Những dấu ấn đột phá- Kỳ 2

Thứ ba, ngày 30/12/2014

(BDO) Kỳ 2: Phát huy nội lực, thu hút ngoại lực  

Với việc tập trung xây dựng các khu công nghiệp làm đòn bẩy và đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH), Bình Dương đã thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước rất hiệu quả. Đây chính là nguồn vốn quan trọng thúc đẩy kinh tế Bình Dương tăng trưởng cao.

Dây chuyền sản xuất giấy carton hiện đại của Công ty Tomoku Việt Nam, vốn Nhật Bản tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (TX.Bến Cát)

Phát huy nội lực

Với giải pháp tập trung phát triển hạ tầng các khu công nghiệp cũng như xây dựng hoàn thiện hạ tầng KT-XH, Bình Dương đã tạo ra sự hấp dẫn cho các thành phần kinh tế đến đầu tư vào tỉnh. Đối với nguồn vốn của doanh nghiệp (DN) trong nước, nếu như năm 1997 toàn tỉnh chỉ có 716 DN với vốn đăng ký 1.043 tỷ đồng thì đến nay, toàn tỉnh đã có 17.428 DN đăng ký kinh doanh với tổng số vốn 131.557 tỷ đồng, tăng hơn 24,3 lần về số lượng DN và tăng hơn 126 lần về vốn đầu tư. Nổi bật trong đó là ngày càng có nhiều DN đầu tư lớn vào sản xuất hàng hóa góp phần nâng tầm cạnh tranh cho khối DN trong nước như: Tôn Hoa Sen, Đại Thiên Lộc, Đông Á; bánh kẹo Kinh Đô; giày Thái Bình; sứ Minh Long…

Trong nhiều năm liên tục từ 1997 đến nay, thu hút vốn FDI vào tỉnh luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Chỉ tính riêng năm 2014, Bình Dương đã thu hút gần 1,66 tỷ đô la Mỹ vốn FDI, vượt gần 66% so kế hoạch năm đề ra. Kết quả này nâng vốn FDI tại tỉnh hiện nay lên 2.375 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 20,4 tỷ đô la Mỹ. Thu hút vốn FDI tại tỉnh hiện nay đang có xu hướng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh lớn như sản xuất chip điện tử, phụ kiện máy tính, camera, phụ tùng ô tô, dược phẩm, sản phẩm tiêu dùng cao cấp… Điều này rất hợp với chủ trương phát triển công nghiệp bền vững mà Bình Dương đã đặt ra.

 

Ấn tượng về đầu tư lớn từ vốn DN trong nước tại tỉnh có Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina). Trong năm 2014 Casumina đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất lốp xe tải toàn thép Casumina radial với tổng vốn đầu tư 3.380 tỷ đồng (tương đương 160 triệu đô la Mỹ) tại TX.Tân Uyên. Việc đưa vào hoạt động nhà máy lốp ô tô radial toàn thép này đã tạo ra bước phát triển mới trong lĩnh vực sản xuất lốp ô tô, tạo đột phá đi đầu trong việc thay thế và chuyển đổi từ công nghệ sản xuất lốp xe mành nilon lạc hậu sang công nghệ mành thép hiện đại để góp phần đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và giảm phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu. Trước đó, năm 2013 Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đưa 2 nhà máy với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu đô la Mỹ vào hoạt động tại tỉnh. Đây là những nhà máy sữa hiện đại nhất châu Á, giúp người tiêu dùng trong nước được sử dụng những sản phẩm sữa có chất lượng tốt sản xuất trên dây chuyền khép kín nhưng giá cả hết sức cạnh tranh; đồng thời xuất khẩu những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam ra nước ngoài.

