Những điểm nhấn qua các kỳ đại hội - Bài 3
(BDO) Bài 3: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ III: Tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam…
Đại hội (ĐH) đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ III, đã vạch ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội trong những năm 80 nhằm bảo đảm cho Đảng bộ và quân dân trong tỉnh tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng trong giai đoạn mới là: Tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
ĐH đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ III, được tiến hành trong 2 vòng tại TX.Thủ Dầu Một. Vòng 1 họp từ ngày 12-1 đến ngày 21-1-1982 với 342 đại biểu. Vòng 2 họp từ ngày 18-4 đến ngày 22-4-1983. Về dự ĐH có 337 đại biểu, đại diện cho trên 8.000 đảng viên trong toàn tỉnh. Ông Nguyễn Hảo Đức, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sông Bé nhiệm kỳ III cho biết, từ sau ĐH lần thứ II, tình hình thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều thành tích đáng phấn khởi, sản xuất nông nghiệp đang chuyển hướng đi vào thâm canh. Sản xuất và huy động lương thực có tiến bộ. Diện tích cây công nghiệp dài ngày và ngắn ngày là thế mạnh của địa phương đang được phục hồi và phát triển.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sông Bé khóa III. Ảnh: DUY HIỀN
Trong tình hình mất cân đối gay gắt về tiền vốn, về năng lượng, về vật tư, nguyên liệu chủ yếu, tỉnh đã vận dụng các chủ trương kinh tế của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là vận dụng phương châm: “Trung ương, địa phương, Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Các cấp bộ Đảng, các ban, ngành và đoàn thể đã chú trọng huy động thêm tiền vốn, tự khai thác được nguồn vật tư, nguyên liệu tại chỗ, mở rộng giao dịch với các tỉnh bạn, tăng cường xuất khẩu để nhập khẩu, đã tạo điều kiện cho nhiều ngành và đơn vị kinh tế, xã hội quan trọng trong tỉnh vươn lên hoàn thành mức kế hoạch đề ra. Quan hệ sản xuất mới ở nông thôn được củng cố và nhiều nơi có bước phát triển. Một số nơi đã bước đầu xây dựng đồng bộ các loại hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, HTX mua bán, HTX tín dụng... và đã phát huy tốt. Tình hình an ninh chính trị trong tỉnh ổn định.
Đặc biệt, trong giai đoạn này, tỉnh vận dụng Nghị quyết Trung ương 5 (khóa V) vào điều kiện cụ thể của địa phương, đường lối cơ bản mà Đảng bộ đề ra cho đến năm 1985 là: “Ra sức ổn định và cải thiện một bước nhu cầu về ăn, mặc, ở, trị bệnh, học hành và đi lại của nhân dân lao động, vừa tiến hành tổ chức sắp xếp lại trật tự kinh tế, vừa xây dựng thêm cơ sở vật chất, bảo đảm phát triển thêm một bước cơ cấu kinh tế công - nông - lâm nghiệp tiến lên xây dựng thành tỉnh công - nông - lâm nghiệp trong nhiều năm tới; đồng thời tăng cường công tác quốc phòng và an ninh, chống kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và tiếp tục làm tốt nghĩa vụ quốc tế đối với tỉnh bạn Karatie”.
Trên cơ sở phát huy thế mạnh kinh tế của tỉnh, trong những năm tới, phải phấn đấu đưa vùng kinh tế lâm nghiệp đạt 400.000 ha, vùng kinh tế cây cao su đạt 35.000 ha, vùng kinh tế nông nghiệp (gồm cả đất xây dựng cơ bản) là 200.000 ha. Và đến năm 1985, về lâm nghiệp phấn đấu trồng và chăm sóc 2.200 ha rừng tập trung và đẩy mạnh phong trào trồng cây phân tán trong nhân dân đạt chỉ tiêu hàng năm khoảng 2 - 2,5 triệu cây. Về cây cao su, địa phương bảo đảm trồng mới 5.000 ha theo liên doanh với Tổng cục Cao su và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời quản lý chặt chẽ cây cao su tư nhân phục vụ sản xuất và tăng nguồn hàng xuất khẩu. Về nông nghiệp, phấn đấu ổn định vùng lúa 63.000 ha. Màu lương thực 22.000 ha, rau thực phẩm 12.000 ha và cây công nghiệp hàng năm 23.000 ha. Đẩy mạnh chăn nuôi, nhất là chăn nuôi trâu, bò ở vùng đồng cỏ. Về công nghiệp, chú trọng xây dựng cơ khí sản xuất công cụ lao động, cơ khí sửa chữa và sắp xếp lại công nghiệp khai thác và chế biến lâm sản, phát triển công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Về tiểu thủ công nghiệp và thủ công nghiệp, khuyến khích sản xuất các mặt hàng tiêu dùng và xuất khẩu dựa vào hàng nguyên liệu sẵn có tại địa phương.
