Những dấu ấn đột phá - Kỳ 1

Thứ hai, ngày 29/12/2014

Kỳ 1: Giải pháp toàn diện để phát triển

(BDO)  Sau 18 năm tái lập tỉnh (1.1.1997 - 1.1.2015), Bình Dương hôm nay đã phát triển mạnh mẽ và xứng tầm là tỉnh công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để làm nên kỳ tích đó, Bình Dương đã phát huy hiệu quả những giải pháp làm nền tảng đột phá.

 

Sản xuất sản phẩm dược của doanh nghiệp Nhật Bản tại KCN Việt Nam - Singapore I (TX.Thuận An) Ảnh: T.BÌNH


 Hoàn thiện hạ tầng để phát triển

 Sau ngày đất nước thống nhất (tháng 4-1975) Bình Dương (tỉnh Sông Bé trước đây) bước vào công cuộc phát triển kinh tế với kết quả rất đáng tự hào. Đặc biệt là kể từ khi tái lập tỉnh, kế thừa và phát huy thành quả của tỉnh Sông Bé trước đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương quyết tâm vượt qua thách thức, huy động sức mạnh tổng hợp để tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới.

Để phát triển kinh tế, Bình Dương tập trung phát triển công nghiệp làm nền tảng đột phá. Giải pháp lâu bền cho chiến lược này là xây dựng các khu công nghiệp (KCN) tập trung làm đòn bẩy phát triển. Nhờ vậy, nếu như năm 1997 Bình Dương mới chỉ có 6 KCN tập trung nằm hầu hết ở phía nam của tỉnh với diện tích khiêm tốn 800 ha thì đến nay, toàn tỉnh đã có 29 KCN và 8 cụm công nghiệp tập trung với tổng diện tích hơn 10.000 ha được phân bố ở các huyện, thị, thành phố.

Có đi thực tế thì mới thấy hiệu quả mang lại từ những KCN thế nào. Tại các KCN như: KCN Việt Nam - Singapore I, KCN Đồng An 1, KCN Việt Hương… ở phía nam của tỉnh, nơi gần chiến khu Thuận An Hòa kiên cường ngày nào nay có hơn 600 doanh nghiệp với vốn đầu tư hơn 3,5 tỷ đô-la Mỹ. Tại Bến Cát, vùng đất trung dũng trong kháng chiến giờ là những KCN Mỹ Phước 1, 2, 3, 4 với hơn 400 dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ đô-la Mỹ. Dọc sông Sài Gòn như An Tây, An Điền thuộc TX.Bến Cát cũng khởi sắc với KCN Việt Hương 2, KCN An Tây nay đã thu hút gần 100 dự án với vốn đầu tư gần 1 tỷ đô-la Mỹ. Tại Bàu Bàng, vùng đất lửa ngày nào nay cũng đơm hoa với KCN Bàu Bàng đang thu hút đầu tư hiệu quả. Ngược về Tân Uyên, các KCN Đất Cuốc, Nam Tân Uyên cũng đạt kết quả tốt khi thu hút hơn 100 dự án với gần 500 triệu đô-la Mỹ vốn đầu tư…

Cùng xây dựng hạ tầng KCN, để tạo lực đưa công nghiệp phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, Bình Dương đã tập trung hoàn thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính một cửa liên thông và áp dụng những chính sách, biện pháp thông thoáng và linh hoạt trong việc mời gọi và thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung phát triển đô thị, đào tạo nghề, giao thông nhằm phục vụ cho công nghiệp; đồng thời tập trung chăm lo đời sống của người dân, công nhân tốt hơn nhằm từng bước ổn định cuộc sống, gắn bó lâu dài với Bình Dương… Nổi bật trong đó là nhiều dự án đã và đang hoàn thành nhằm tạo lực cho tỉnh phát triển như Thành phố mới Bình Dương, Bệnh viện Quốc tế, các khu đô thị kế cận các KCN, các tuyến đường giao thông nội tỉnh, đường tạo lực Mỹ Phước - Tân Vạn, nhiều khu nhà ở an sinh xã hội….

