HĐND tỉnh - Cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương - Bài 4

Thứ năm, ngày 28/04/2016

Bài 4: Ông Hồ Minh Phương: HĐND tỉnh - chỗ dựa vững chắc cho công tác điều hành

(BDO)  Ông Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh là đại biểu HĐND tỉnh từ khóa II, nhiệm kỳ 1981-1985 cho đến khi về hưu vào năm 2004. Ông đã gắn bó và chứng kiến sự phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh qua từng thời kỳ. Ông cho rằng, khi HĐND làm tốt chức năng giám sát, chất vấn thì đây chính là chỗ dựa vững chắc cho UBND trong công tác điều hành.

 Ông Hồ Minh Phương mong muốn nhiệm kỳ mới, HĐND các cấp cần tiếp tục nâng cao chất lượng trong mọi hoạt động.Ảnh: T.THẢO

Ông Hồ Minh Phương được bầu làm đại biểu HĐND tỉnh từ khóa II, nhiệm kỳ 1981-1985 khi đang là Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé. Ông kể, thời gian đó, tỉnh Sông Bé còn rất khó khăn. Hậu quả của chiến tranh để lại nặng nề, sản xuất kém phát triển cùng chính sách bao cấp cũ nên lúa gạo, lương thực cho nhân dân không đủ. Lúc này, 80% nhân dân trong tỉnh sản xuất nông nghiệp nhưng tình trạng thiếu đói diễn ra triền miên. Nhân dân phải đem gốm sứ, gỗ về miền Tây đổi lấy lương thực.

Ông Hồ Minh Phương chia sẻ, bước sang khóa II, bộ máy HĐND tỉnh đã hoạt động hiệu quả hơn, chế độ sinh hoạt được giữ vững, đúng kỳ, thông qua nhiều chính sách quan trọng về kinh tế - xã hội. Đồng thời lúc này, HĐND tỉnh cũng thành lập được 5 ban. HĐND tỉnh đã phát huy được chức năng và nhiệm vụ của HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, do nhân dân bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cấp trên. Căn cứ vào pháp luật, chính sách của Nhà nước và nhiệm vụ, quyền hạn, HĐND tỉnh đã quyết định và bảo đảm thực hiện các chủ trương, biện pháp phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng về các mặt chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh, góp phần cải thiện từng bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và làm nghĩa vụ của địa phương đối với Nhà nước. Nhưng phải nhìn nhận do kinh tế khó khăn, hoạt động của HĐND giai đoạn này còn bộc lộ những hạn chế. Các ban của HĐND tỉnh tuy được chấn chỉnh và thành lập thêm một số ban mới nhưng do còn mới và chưa có kinh nghiệm hoạt động nên chưa làm tốt và chưa làm đúng chức năng của ban. Công tác dân nguyện, khiếu nại, tố cáo của nhân dân khi tiếp xúc với cử tri chưa được quan tâm giải quyết đúng mức. Chế độ tiếp xúc với cử tri để báo cáo sự hoạt động của đại biểu HĐND và các kỳ họp của HĐND trước cử tri và việc thu thập, lắng nghe ý kiến của quần chúng chưa được thực hiện nghiêm... Mọi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh chủ yếu do UBND thực hiện.

Tuy nhiên, theo ông Phương, càng về sau vai trò của HĐND ngày càng rõ nét, nâng cao chất lượng hoạt động. Thể hiện rõ nhất là trong công tác giám sát và chất vấn. Và qua mỗi khóa hoạt động, hoạt động giám sát ngày càng đi vào chiều sâu, các hình thức, phương pháp và nội dung giám sát phong phú hơn; thời gian, cách thức tổ chức luôn được nghiên cứu đổi mới cho phù hợp, hiệu quả. Ông Hồ Minh Phương cho biết, khi HĐND làm tốt chức năng giám sát thì đó chính là chỗ dựa vững chắc cho UBND trong công tác điều hành. Bởi không ai khác, HĐND chính là “người thổi còi” khi UBND thực hiện không đúng, giúp UBND có những điều chỉnh kịp thời trong điều hành.