Để đạt được chỉ tiêu trên, toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phải thực hiện các yêu cầu sau: Đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, phấn đấu đạt 300kg lương thực/người, bảo đảm nhu cầu ra và một phần thịt, cá phục vụ cho đời sống; động viên các thành phần kinh tế trong tỉnh tận dụng mọi nguồn nguyên liệu, phế liệu làm ra ngày càng nhiều mặt hàng phục vụ đời sống và xuất khẩu; thông qua sản xuất và phân phối lưu thông, phấn đấu bảo đảm nhu cầu tối thiểu về vải mặc cho nhân dân, thuốc trị bệnh, rau thịt sữa cho người bệnh, sách vở và giấy mực cho học sinh... Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật với nội dung vừa điều chỉnh, bổ sung những cơ sở đã có hoặc đang xây dựng dở dang, vừa phân bố cho các công trình mới nhằm bảo đảm tập trung cho các nhu cầu phát triển sản xuất theo hướng phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu, tăng cường năng lực, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thủ công nghiệp, xuất khẩu địa phương, bảo đảm phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội và những công trình phục vụ lợi ích công cộng khác trong tỉnh; gắn cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn và thị xã, thị trấn trên các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, phân phối lưu thông và văn hóa xã hội; tập trung lãnh đạo hoàn thành cơ bản hóa ở nông thôn dưới hai hình thức hợp tác xã và tập đoàn sản xuất; tiếp tục xây dựng phong trào hợp tác hóa gắn liền với định canh, định cư trong vùng đồng bào các dân tộc...
Để thực hiện các yêu cầu trên, vấn đề trọng tâm đặt ra là phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy hiệu lực quản lý của UBND các cấp, củng cố và nâng cao chất lượng của các đoàn thể quần chúng, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Từng Đảng bộ, từng ngành và từng cơ sở phải tổ chức tốt điều tra cơ bản, soát xét lại khả năng lao động, đất đai, ngành nghề và trang thiết bị hiện có, xác định nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể. Song song đó, tỉnh tập trung đầu tư vốn và tổ chức cán bộ có năng lực để tiến hành sắp xếp, cải tạo và phát triển kinh tế, áp dụng nhanh những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; trong từng thời gian nhất định, phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng thực hiện từng chỉ tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội; thường xuyên theo dõi, phát hiện và tháo gỡ kịp thời mọi vướng mắc tại địa bàn huyện và các cơ sở sản xuất, tổ chức chỉ đạo thí điểm từng mặt, rút kinh nghiệm để nâng cao từng bước chất lượng phong trào.
Ông Nguyễn Hảo Đức cho biết, thông qua các mục tiêu, yêu cầu đề ra có thể thấy nội dung Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ III đã điều chỉnh bổ sung các phương hướng phát triển, từng bước sắp xếp lại theo chiều sâu các ngành kinh tế, phù hợp với từng cơ sở, địa phương. Chú trọng phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bảo đảm các nhu cầu đời sống cho nhân dân.
Tại ĐH đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 43 ủy viên chính thức. Đồng chí Nguyễn Văn Luông tiếp tục giữ chức Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Lê Văn Thâm giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Như Phong giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. (còn tiếp)
Trong 5 năm 1981-1985, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sông Bé đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, ra sức phát huy thế mạnh của địa phương, từng bước khắc phục những mặt yếu kém của nền kinh tế, sửa chữa những khuyết điểm và tháo gỡ từng phần khó khăn về quản lý kinh tế, giành được những thành tích quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Sản xuất nông nghiệp có tiến bộ, các thế mạnh bắt đầu được sắp xếp lại và phát huy hiệu quả. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có sản lượng bình quân hàng năm tăng trên dưới 1%, trong đó tiểu thủ công nghiệp chiếm 70% tổng giá trị sản lượng. Chất lượng giáo dục có sự phát triển rõ rệt. An ninh quốc phòng và pháp chế xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố. Công tác xây dựng Đảng đạt được những kết quả quan trọng, phát triển thêm được trên 2.000 đảng viên mới… (P.V)
THU THẢO