ và vì lợi ích chung của sự nghiệp cách mạng của nhân dân trong tỉnh, tập thể và cá nhân trong Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thể hiện tính tiên phong, gương mẫu trong đấu tranh để cùng nhau nâng cao nhận thức, tư tưởng và tình cảm cách mạng; nghiêm túc đấu tranh phê bình có lý, có tình và đoàn kết thương yêu thật sự.
Với tư tưởng chỉ đạo có tính nguyên tắc, tập trung làm rõ 3 nội dung chủ yếu: Phẩm chất cách mạng, phong cách lãnh đạo và chính sách cán bộ, trong đó đã đi sâu vào giải quyết tốt vấn đề đoàn kết trong Ban chấp hành.
Đợt kiểm điểm tập thể lãnh đạo và từng thành viên trong Ban chấp hành, bản tự kết luận hội nghị sinh hoạt tự phê bình của Tỉnh ủy đã khẳng định, thời gian qua Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả những mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng của ĐH Đảng bộ tỉnh.
Tỉnh ủy coi trọng lãnh đạo, theo dõi, kiểm tra và uốn nắn những vấn đề về nhận thức, tư tưởng lập trường và quan điểm chính trị trong việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là các nghị quyết quan trọng của Trung ương Đảng.
Tỉnh ủy cùng với các Đảng bộ trực thuộc, toàn nhân dân trong tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, huy động sức mạnh trí tuệ và đã có những cống hiến đáng kể. Nhìn chung, tình hình các mặt của tỉnh chuyển biến, thể hiện sự chỉ đạo và điều hành của Tỉnh ủy có đổi mới, đội ngũ cán bộ trưởng thành, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đã hình thành, lực lượng sản xuất có tiến bộ, năng suất lao động có nâng lên và cơ chế quản lý mới.
Trong nông nghiệp, việc đầu tư cho sản xuất được chú ý và có tiến bộ, làm cho mức sản xuất tăng lên. Đời sống nhân dân từng mặt và từng vùng được cải thiện...
Tuy nhiên, trong mỗi mặt tiến bộ còn có xen lẫn những mặt tồn tại, yếu kém. Đó là tài nguyên và thế mạnh của tỉnh chưa được quản lý, khai thác và sử dụng tốt.
Cải tạo thương nghiệp chưa được tập trung, công tác điều hành chưa đồng bộ, lưu thông còn rối ren, chưa làm chủ được thị trường, ngân sách có cân đối nhưng chưa xuất phát chủ yếu từ nguồn tích lũy trong sản xuất.
Việc đổi mới cơ chế còn chậm, công nghiệp địa phương, nhất là chế biến nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng chưa phục vụ được nhiều cho nông nghiệp. Thiếu chính sách linh hoạt sử dụng tốt các thành phần kinh tế để phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là rừng, vật liệu xây dựng và gốm sứ...
Trong xây dựng Đảng, có nơi chưa giữ đúng nguyên tắc, nề nếp sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Trong phong cách lãnh đạo, có lúc còn thiếu kiểm tra chặt chẽ và thiếu tổng kết kinh nghiệm.
Các mô hình lớn và nhân tố mới chưa tích cực được xây dựng và nhân rộng ra, ít chú ý chỉ đạo trọng điểm và làm thí điểm...
Nói chung, trong chỉ đạo và điều hành kinh tế chưa kết hợp tốt công tác tư tưởng, công tác phát động phong trào quần chúng, công tác tổ chức. Vai trò cá nhân phụ trách của một số Tỉnh ủy viên phát huy chưa cao, từ đó phần nào ảnh hưởng đến việc đóng góp vào sự lãnh đạo chung của tập thể Ban chấp hành...
Ông Trần Quang Minh cho biết, sau khi tự phê bình, phê bình và nêu lên những nguyên nhân và phương hướng sửa chữa, rút kinh nghiệm những mặt khuyết điểm, hạn chế, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nêu lên một số nhiệm vụ cần tập trung giải quyết trước khi tiến hành ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, đó là tiếp tục khuyến khích đảng viên, cán bộ đóng góp phê bình đầy đủ, cụ thể hơn; công bố tiếp thu những ý kiến đúng, nói lại những ý kiến nêu chưa rõ đối với Tỉnh ủy. Kiểm tra lại nơi nào làm còn hời hợt, qua loa thì chỉ đạo phải làm lại.
Tự phê bình đến đâu, cố gắng sửa chữa thiếu sót đến đó, nhất là loại thiếu sót trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân; giải quyết, trả lời những việc mà các địa phương, đơn vị đặt ra và kiến nghị trong đợt góp ý; giải quyết dứt điểm các vụ tồn đọng gây sự hiểu lầm trong cán bộ, đảng viên…(còn tiếp)
Từ ngày 10-3 đến ngày 10-4-1986, tỉnh đã tiến hành tự phê bình và phê bình đối với tập thể cấp ủy từ tỉnh xuống cơ sở, lãnh đạo sở, ban ngành tỉnh và phòng, ban ở các huyện, thị. Từ ngày 11-4 đến ngày 20-5-1986, tổ chức tiến hành tự phê bình và phê bình xong đối với tất cả cán bộ, đảng viên còn lại. Và từ ngày 21-5 đến ngày 30-5-1986, các cấp tổng kết gửi báo cáo kết quả đợt tự phê bình và phê bình về Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Thi hành các chỉ thị và thông báo của Ban Bí thư, trên cơ sở những ý kiến đóng góp phê bình của cán bộ, đảng viên, cốt cán ở 8 huyện, thị và trên 56 ban ngành cấp tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã tiến hành tự phê bình và phê bình tập thể Ban Chấp hành và các cá nhân. Theo đó, nhiều ưu, khuyết điểm đã được phân tích kỹ lưỡng để sau đó rút ra nhiều bài học kinh nghiệm và tìm hướng khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế.
THU THẢO