Những điểm nhấn qua các kỳ đại hội
(BDO) LTS: Chào mừng Đại hội (ĐH) Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, bắt đầu từ số báo hôm nay (17-9), Báo Bình Dương khởi đăng loạt bài viết về những thành tựu nổi bật qua các kỳ ĐH của Đảng bộ tỉnh Sông Bé - Bình Dương. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bài 1: Đại hội Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ I: Vì hạnh phúc của nhân dân
Trong bối cảnh chung của đất nước sau giải phóng, ĐH Đại biểu lần thứ I, Đảng bộ tỉnh Sông Bé đã đề ra khẩu hiệu hành động là: “Tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội, tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Sông Bé cùng cả nước phấn khởi tập trung sức xây dựng lại đất nước trong muôn vàn khó khăn, thử thách sau 30 năm bị chiến tranh tàn phá. Vì vậy, ĐH Đảng bộ các cấp lần thứ I có ý nghĩa hết sức quan trọng, thực hiện nhiệm vụ chiến lược là làm cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội lần thứ I, Đảng bộ tỉnh Sông Bé đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 38 đồng chí, trong đó có một đồng chí là ủy viên dự khuyết; đồng chí Đỗ Văn Nuống (Đỗ Văn Nguyện) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Ảnh: DUY HIỀN
Ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Quân quản của tỉnh kể lại, ĐH Đảng bộ các cấp lần thứ I rất được nhân dân trong tỉnh chờ đón. Vì vậy, khắp nơi phong trào quần chúng thi đua lập thành tích chào mừng ĐH Đảng bộ các cấp diễn ra rất sôi nổi. Điển hình là các Xí nghiệp lò gốm 15-5, Xí nghiệp sơn mài, Cao lanh Đất Cuốc... đều vượt từ 10 - 11% kế hoạch tháng. Các đội công trình của Ty Giao thông Vận tải làm tăng giờ để giải phóng công trình, tăng hiệu suất lao động gấp 2 lần... Các hội, đoàn thể động viên hội viên và nhân dân hăng hái tham gia sản xuất, gửi tiền tiết kiệm, học văn hóa các lớp bổ túc, bình dân học vụ...
ĐH Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ I được tổ chức 2 vòng; vòng 1 diễn ra từ ngày 10 đến 20-11-1976 và vòng 2 diễn ra từ ngày 19 đến ngày 30-4- 1977. Ông Nguyễn Văn Hữu cho biết thêm, tại ĐH, Đảng bộ đã nghiêm khắc nhìn nhận những khuyết điểm, nhược điểm trong quá trình khôi phục, đẩy mạnh sản xuất sau ngày giải phóng. Đó là đất đai có khả năng khai hoang tăng vụ còn nhiều nhưng công tác phát động và tổ chức lao động chưa tốt. Sản xuất nông nghiệp chưa đủ sức cung cấp lương thực, thực phẩm tự túc cho nhân dân trong tỉnh. Sản xuất nông, công nghiệp chưa được tổ chức thành một cơ cấu hoàn chỉnh, nhất là chưa giải quyết được khâu chế biến lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống nhân dân. Hoạt động lưu thông phân phối chưa phát huy tác dụng cho phát triển sản xuất; quần chúng còn thắc mắc nhiều về giá cả và tình trạng khan hiếm hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống. Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp còn tự phát, chia cắt manh mún...
Trên cơ sở đánh giá những thắng lợi đã đạt được, cũng như những khuyết điểm còn tồn tại, ĐH Đại biểu lần thứ I Đảng bộ tỉnh Sông Bé (vòng 2) xác định nhiệm vụ bức thiết đặt ra cho Đảng bộ, quân và dân của tỉnh là: “Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động và kiện toàn thêm một bước tổ chức chính quyền nhân dân các cấp; nắm vững và thực hiện 3 cuộc cách mạng (cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng về khoa học kỹ thuật và cách mạng về tư tưởng văn hóa), nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế - văn hóa, đẩy lên một phong trào thi đua lao động xã hội chủ nghĩa, cần kiệm xây dựng Nhà nước; lấy sản xuất nông nghiệp làm trung tâm, hoàn thành căn bản việc cải tạo xã hội chủ nghĩa, tổ chức lại lao động, bố trí lại cơ cấu cây trồng và các vụ lúa, cải tạo và phát triển các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, trang bị một bước cơ sở vật chất, kỹ thuật cho nông nghiệp và các ngành kinh tế khác nhau, khai thác hợp lý các vùng đất đã quy hoạch và xây dựng huyện thành một đơn vị kinh tế cơ bản, kết hợp chặt chẽ cơ cấu nông - công nghiệp hoặc nông - lâm - công nghiệp; đồng thời tiếp tục trấn áp bọn tàn dư phản cách mạng, ra sức củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội ở cả nội địa và biên giới; trên cơ sở tuyển chọn một đội ngũ cốt cán mới xuất hiện trong phong trào thi đua lao động xã hội chủ nghĩa của quần chúng mà đào tạo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể ngày càng vững mạnh về số lượng cũng như chất lượng”.
