Những dấu ấn đột phá - Kỳ cuối

Thứ tư, ngày 31/12/2014

(BDO) Kỳ cuối: Nền tảng cho thành phố Bình Dương tương lai

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Thành tựu kinh tế - xã hội đạt được sau 18 năm tái lập tỉnh là cơ sở vững chắc để Bình Dương tiếp tục viết nên những kỳ tích và xứng tầm là đô thị loại I trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.

Xây dựng thành phố Bình Dương văn minh, hiện đại

Có thể nói sau 18 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực của các ngành, các cấp, kinh tế - xã hội của Bình Dương đã đạt những thành tựu to lớn với các chỉ tiêu luôn cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Từ kết quả này, UBND tỉnh đã quyết định điều chỉnh quy hoạch phù hợp với sự phát triển của địa phương. Với những bước phát triển nhanh chóng và những cơ hội bứt phá trong thời gian tới, ngày 11-6-2014 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 893/QĐ-TTg điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025. Quyết định này nêu rõ, đến trước năm 2020 Bình Dương sẽ là thành phố trưc thuộc Trung ương.

Để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Bình Dương đang tập trung phát triển đô thị. Trong ảnh: Một góc Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: X.THI

Theo đó, thành phố Bình Dương sẽ là đô thị văn minh, hiện đại, trở thành một trong những đô thị phát triển kinh tế- xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận. Đây cũng là đô thị đi đầu trong quá trình phát triển có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, mạnh. Về kinh tế, năm 2020 cơ cấu kinh tế của thành phố tiếp tục là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 134 triệu đồng/ người; đến năm 2025 đạt 264 triệu đồng/người…

Đối với hạ tầng công nghiệp, đến năm 2020 khi Bình Dương là thành phố, dự kiến có 35 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 13.765 ha. Khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Bình Dương là một trong những trung tâm công nghiệp lớn trong vùng; là nơi chú trọng phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, qua đó từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chế biến trên thị trường quốc tế. Đây cũng là thành phố phát triển công nghiệp gắn chặt với đô thị; phát triển mạng lưới công nghiệp - dịch vụ đô thị theo hướng hiện đại, văn minh và hiệu quả. Đồng thời, thành phố phát triển công nghiệp gắn chặt với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong lĩnh vực công nghiệp; thu hút lao động có chất lượng cao, hạn chế tối đa ngành công nghiệp thông dụng nhiều lao động một cách hợp lý…

Nhiều giải pháp đồng bộ

Cùng các khu công nghiệp, Bình Dương sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tỷ lệ nội địa cao, ít thâm dụng lao động; xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ hiện đại; phát triển du lịch theo hướng đa dạng loại hình dịch vụ gắn chặt với đô thị xanh, văn minh, hiện đại; nông nghiệp đô thị gắn với công nghệ sinh học cao và chuyển giao công nghệ sinh học. Tỉnh cũng đưa ra nhiều giải pháp tập trung phát triển một số ngành công nghiệp xuất khẩu chủ yếu; đồng thời phát triển ngành dịch vụ như tài chính ngân hàng, thương mại, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển dịch vụ du lịch, dịch vụ vận tải.

Để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như phê duyệt, trước hết Bình Dương tăng cường phát triển hệ thống đô thị đồng bộ kết hợp giữa hệ thống đô thị trung tâm với hệ thống đô thị vệ tinh, thị trấn, trung tâm xã, phường; phát triển khu vực ngoại vi mới, các khu dân cư đô thị; phát triển các đô thị gắn chặt với việc phát triển kết cấu hạ tầng như đường bộ, bưu chính viễn thông, năng lượng mới và kết cấu hạ tầng ở mức độ hiện đại. Qua quá trình thực hiện, tỉnh đã chú trọng vào xây dựng đô thị để đô thị thật sự là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhờ vậy mà bộ mặt đô thị tại nhiều nơi trong tỉnh trở nên khang trang như TP.Thủ Dầu Một, các TX.Thuận An, Dĩ An, Bến Cát…; trong đó Thành phố mới Bình Dương được xây dựng với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ sẽ trở thành trung tâm của thành phố Bình Dương trực thuộc Trung ương theo đúng định hướng quy hoạch đến năm 2020.

Nhằm xứng tầm là thành phố công nghiệp với các khu công nghiệp làm đòn bẩy phát triển, tỉnh đang phát huy bài học từ những khu công nghiệp hoạt động hiệu quả cao trong thời gian qua. Theo đó, tuy tỉnh có đến 29 khu công nghiệp tập trung hiện nay với diện tích hơn 10.000 ha nhưng bằng giải pháp tạo sự đồng thuận, gắn với lợi ích thiết thực của nhân dân, đến nay tỷ lệ các khu công nghiệp đã giải tỏa đền bù trên 98% diện tích. Hiện có 26 khu công nghiệp đi vào hoạt động và thu hút 1.794 dự án trong và ngoài nước; trong đó có 1.368 dự án FDI với vốn đầu tư hơn 12,4 tỷ đô la Mỹ và 422 dự án của doanh nghiệp trong nước với vốn đầu tư gần 34.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bình Dương phấn đấu thu hút và lấp đầy 16 khu công nghiệp ở TX.Dĩ An, TX.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một; tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh sơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư mạnh vào các khu công nghiệp ở phía bắc của tỉnh; đồng thời phát triển thêm các khu và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Nhìn lại sau 18 năm tái lập tỉnh, kinh tế Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ, để hôm nay nổi bật trên bản đồ công nghiệp và thu hút đầu tư của cả nước. Song những thành tựu đạt được không phải tự thân mà có, mà đó là thành quả của sự đồng tâm hiệp lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh; kết quả tất yếu từ tầm nhìn và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, nhất là việc tập trung phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp làm nền tảng đột phá đưa công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Phát huy truyền thống và kết quả đạt được, trong thời gian tới Bình Dương sẽ viết tiếp những kỳ tích mới để đưa tỉnh xứng tầm là thành phố trực thuộc Trung ương.

Để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, hệ thống giao thông là mũi đột phá quan trọng nhất từ nay đến năm 2020. Thực hiện nhiệm vụ này, nhiều dự án đã, đang và sẽ triển khai như: đường Mỹ Phước - Tân Vạn, các tuyến đường Tân Uyên và Bến Cát; mở rộng quốc lộ 13, đường ĐT743 để kết nối trung tâm TP.Thủ Dầu Một, huyện Bắc Tân Uyên và TX.Tân Uyên với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; giải quyết những nút thắt ở khu vực Sóng Thần… Đây là những dự án quan trọng tạo lực kết nối đô thị trung tâm và các vùng phụ cận; kết nối Bình Dương với các tỉnh bạn và đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Long Thành; kết nối với cụm cảng biển Sài Gòn, cụm cảng nước sâu Thị Vải - Vũng Tàu và liên kết với các trung tâm đô thị trong vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Giải pháp của tỉnh là huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế tạo ra vốn đầu tư để thực hiện các công trình. Phương án này rất khả thi vì thời gian qua tỉnh đã thực hiện hiệu quả, góp phần đưa Bình Dương phát triển và đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội như hôm nay.

 

 TRỌNG MINH