Ông Hồ Minh Phương nhớ lại, bắt đầu từ khóa III, nhiệm kỳ 1985-1989, theo tinh thần đổi mới và trước yêu cầu thực tế, HĐND tỉnh Sông Bé đã có sự chuyển biến trong hoạt động theo hướng mở rộng dân chủ, chất lượng, hiệu quả, xây dựng các nghị quyết sát với tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đặc biệt, từ cuối năm 1987, Nhà nước ban hành quy chế chính thức về tổ chức và hoạt động của HĐND, các kỳ họp của HĐND tỉnh Sông Bé khóa III đã có chuyển biến theo hướng đổi mới, phát huy dân chủ, coi trọng chất lượng. Để đáp ứng được yêu cầu trên, các cuộc họp đã được chuẩn bị chu đáo hơn. Các ban của HĐND theo chức năng của mình đi kiểm tra, khảo sát thực tế, nắm vững thực chất tình hình để việc thuyết trình, phát biểu tại các kỳ họp sát với thực tế hơn. Từ đây, với tinh thần đổi mới, dân chủ được phát huy, tinh thần thảo luận đã cởi mở hơn, thẳng thắn, tôn trọng sự thật. Những ý kiến phát biểu trong phần thảo luận đã thiết thực, cụ thể, phản ánh được thực chất tình hình mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.

Từ những đổi mới trên, việc xây dựng những nghị quyết của HĐND tỉnh Sông Bé khóa III đã khắc phục được tình trạng chung chung, hình thức. Nội dung của các nghị quyết không chỉ là những chủ trương và hướng phát triển cho kế hoạch cả năm mà còn hướng vào giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh trên mọi lĩnh vực. Chính vì vậy, những nghị quyết của HĐND tỉnh Sông Bé khóa III được các cấp, các ngành quan tâm hơn vì tính thiết thực, giải quyết được những vấn đề trong thực tế cuộc sống. Riêng các đại biểu HĐND, cũng trên tinh thần đổi mới và phát huy dân chủ, đã nâng cao trách nhiệm trước nhân dân, tích cực tham gia hoạt động của HĐND, quan tâm đến việc tiếp dân, tiếp xúc cử tri, hiểu biết sâu hơn tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tham gia đầy đủ các kỳ họp, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng nghị quyết của HĐND thiết thực, cụ thể hơn. Từ đó, các đại biểu HĐND tỉnh Sông Bé khóa III đã nhận được sự tín nhiệm cao của cử tri, nhân dân.

Bước sang khóa IV, nhiệm kỳ 1989-1994, việc phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần đổi mới để tiếp tục đưa địa phương phát triển đi lên của HĐND tỉnh ngày càng rõ nét. Đặc biệt HĐND tỉnh khóa V, nhiệm kỳ 1994-1999, được coi là bước ngoặt lịch sử, thể hiện rõ sự trưởng thành đi lên của tỉnh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đây, Bình Dương có nhiều điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thay da đổi thịt. Theo đó, Nghị quyết của HĐND tỉnh khóa V xác định, sẽ xây dựng tỉnh Bình Dương thành tỉnh công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Ông Hồ Minh Phương cho biết: “Song hành với quá trình phát triển nhiều vấn đề thực tiễn cũng như ý kiến, kiến nghị của cử tri đặt ra. Vì vậy, hơn lúc nào hết, vai trò của HĐND tỉnh càng được thể hiện rõ, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân”.

Kỳ vọng về nhiệm kỳ mới, ông Hồ Minh Phương mong muốn HĐND các cấp trong tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là trong công tác giám sát, chất vấn để HĐND luôn là chỗ dựa vững chắc của UBND các cấp trong công tác điều hành, quản lý. (Còn tiếp)

Ông Hồ Minh Phương nhớ lại, bắt đầu từ khóa III, nhiệm kỳ 1985-1989, theo tinh thần đổi mới và trước yêu cầu thực tế, HĐND tỉnh Sông Bé đã có sự chuyển biến trong hoạt động theo hướng mở rộng dân chủ, chất lượng, hiệu quả, xây dựng các nghị quyết sát với tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đặc biệt, từ cuối năm 1987, Nhà nước ban hành quy chế chính thức về tổ chức và hoạt động của HĐND, các kỳ họp của HĐND tỉnh Sông Bé khóa III đã có chuyển biến theo hướng đổi mới, phát huy dân chủ, coi trọng chất lượng. Để đáp ứng được yêu cầu trên, các cuộc họp đã được chuẩn bị chu đáo hơn.

 THU THẢO