HĐND tỉnh - Cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương- Bài 5
Bài 5: Ông Nguyễn Hoàng Sơn: Tin tưởng vào nhiệm kỳ mới
(BDO) Ông Nguyễn Hoàng Sơn kỳ vọng vào sự thành công trong hoạt động của HĐND tỉnh khóa mới. Ảnh: C.SƠN
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh tham gia HĐND tỉnh từ khóa IV, nhiệm kỳ 1989-1994 cho đến khi về hưu vào năm 2011. Là đại biểu HĐND tỉnh trong giai đoạn HĐND tỉnh hoạt động theo quy chế chính thức về tổ chức và hoạt động của HĐND mà Nhà nước ban hành nên ông đã chứng kiến và chung tay thực hiện các đổi mới hoạt động của HĐND. Ông Sơn cho rằng, HĐND muốn hoạt động hiệu quả, người đại biểu HĐND phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý để xây dựng được các nghị quyết có chất lượng, sát thực tiễn và mang tính chiến lược lâu dài.
“Lấy dân làm gốc”
Ông Nguyễn Hoàng Sơn tham gia HĐND trong giai đoạn cùng với cả nước, tỉnh Sông Bé - Bình Dương đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Trước yêu cầu mới từ tình hình thực tiễn, hoạt động của HĐND tỉnh Sông Bé giai đoạn này cũng được đổi mới mạnh mẽ với việc thành lập Thường trực HĐND, Thư ký HĐND. HĐND tỉnh Sông Bé khóa IV đi vào hoạt động trong điều kiện cả nước tiếp tục phát huy những kết quả ban đầu của quá trình đổi mới. Riêng với Sông Bé, yêu cầu cải thiện đời sống của nhân dân ngày càng cao trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi HĐND tỉnh Sông Bé phải tiếp tục thực hiện công khai hóa, dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng được những nghị quyết thiết thực, cụ thể thúc đẩy nhanh công cuộc đổi mới tại địa phương.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn nhớ lại, Sông Bé thực hiện công cuộc đổi mới trong bối cảnh các huyện phía bắc là các vùng núi, vùng đồng bào dân tộc còn rất nhiều khó khăn, trong khi các địa phương phía nam có điều kiện phát triển tương đối tốt hơn. Thực hiện theo tinh thần đổi mới mạnh mẽ, xem xét tình hình thực tế của địa phương, HĐND tỉnh Sông Bé khóa IV đã tập trung xây dựng các nghị quyết chăm lo đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở các khu vực này, cùng với đó là chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số mà trong đó, việc giải quyết cái đói trong mùa giáp hạt cho đồng bào các dân tộc tại đây được chú trọng thực hiện.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn chia sẻ: “Để thực hiện việc đổi mới trong hoạt động đòi hỏi người đại biểu HĐND tỉnh trong giai đoạn này phải có sự đổi mới về nhận thức và trách nhiệm; thấm nhuần một cách sâu sắc quan điểm “lấy dân làm gốc”, phải thật sự dân chủ, sâu sát với nhân dân, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân; mở rộng việc tiếp dân, nhanh chóng giải quyết đơn thư khiếu nại của nhân dân, làm tốt chức năng giám sát. Qua thực tế cho thấy, các đại biểu HĐND trong giai đoạn này đã kịp thời nắm bắt các tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; đã đổi mới cách nghĩ, cách làm một cách sâu sắc và toàn diện để thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan quyền lực thực sự của dân, do dân”.
Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, nhờ tập trung thực hiện phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần đổi mới của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, bước đầu tỉnh Sông Bé đã có nhiều chuyển biến quan trọng trên một số lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tỉnh đã từng bước đổi mới cơ chế, chuyển các hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh, giải phóng năng lực sản xuất, chuyển đổi cơ chế, sửa đổi một số chính sách, giao quyền chủ động cho cơ sở, mở rộng dân chủ công khai. Những kết quả trên đã chứng minh cho việc những nghị quyết của HĐND tỉnh Sông Bé trong giai đoạn này đã mang tính thiết thực cao, đáp ứng được những đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống. Cùng với đó, việc đổi mới trong hoạt động của HĐND giai đoạn này đã phát huy hiệu quả, tạo đà thuận lợi cho hoạt động của HĐND các khóa sau.