Chính nhờ hạ tầng các KCN của tỉnh tốt, được quy hoạch đồng bộ, kết hợp những yếu tố như sự thân thiện và năng động của lãnh đạo tỉnh, cùng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ đã góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư. Nhờ vậy đến nay, tại tỉnh đã có 17.428 doanh nghiệp trong nước với tổng số vốn đăng ký 131.557 tỷ đồng và 2.375 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đầu tư gần 20,4 tỷ đô-la Mỹ. Sự đầu tư lớn của doanh nghiệp trong và ngoài nước đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp cao và kéo theo tiềm năng lớn cho dịch vụ - thương mại và đô thị Bình Dương phát triển.

Những con số ấn tượng


Công nghiệp phát triển tác động mạnh đến các mặt đời sống kinh tế - xã hội rất rõ, nhất là ở những nơi có công nghiệp phát triển mạnh. Những KCN mọc lên đã đưa cuộc sống người dân nơi đây ấm no, khấm khá. Để hôm nay trên địa bàn tỉnh nào điện, nào đường, nào trường, nào trạm… bề thế và khang trang như một bức tranh toàn diện toát lên sức sống mãnh liệt của một tỉnh công nghiệp trên đường bứt phá.

+ Năm 1997:

Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 4.000 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3.042 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 363 triệu đô-la Mỹ; thu ngân sách 817 tỷ đồng; thu hút đầu tư trong và ngoài nước còn khá khiêm tốn…

+ Năm 2014:

Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 187.531 tỷ đồng, tăng gần 47 lần; tổng mức bán lẻ và doanh dịch vụ đạt 103.493 tỷ đồng, tăng 34 lần; kim ngạch xuất khẩu đạt 17,74 tỷ đô-la Mỹ, tăng gần 409 lần; thu ngân sách đạt 32.000 tỷ đồng, tăng hơn 39 lần so với năm 1997. Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo theo tỷ lệ công nghiệp 60,4% - dịch vụ 36,4% - nông nghiệp 3,2%.

Rõ nét nhất, tại Bàu Bàng, An Tây, Mỹ Phước, Đất Cuốc… như thay áo mới khi tác động của công nghiệp làm diện mạo kinh tế - xã hội địa phương thay đổi nhanh chóng với đường sá khang trang, hiện đại, nhà cửa xây mới ngày càng nhiều. Kinh  tế phát triển cũng làm thay đổi bộ mặt nông thôn và thúc đẩy quá trình đô thị hóa, đem lại cuộc sống sung túc cho người dân. Nhờ đó mà thu nhập đầu người của Bình Dương luôn cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Đến cuối năm 2014 thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đã đạt 61,2 triệu đồng; tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia…

Có thể nói, phát huy tính năng động, sáng tạo trong giải pháp thực hiện đã đưa kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao và ổn định với nhiều chỉ tiêu gấp hàng chục lần so với ngày tái lập tỉnh. Cụ thể, nếu như năm 1997 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh mới đạt 4.000 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3.042 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 363 triệu đô-la Mỹ, thu ngân sách 817 tỷ đồng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước còn khiêm tốn… thì sau 18 năm, Bình Dương đã phát triển vượt bậc. Đến cuối năm 2014 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 187.531 tỷ đồng, tăng gần 47 lần; tổng mức bán lẻ và doanh dịch vụ đạt 103.493 tỷ đồng, tăng 34 lần; kim ngạch xuất khẩu đạt 17,74 tỷ đô-la Mỹ, tăng gần 409 lần; thu ngân sách đạt 32.000 tỷ đồng, tăng hơn 39 lần so với năm 1997. Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo theo tỷ lệ công nghiệp 60,4% - dịch vụ 36,4% - nông nghiệp 3,2%.

Nguyên nhân làm nên sự thành công trong phát triển kinh tế của tỉnh chính là sự đồng thuận giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong việc thực hiện mục tiêu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; sự nỗ lực to lớn của chính quyền địa phương trong việc phát huy tối đa các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để đưa kinh tế Bình Dương phát triển. Đây là sức mạnh tạo nên thành quả như hôm nay và là niềm tin vững bền để Bình Dương hướng tới viết tiếp những chiến công.

 Kỳ 2: Phát huy nội lực, thu hút ngoại lực

 TRỌNG MINH