Nếu như Vinamilk đầu tư vào Bình Dương góp phần nâng cao vị thế của ngành công nghiệp sữa Việt Nam, Casumina đầu tư vào tỉnh góp phần giảm nhập khẩu lốp ô tô thì nhiều DN khác đầu tư vào tỉnh góp phần nâng tầm và khẳng định thương hiệu Việt ở nhiều lĩnh vực khác. Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam đóng góp quan trọng cho ngành dệt may thông qua việc cung cấp nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu; Giày Thái Bình đầu tư công nghiệp phụ trợ để chủ động xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu… Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk cho rằng, đây là niềm tự hào của người Việt Nam đã xây dựng được những nhà máy hiện đại, xứng tầm thế giới để từ đây sản phẩm của Việt Nam vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa hiện diện và khẳng định chất lượng hàng Việt tại các nước trên thế giới.

Tranh thủ ngoại lực

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng khi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tác động mạnh và hiệu quả đến nền kinh tế. Với 20,4 tỷ đô la Mỹ của DN đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, Bình Dương đã thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, trở thành 1 trong 5 địa phương của cả nước vượt mốc 20 tỷ đô la Mỹ vốn FDI gồm: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Đồng Nai và Bình Dương.

Theo UBND tỉnh, vốn FDI vào tỉnh tiếp tục tăng mạnh là tín hiệu tích cực bởi lẽ, thành phần kinh tế này rất quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh, góp phần tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn, kim ngạch xuất khẩu cao. Chỉ ra vấn đề này, UBND tỉnh cho biết chỉ tính riêng trong năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực kinh tế có vốn FDI đã đạt 139.068 tỷ đồng, chiếm 69,4% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh; về xuất khẩu, nguồn vốn FDI chiếm đến 82% tổng kim ngạch xuất khẩu 17,74 tỷ đô la Mỹ. Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI cũng đóng góp rất lớn vào ngân sách.

Dưới góc nhìn của các nhà đầu tư, Bình Dương luôn là nơi lý tưởng để ưu tiên chọn lựa đầu tư. Chính vì vậy, ông Pittas Konstantinos, Giám đốc vùng Công ty TNHH Dược phẩm Medochemie (Cộng hòa Síp) cho biết, Bình Dương có môi trường đầu tư rất tốt với cơ sở hạ tầng hiện đại, nhất là các KCN hoàn chỉnh và thuận lợi về kết nối giao thông, về nguồn nhân lực; cùng với đó là sự trọng thị của chính quyền với thủ tục hành chính nhanh gọn, luôn đồng hành và tạo nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư. Đầu tư xây nhà máy 120 triệu đô la Mỹ trong năm 2014, ông Marcus IP, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Nam Phương Textile cho biết, lý do mà DN chọn đầu tư tại Bình Dương là qua khảo sát, DN thấy tỉnh có đầy đủ yếu tố mà nhà đầu tư cần. Cùng quan điểm này, ông Xie Zu Hong, Giám đốc Công ty TNHH Zhui Rui Việt Nam, nhà đầu tư đến từ Hồng Kông đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho ngành giày da cho biết, ông vẫn tin tưởng về môi trường đầu tư của Bình Dương với những chính sách thông thoáng trong thu hút đầu tư của tỉnh này.

Với thành quả phát triển kinh tế như hôm nay, Bình Dương luôn đánh giá cao và trọng thị vai trò của DN trong và ngoài nước. Để phục vụ và đồng hành với các nhà đầu tư, hiện tỉnh đã và đang triển khai những nhiệm vụ trọng tâm như: Tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn, nhất là lĩnh vực cơ sở hạ tầng; phát triển mạnh các dự án dịch vụ đô thị, nhà ở; cải cách thủ tục hành chính một cửa liên thông hiện đại, tinh gọn phục vụ cho nhà đầu tư và người dân tốt hơn; chăm lo chu đáo đời sống của người dân và công nhân lao động; giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội bảo đảm cho sự ổn định phát triển bền vững. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành của tỉnh luôn lắng nghe những góp ý chân thành, trách nhiệm của các nhà đầu tư để từ đó có những giải pháp phù hợp nhằm tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng.

Kỳ cuối: Nền tảng cho thành phố Bình Dương tương lai

TRỌNG MINH

Từ khóa: