“Hạt giống cách mạng” nẩy mầm, sinh sôi - Bài 7
(BDO) Bài 7: Đi lên từ gian khó
Sự vận dụng sáng tạo những chủ trương của Đảng vào thực tiễn tình hình địa phương của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sông Bé cũ, sự năng động, sáng tạo nhiệt tình cách mạng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cộng với tinh thần hăng say lao động của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã giúp khắc phục các khó khăn, thực hiện thành công nhiệm vụ cách mạng sau thời điểm đất nước vừa thống nhất.
Sau 30 năm chiến tranh, hành trang của tỉnh Sông Bé đi trên “con đường mới” là ngân khố trỗng rỗng, cơ sở vật chất bị tàn phá nặng nề do chiến tranh. Bom đạn, chất độc hóa học… đã biến phần lớn diện tích đất đai nông nghiệp của Sông Bé thành “vùng đất trắng”. Tình cảnh này đã khiến hàng chục ngàn gia đình nông dân lúc này không có ruộng đất, thất nghiệp, thiếu đói, cuộc sống người dân gặp vô vàn khó khăn. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch vẫn tìm cách chống phá, các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan có cơ hội nổi dậy hoạt động. Bộ máy hành chính các cấp đã hình thành nhưng hoạt động còn nhiều hạn chế do thiếu hụt lực lượng cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn. Điều này đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền tỉnh phải tập trung giải quyết một cách quyết liệt.
Một góc TP.Thủ Dầu Một hôm nay. Ảnh: Q.CHIẾN
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man. Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn” và thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sông Bé đã tích cực thực hiện các quyết sách nhằm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chiến lược, khắc phục hậu quả chiến tranh, củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ thành quả cách mạng, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống mới của người dân.
Niềm vui hòa bình, thống nhất đã thúc giục người dân Sông Bé ra sức khôi phục và xây dựng quê hương giàu đẹp hơn. Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước; tích cực động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia khôi phục và phát triển sản xuất. Để thực hiện mục tiêu đề ra, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ I, II, III đã đề ra các phương hướng nhiệm vụ cơ bản là: Tập trung phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh lâm nghiệp, phát triển sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nhằm giải quyết vững chắc nhu cầu lương thực trong tỉnh, đóng góp một phần cho cả nước; đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất cho các ngành kinh tế trong tỉnh, tận dụng và phát huy năng lực của cơ sở sẵn có; hoàn thành cơ bản cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, công thương nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tư bản tư nhân ở địa phương, củng cố quan hệ sản xuất mới; tích cực chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Phát huy những lợi thế về tài nguyên đa dạng, đất đai phì nhiêu cùng với sự lãnh đạo năng động, sáng tạo của Đảng bộ, đức tính chịu thương, chịu khó của con người Sông Bé, “màu xanh” đã dần trở lại trên các “vùng đất trắng” trước đây. Trên cơ sở những định hướng đúng đắn, từ cuối năm 1975, đầu năm 1976 trở đi, cùng với công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, phong trào khai hoang, phục hóa, thâm canh, tăng vụ và xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp đã được đẩy mạnh. Chỉ sau một thời gian ngắn, diện tích gieo trồng của tỉnh tăng lên nhanh chóng, cùng với đó phong trào thủy lợi nội đồng được đẩy mạnh, phục vụ cho nhu cầu tưới tiêu. Đến năm 1985, toàn tỉnh đã đạt diện tích gieo trồng trên 180.250 ha, tăng 124.507 ha so với năm 1976; ngoài ra còn khai hoang phục hóa thêm được 2.100 ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp do đó tăng nhanh, năm 1985 đạt 420 tấn, năng suất lúa ruộng đạt 1,9 tấn, sản lượng cây công ngiệp ngắn ngày đạt 171,4 tấn, sản lượng cây công nghiệp lâu năm đạt 1,8 tấn. Năng suất lúa ruộng tăng, đẩy nhanh sự tăng trưởng của giá trị sản xuất nông nghiệp, lương thực bình quân nhân khẩu tăng từ 200 - 300kg. Số lượng gia súc gia cầm tăng lên một cách đáng kể, vấn nạn thiếu đói đã được giải quyết.
Ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từng bước được phục hồi và dần chứng minh là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Việc sắp xếp, cơ cấu lại các cơ sở sản xuất đã góp phần hiệu quả vào tăng năng suất lao động. Đến năm 1985, giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh đã đạt 151 triệu đồng. Ngành công nghiệp tỉnh đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, năng động sáng tạo trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương, mở rộng liên kết, duy trì và phát triển sản xuất giải quyết việc làm và đời sống của người lao động. Các mô hình hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tín dụng đã phát huy hiệu quả. Hệ thống dịch vụ giao thông vận tải và điện tiếp tục được hình thành mới để phục vụ cho yêu cầu sản xuất. Đây là tiền đề quan trọng để Sông Bé tiếp tục có những bước tiến dài trong thời gian tiếp theo
Sau ngày giải phóng đất nước, đời sống của nhân dân Sông Bé còn nhiều khó khăn, một bộ phận quần chúng còn có tư tưởng diễn biến phức tạp do hậu quả chiến tranh để lại. Để nâng cao đời sống nhân dân, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện đầu tư cho công tác văn hóa, giáo dục, y tế. Các tổ chức đoàn thể đã vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, sinh hoạt văn hóa lành mạnh, xóa bỏ những tàn tích văn hóa đồi trụy của Mỹ - Ngụy. Mạng lưới vệ sinh phòng dịch, chữa bệnh trong nhân dân được phát triển, qua đó công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được quan tâm. Phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ trong nhân dân ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân. Ngoài ra, tỉnh cũng đã huy động được thêm các nguồn lực để xây dựng các cơ sở vật chất văn hóa. Đến năm 1985, toàn tỉnh có 198 trường học phổ thông với 4.789 lớp, giáo viên phổ thông là 4.535 người. Chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Phong trào xóa mù chữ, bổ túc văn hóa đã phát triển mạnh mẽ khắp tỉnh...
Người một lòng vì nước, vì dân
Đồng chí Nguyễn Văn Tiết, quê xã Bình Nhâm, huyện Lái Thiêu (nay là phường Bình Nhâm, TX.Thuận An), giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một từ năm 1946 đến 1948. Năm 1927, đồng chí tham gia Hội kín yêu nước của Nguyễn An Ninh, tham gia nhiều hoạt động như tìm cách giúp đỡ những người nghèo khổ, thành lập các nhóm đọc sách báo tiến bộ để tìm hiểu hoạt động yêu nước của các nhà hoạt động cách mạng.
Từ cuối năm 1929 đến đầu năm 1930, đồng chí gia nhập nhóm thanh niên của Chi bộ An Nam cộng sản Đảng xã Bình Nhâm (tỉnh Gia Định) và tích cực tham gia phong trào đấu tranh của nông dân vùng Lái Thiêu. Tháng 8-1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng tại Chi bộ cộng sản Bình Nhâm, là một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ Bình Nhâm.
Ngày 7-11-1930, nhân kỷ niệm lần thứ 13 ngày Cách mạng tháng Mười Nga, đồng chí được giao nhiệm vụ diễn thuyết cho gần 200 quần chúng xã Thuận Giao về mục đích, ý nghĩa ngày cách mạng vĩ đại này. Sau buổi diễn thuyết, đồng chí kêu gọi mọi người hãy tích cực đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ, đoàn kết chống lại sự nô dịch áp bức của thực dân đế quốc. Do bị chỉ điểm, thực dân Pháp cho lính đến bắt, chúng đưa đồng chí ra tòa án Sài Gòn kết án 5 năm tù, đày ra Côn Đảo. Tháng 6-1936, một số đảng viên trong số 1.000 tù chính trị ở Côn Đảo được Chính phủ bình dân Pháp “ân xá”, đồng chí được trả tự do. Sau khi ra tù, đồng chí tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 3-1946, thực hiện Chỉ thị của Xứ ủy Nam bộ, đồng chí Nguyễn Văn Tiết được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Tổng thư ký Bộ Việt Minh. Trong thời gian này, đồng chí đã sáng lập ra tờ báo “Tiến lên” và kiêm chủ nhiệm tờ báo. Trong suốt những năm đầu kháng chiến, tờ báo do đồng chí phụ trách đã góp phần tích cực tuyên truyền, cổ động toàn quân, toàn dân vượt qua mọi khó khăn, kiên quyết theo Đảng kháng chiến đến thắng lợi. Tháng 9-1947, Quân khu 7 chỉ định đồng chí làm Tỉnh đội trưởng Dân quân Thủ Dầu Một, đồng chí đã cùng với các đồng chí trong Đảng đề ra nhiều biện pháp đẩy mạnh phong trào kháng chiến với tinh thần “Thi đua ái quốc”, xây dựng lực lượng ba thứ quân chiến đấu, sản xuất tự cung, tự cấp, đóng thuế nuôi quân, được nhân dân tích cực hưởng ứng.
Ngày 19-4-1948, đồng chí cùng đoàn công tác đến ấp Bình Đức, xã Bình Hòa, huyện Lái Thiêu, lọt vào ổ phục kích của quân Pháp, đồng chí bị trúng đạn và đã hy sinh anh dũng.
Bài 8: Hòa mình vào không khí đổi mới
CAO SƠN