ĐH cũng chỉ rõ, phải không ngừng chăm lo xây dựng khối đoàn kết nội bộ gắn liền với thực hiện dân chủ và chấp hành kỷ luật Đảng. Các cấp ủy Đảng phải tăng cường công tác kiểm tra nhằm bảo đảm mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được thực hiện đầy đủ và đúng đắn, bảo đảm dân chủ và kỷ luật Đảng, chủ động ngăn ngừa những sai phạm của cán bộ, đảng viên, giải quyết kịp thời những vụ vi phạm kỷ luật. Đặc biệt, ĐH đề ra mục tiêu chủ yếu cho 2 năm 1977-1978 là: “Giải quyết đủ lương thực cho địa phương bằng cách động viên quần chúng và nội bộ ra sức sản xuất lương thực, coi trọng lúa và màu ngang nhau và tiếp tục giải quyết nạn thất nghiệp, tổ chức lại sản xuất và lưu thông phân phối, ổn định thêm một bước đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”.
Để hoàn thành mục tiêu đó, ĐH đề ra 4 nhiệm vụ phải hoàn thành tốt. Về kinh tế, văn hóa phải tập trung lao động và lực lượng các cấp, các ngành thực hiện sản xuất nông nghiệp bảo đảm tự túc đủ lương thực; đẩy mạnh trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi, làm tốt nghề rừng, phát huy thế mạnh các ngành tiểu thủ công nghiệp, kỹ thuật truyền thống, củng cố và mở rộng mạng lưới giao thông thủy bộ, tăng nhanh năng lực xây dựng cơ bản, trang bị một bước cơ sở vật chất và kỹ thuật trong ngành kinh tế, nhất là nông nghiệp, vận dụng đúng chính sách và lưu thông phân phối, ổn định thêm một bước đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Song song đó là thực hiện cải tạo quan hệ sản xuất, xây dựng thí điểm một số hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp, thu hút bộ phận nông dân còn lại vào các hình thức tổ vần công, đổi công và tập đoàn sản xuất...; đồng thời tăng cường quốc phòng toàn dân và các lực lượng công an nhân dân, đề cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan các hoạt động của bọn phản cách mạng, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc tuyến biên giới; đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, củng cố chính quyền, tiếp tục kiện toàn bộ máy các cấp, xây dựng đoàn thể, ra sức đào tạo cán bộ quản lý kinh tế, cán bộ, công nhân kỹ thuật, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ xây dựng phát triển của địa phương.
Trong muôn vàn khó khăn của những năm sau giải phóng, Đảng bộ tỉnh Sông Bé đã vững vàng, phát huy vai trò lãnh đạo, khơi dậy phong trào thi đua yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của các tầng lớp nhân dân lao động trong tỉnh, vượt qua nhiều gian khổ, hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới; đồng thời đóng góp sức người, sức của cho nhiệm vụ chiến đấu, xây dựng tuyến phòng thủ bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia trong điều kiện kinh tế của tỉnh chưa phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. (còn tiếp)
Một số kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I
Về kinh tế, năm 1979 sản xuất nông nghiệp đạt 118.542 ha gieo trồng, tăng 23,245 ha so với năm 1976. Tổng sản lượng lương thực quy lúa đạt 215.800 tấn, trong đó có 100.900 tấn màu. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từng bước được phục hồi, có nơi phát triển như TX.Thủ Dầu Một và Thuận An. Xuất khẩu tăng gấp 2 lần năm 1976. Bình quân mỗi nhân khẩu đạt 330kg lương thực quy lúa, 79 đồng hàng tiêu dùng và mỗi lao động tham gia sản xuất đạt 40 đồng hàng xuất khẩu/năm. Toàn tỉnh đã tổ chức được 152 hợp tác xã và 565 tập đoàn sản xuất, chiếm 47% số hộ và 56,3% diện tích đất canh tác vào làm ăn tập thể.
(Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
THU THẢO