HĐND tỉnh - Cơ quan quyền lực: Nhà nước ở địa phương- Bài 8

Thứ năm, ngày 05/05/2016

Bài 8: Bà Lê Thị Nam: Người đại biểu phải biết lắng nghe dân nói

(BDO) Bà Lê Thị Nam, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương (nay là trường Đại học Thủ Dầu Một), nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh là đại biểu HĐND tỉnh khóa VI, nhiệm kỳ 1999-2004. Theo bà Nam, để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh, từng đại biểu phải luôn làm tròn trách nhiệm đại diện cho nhân dân. Muốn vậy, từng đại biểu phải biết lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của dân và đề xuất các ngành chức năng, các cấp có thẩm quyền giải quyết.

Bà Lê Thị Nam vẫn luôn quan tâm, theo dõi các hoạt động của HĐND tỉnh và cho rằng để các hoạt động của HĐND tỉnh hiệu quả, các đại biểu phải làm tốt vai trò đại diện nhân dân. Ảnh: T.THẢO

Làm tròn trách nhiệm của người đại biểu nhân dân nên bà Lê Thị Nam được cử tri trong tỉnh bầu làm đại biểu HĐND tỉnh khóa VI, nhiệm kỳ 1999-2004 và sau đó tiếp tục được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XI nhiệm kỳ 2002-2007. Bà Lê Thị Nam cho rằng: “Khi trúng cử đại biểu HĐND tỉnh, tôi ý thức được trách nhiệm của một người đại biểu nhân dân là rất nặng nề, nên luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm. Tôi tích cực đi tiếp xúc cử tri để lắng nghe dân nói. Giai đoạn nào cũng vậy, dân có nhiều ý kiến trăn trở thì người đại biểu phải biết lắng nghe, thu thập thông tin. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của tỉnh thì tập hợp lại đề nghị các ngành liên quan xem xét giải quyết. Những vấn đề lớn, vĩ mô thì tập hợp lại để trình Quốc hội. Qua những buổi tiếp xúc cử tri, tôi đã nắm bắt được tình hình tại địa phương để đề xuất tại các kỳ họp”. Theo bà Lê Thị Nam, vừa là người đại biểu HĐND tỉnh vừa là ĐBQH nên thời gian tiếp xúc cử tri rất nhiều nhưng đây là những kênh thông tin hữu ích; đồng thời cũng tạo điều kiện để bà thể hiện tốt hơn trách nhiệm trước cử tri, lắng nghe và đồng cảm với cử tri.

Bà Lê Thị Nam cho biết vốn đi lên từ ngành giáo dục nên mỗi lần đi tiếp xúc, cử tri phản ánh các vấn đề về giáo dục như tình trạng dạy thêm, học thêm, chương trình quá tải..., bà đã đề xuất nhiều giải pháp, góp phần hạn chế tình trạng này. Đặc biệt, giai đoạn này ngành giáo dục có chủ trương phân luồng học sinh THCS, tâm trạng của những người làm cha, làm mẹ rất lo lắng trước chủ trương này. Bởi xưa nay, họ đều muốn con mình vào đại học bằng bất cứ giá nào. Vì vậy, trong những buổi tiếp xúc cử tri rất nhiều người phản ánh, với nhiều ý kiến trái chiều. Để người dân hiểu và đồng thuận, bà Lê Thị Nam nghiên cứu, đồng thời tìm cách giải thích hợp tình cho dân hiểu. Mưa dầm thấm lâu, sau nhiều lần lắng nghe, giải thích, dân cũng rõ, đồng tình với chủ trương của ngành. Song song đó, với vai trò của đại biểu HĐND tỉnh, trên cương vị là Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo, bà đã tham mưu cho HĐND tỉnh, UBND tỉnh nhiều chính sách phù hợp với việc phân luồng. Cụ thể là xây dựng một kế hoạch phân luồng học sinh sau THCS, THPT để các em có định hướng nghề nghiệp đúng đắn, sau này ra trường có việc làm phù hợp. Theo đó, Sở Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), cao đẳng, đại học và các cơ sở giáo dục khác được giao nhiệm vụ đào tạo TCCN phối hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) cấp huyện, cấp tỉnh tổ chức tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS để đào tạo TCCN, đồng thời dạy văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo và chuẩn đầu ra nhằm thực hiện hiệu quả giải pháp phân luồng học sinh sau THCS; hướng dẫn cơ sở đào tạo TCCN và TTGDTX phối hợp tổ chức đồng thời việc dạy văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT với đào tạo TCCN cho người học có bằng tốt nghiệp THCS (theo nhu cầu người học) nhằm tạo điều kiện cho người học vừa hoàn thành chương trình GDTX cấp THPT và chương trình đào tạo TCCN. Để làm được điều này, phải có chủ trương, chính sách phù hợp và phải đầu tư xây dựng trường, lớp phù hợp để đáp ứng yêu cầu. Trong giai đoạn này, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển mạnh nên nhu cầu về trường lớp, các điểm vui chơi để đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần của người dân cũng được nâng cao. Vì vậy, cử tri cũng quan tâm, đề xuất xây dựng trường lớp, trung tâm văn hóa cấp xã để tạo sân chơi cho thanh thiếu niên, nhất là các xã vùng xa.

Theo bà Lê Thị Nam, qua mỗi nhiệm kỳ, hoạt động của HĐND tỉnh càng có hiệu quả, nhất là công tác giám sát. Qua theo dõi hoạt động của HĐND tỉnh cho thấy, hoạt động giám sát từng bước đổi mới, đi vào thực chất đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương. Việc giám sát thông qua chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đã có nhiều cải tiến về nội dung, cách thức điều hành và thời gian dành cho các hoạt động chất vấn. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đề cập đến nhiều vấn đề cụ thể, quan trọng được cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm của địa phương như việc thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; công tác phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, xây dựng; tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường; đấu thầu, xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh; xử lý các điểm ngập nước cục bộ; tình hình quản lý, khai thác khoáng sản; xây dựng nông thôn mới... Giám sát hiệu quả chính là cơ sở cho việc thực hiện thẩm tra và đi đến quyết định các vấn đề một cách chính xác, bảo đảm các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành có chiều sâu, sát thực tiễn, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri và bảo đảm tính khả thi.

Hướng về cuộc bầu cử HĐND tỉnh nhiệm kỳ mới, bà Lê Thị Nam mong muốn các đại biểu trúng cử phải làm hết sức mình để đáp ứng được lòng mong mỏi của cử tri; đem tiếng nói của cử tri đến với diễn đàn của HĐND để góp phần xây dựng nghị quyết phù hợp với tình hình thực tế. (còn tiếp)

 

THU THẢO

Từ khóa: