Cách mạng Tháng Tám: Bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam- Bài cuối

Thứ ba, ngày 01/09/2015

(BDO) Bài cuối: Tương lai của một thành phố trẻ

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Dương sẽ trở thành đô thị loại I, là thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Để hoàn thành mục tiêu này, trong thời gian qua Bình Dương đã khai thác, phát huy lợi thế, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là việc đẩy nhanh quá trình xây dựng Thành phố mới (TPM) Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, sẽ trở thành quận trung tâm của thành phố Bình Dương trong tương lai.

TPM Bình Dương nằm trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị Bình Dương. Đây là dự án do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp TNHH MTV (Becamex IDC) làm chủ đầu tư với diện tích ban đầu trên 4.000 ha. Mục tiêu giai đoạn đầu của dự án là phát triển mở rộng vùng công nghiệp lên phía bắc của tỉnh, làm hạt nhân và tiền đề kích hoạt phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) lâu dài của tỉnh. Trong đó, việc phát triển đô thị hiện đại có vai trò cốt lõi, đáp ứng được yêu cầu phát triển các ngành công nghệ mới có hàm lượng chất xám cao và không thâm dụng lao động; vừa làm vai trò hấp thụ vừa là động lực phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đường Phạm Ngọc Thạch dẫn vào trung tâm thành phố mới Bình Dương

Trên con đường Phạm Ngọc Thạch rộng thênh thang 8 làn xe vừa được hoàn thành đưa vào sử dụng cách đây chưa lâu, chỉ sau vài phút đi xe, TPM đã hiện ra trước mắt với các tuyến đường bề thế như đường tạo lực Mỹ Phước - Tân Vạn, đường kết nối TPM với TX.Thuận An, TX.Dĩ An và là cửa ngõ đến TP.HCM và các tỉnh, thành; đường Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Lê Lợi, Đồng Khởi… kết nối TPM đến các khu vực trong và ngoài tỉnh. Trên những tuyến đường này là những công trình đã đưa vào sử dụng như Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh cùng hàng loạt công trình khác, như Công viên hồ sinh thái rộng 120 ha, Trung tâm Hội nghị Lucky Square, Trung tâm thể thao đạt chuẩn quốc tế; các dự án bất động sản như căn hộ cao cấp dành cho chuyên gia IJC Aroma, phố thương mại Gold Town, Sunflower Villas… Bên cạnh đó, các dự án thành phần như trung tâm tài chính ngân hàng, văn phòng thương mại, công nghệ thông tin, khách sạn, nhà hàng, siêu thị cao cấp đang mọc lên ngày càng nhiều để phục vụ cho 125.000 người định cư và hơn 400.000 người thường xuyên đến đây làm việc.

Nhiều tập đoàn quốc tế, công ty công nghệ và đơn vị giáo dục-đào tạo đã đến đầu tư tại TPM như khu công nghệ của Tập đoàn Mapletree của Singapore, Đại học Quốc tế Miền Đông theo chuẩn quốc tế, hệ thống trường Ngô Thời Nhiệm liên cấp từ mẫu giáo đến THPT, trường THPT Nguyễn Khuyến, trường Quốc tế KinderWorld của Singapore. Đặc biệt, từ năm 2012, Tập đoàn Tokyu, một trong những tập đoàn kinh tế lâu đời của Nhật Bản, có bề dày thực tiễn và kinh nghiệm trong các lĩnh vực như giao thông, xây dựng hệ thống tàu điện, thương mại, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị đã đến đầu tư tại trung tâm TPM Bình Dương. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Becamex IDC cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục xây dựng, phát triển trung tâm TPM theo hướng bền vững, thông minh, thân thiện và kết nối đến các trung tâm lớn của tỉnh và khu vực Đông Nam bộ…”.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bình Dương sẽ trở thành một đô thị trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Theo đó, thành phố Bình Dương là đô thị văn minh, hiện đại, trở thành một trong những đô thị phát triển KT-XH của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng xung quanh. Đây cũng là đô thị đi đầu trong quá trình phát triển có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, mạnh. Khi là thành phố trực thuộc Trung ương, dự kiến đến năm 2020 dân số của Bình Dương là 2,5 triệu người, đến năm 2025 là 3 triệu người; trong đó tỷ lệ dân số đô thị chiếm từ 80 - 83,3%.

Để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Bình Dương đã tập trung vào xây dựng đô thị trong đó TPM sẽ trở thành trung tâm của thành phố Bình Dương trực thuộc Trung ương theo đúng định hướng quy hoạch đến trước năm 2020. Nằm ở trung tâm quan trọng nhất của thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai, TPM là cửa ngõ kết nối, trao đổi và giao thương hàng hóa với các tỉnh, thành. Chính vì vậy, việc phát triển TPM với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại sẽ tạo điều kiện cho tỉnh mời gọi đầu tư, hợp tác với các đối tác nước ngoài thuận lợi hơn. Từ đó thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị của tỉnh nhanh hơn, hiệu quả hơn, giúp cho tỉnh phát triển bền vững trong những năm tiếp theo để tiến tới thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020 đưa Bình Dương trở thành thành phố công nghiệp.

Có thể nói, từ xây dựng hạ tầng công nghiệp tạo đột phá để Bình Dương có được thành quả như hôm nay, hay xây dựng TPM để phát triển bền vững trong thời gian tới, Bình Dương luôn vận dụng hiệu quả chính sách “đi trước, đón đầu” tạo động lực đột phá. Hôm nay, chứng kiến sức sống nơi thành phố trẻ này mới hiểu sức bật của TPM và đã tác động đến sự phát triển KT-XH toàn diện của Bình Dương. Tất cả đang nhộn nhịp hẳn lên tạo sức lan tỏa cho TPM, mở ra cơ hội mang lại những lợi ích to lớn mà nhân dân là người thụ hưởng chính.

Khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đến năm 2020, Bình Dương là một trong những trung tâm công nghiệp lớn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là nơi chú trọng phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu và từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chế biến trên thị trường quốc tế. Đây cũng là thành phố phát triển công nghiệp gắn chặt với đô thị; phát triển mạng lưới công nghiệp - dịch vụ - đô thị theo hướng hiện đại, văn minh và hiệu quả; hình thành và tổ chức sắp xếp các cụm công nghiệp theo hướng kết hợp chặt chẽ với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời phát triển công nghiệp gắn chặt với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong lĩnh vực công nghiệp…

Để đạt mục tiêu đến trước năm 2020, Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung hoàn thiện các trục đường giao thông huyết mạch trong nội bộ tỉnh đã thực hiện trong giai đoạn 2011- 2015 để đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ mục tiêu liên kết vùng, kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp của vùng như cảng Thị Vải, hệ thống cảng Sài Gòn, sân bay Long Thành…; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong vùng để giải quyết các nút thắt về hạ tầng để chủ động kết nối vùng; hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp phía bắc của tỉnh. Tỉnh cũng tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển trung tâm đô thị mới; quan tâm cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực xã hội; bên cạnh đó tập trung thu hút và phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, các ngành phụ trợ.

Trong bài phát biểu khi đến dự lễ khởi động xây dựng phát triển TPM Bình Dương và khánh thành Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá rằng, việc xây dựng TPM Bình Dương là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình phát triển của tỉnh thể hiện tinh thần năng động sáng tạo, thể hiện tầm nhìn phát triển đúng đắn phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa của tỉnh và của đất nước.

 

• TRÍ DŨNG