Không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động
Ông Nguyễn Hoàng Sơn nhớ lại, bước sang nhiệm kỳ mới 1994-1999, một trong những sự kiện quan trọng của tỉnh Sông Bé là việc tách thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Từ đây, Bình Dương có thêm điều kiện tập trung ngân sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương phía nam. Tiếp tục thực hiện tinh thần đổi mới, HĐND tỉnh Bình Dương khóa V đã tập trung thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy nhiệm kỳ 1996-2000 theo hướng mạnh dạn cải cách thủ tục hành chính và kêu gọi đầu tư; phát triển công nghiệp và dịch vụ; được chính quyền, tổ chức đoàn thể và nhân dân tích cực tham gia. Cũng trong giai đoạn này, tỉnh đã kêu gọi được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là với quốc lộ 13, tỉnh đã chủ động thực hiện đầu tư theo hình thức BOT nhằm bảo đảm cho sự phát triển của địa phương. Vì vậy, từ địa phương nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế, Bình Dương chuyển dần thành địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp và dịch vụ nhanh với sự xuất hiện của các khu công nghiệp, thu hút được nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến đầu tư cả trong và ngoài khu công nghiệp. Thu ngân sách bảo đảm cho nhu cầu chi của tỉnh và nộp về Trung ương. Ông Nguyễn Hoàng Sơn cho rằng, đây chính là giai đoạn phát triển quan trọng, rất suôn sẻ để tạo ra thế và lực cho Bình Dương phát triển về sau.
Nói về hoạt động nổi bật của HĐND nhiệm kỳ 1999- 2004, ông Nguyễn Hoàng Sơn cho hay, chính quyền tỉnh giai đoạn này đẩy nhanh thực hiện công tác quy hoạch và trên cơ sở quy hoạch đó để xây dựng phát triển tỉnh giai đoạn 2000- 2020 để đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; quy hoạch phát triển các khu công nghiệp. Từ đó, HĐND tỉnh giai đoạn này đã nghiên cứu, xem xét, có những nghị quyết đúng đắn sát với thực tiễn, bảo đảm phù hợp theo tiến trình phát triển của địa phương. Đồng thời nhiệm kỳ 1999-2004 cũng là giai đoạn HĐND tỉnh phải thực hiện nhiệm vụ năm cuối kế hoạch 5 năm 1996-2000 của tỉnh; là nhiệm kỳ phải thực hiện nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 2001- 2005. Để bảo đảm cho yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài, HĐND tỉnh giai đoạn này đã chú trọng xây dựng các nghị quyết tập trung vào việc thực hiện quy hoạch, phát triển công nghiệp, dịch vụ, kêu gọi đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở, nhất là hệ thống giao thông. HĐND tỉnh cũng đã bắt đầu nâng cao chất lượng hoạt động hơn theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban cũng như hoạt động chất vấn. Càng về sau, chất lượng hoạt động của Thường trực, các ban và đại biểu HĐND cũng như chất lượng các kỳ họp đã được nâng lên rõ rệt. Công tác xem xét, giới thiệu những người ứng cử đại biểu HĐND cũng theo hướng chọn những người đủ đức, đủ tài; cử tri đã quan tâm nhiều hơn đến hoạt động của HĐND.
Hướng về nhiệm kỳ HĐND khóa mới, ông Nguyễn Hoàng Sơn chia sẻ: “Qua theo dõi danh sách đại biểu tham gia ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, tôi thấy đây là những người đủ đức, đủ tài. Tôi tin tưởng rằng, nhiệm kỳ sắp tới mặc dù tình hình trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn nhưng chắc chắn hoạt động của HĐND tỉnh sẽ được nâng lên, sáng suốt đề ra những nghị quyết, quyết định giúp cho chính quyền điều hành thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; tiếp tục thực hiện thu hút đầu tư, đưa địa phương phát triển. Tôi mong muốn các vị đại biểu HĐND tỉnh khóa mới cần phải tập trung nâng cao tinh thần trách nhiệm, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân, cử tri, đóng góp nhiều ý kiến tích cực, chất lượng để bàn và quyết định đúng đắn những vấn đề của địa phương; tạo lòng tin nơi nhân dân và cử tri để từ đó cùng chung sức phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu phát triển của tỉnh nhà”. (còn tiếp)
CAO SƠN