Cách mạng tháng Tám: Bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam – Bài 6

Thứ năm, ngày 27/08/2015

(BDO)  Bài 6: Bình Dương - vùng đất miền Đông gian lao mà anh dũng

“Đất miền Đông thành đồng Tổ quốc/ Đã lớn lên cùng đất nước lớn lên”. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược kéo dài 30 năm, nhân dân miền Đông nói chung và Bình Dương nói riêng đã đoàn kết anh dũng chiến đấu đi qua những năm tháng lịch sử đầy gian khổ, ác liệt, mất mát hy sinh nhưng cũng rất đỗi tự hào. Vùng đất đỏ miền Đông gian lao mà anh dũng đã oằn mình gánh trên vai bao nỗi thăng trầm của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong đó, những dấu tích oai hùng của Chiến khu Đ, Tam giác sắt, Thuận An Hòa… đã ghi tên mình vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Chiến khu Đ - vùng đất anh hùng

Chiến khu Đ hình thành vào đầu tháng 2-1946, bao gồm căn cứ 5 xã: Lạc An, Mỹ Lộc, Tân Hòa, Tân Tịch, Thường Lang. “Chiến khu Đ cờ vẫn đỏ ngọn cao/ Du kích Tân Uyên ngày đào đắp chiến hào/ Đêm tập một hai vang trường Đất Cuốc...”. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Chiến khu Đ là một trong những căn cứ quan trọng nhất của miền Đông Nam bộ - là trạm trung chuyển quan trọng từ miền Bắc vào miền Nam, là bàn đạp tấn công vào các mục tiêu chính trị, quân sự, kinh tế của địch ở Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Với địa thế rừng núi hiểm trở, Chiến khu Đ trở thành căn cứ quân sự và hoạt động bí mật của lực lượng cách mạng. Chiến khu Đ còn đóng vai trò hậu phương tại chỗ của “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Người dân Chiến khu Đ vừa vững tay cày, vừa chắc tay súng, vừa bao bọc nuôi quân.

Bia tưởng niệm Chiến khu Thuận An Hòa

Vùng đất Chiến khu Đ là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng, như: Thành lập Bộ Chỉ huy quân Giải phóng miền Nam (tháng 12-1961), chuẩn bị cho việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam… Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, địch luôn coi Chiến khu Đ là vùng trắng. Chúng tăng cường tàn phá, cướp bóc, thả bom quyết san bằng vùng đất này. Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Cục miền Nam, cộng thêm sự đùm bọc, che chở của quần chúng nhân dân, các lực lượng Quân giải phóng đã không ngừng lớn mạnh. Từ Chiến khu Đ, cách mạng tổ chức nhiều trận tấn công vào kẻ thù giành chiến thắng vang dội. Kẻ thù luôn tìm mọi cách đánh phá nhưng thất bại. Ngô Đình Diệm và các tướng tá ngụy quyền Sài Gòn từng chua xót nhận định: “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”. Giai đoạn 1962-1967, Chiến khu Đ trở thành căn cứ khá vững chắc đã dốc sức cùng miền Nam trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mâu Thân (1968) và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975). 

Tam giác sắt - vùng đất lửa

Khi nói đến ba xã Tây Nam của huyện Bến Cát là An Điền, An Tây và Phú An, những thế hệ đi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trên chiến trường của tỉnh, của miền Đông Nam bộ lại nhớ đến một vùng căn cứ nổi tiếng của cách mạng. Là vùng đất mà mỗi khi quân Mỹ - ngụy đặt chân tới là bước vào chỗ chết. Với hệ thống địa đạo nối liền 3 xã Tây Nam dài khoảng 70km, với những trận đánh chìm tàu giặc trên sông Sài Gòn, những trận đánh từ ô ụ, địa đạo chiến đấu diệt hàng trăm tên Mỹ - ngụy, phá hủy xe tăng, xe bọc thép của địch bằng vũ khí tự tạo và cả những tay súng bắn tỉa “mười viên chín thằng” đã từng làm cho đội quân viễn chinh Mỹ phải khiếp sợ mỗi khi đặt chân đến vùng đất lửa “Tam giác sắt” này.

Ba xã Tây Nam huyện Bến Cát là An Điền, An Tây và Phú An hợp thành địa bàn có hình tam giác do hai con sông Sài Gòn và Thị Tính chạy bao bọc ba mặt: đông, nam, tây và phía bắc là hương lộ 7 chạy dài từ Rạch Bắp, xã An Tây qua thị trấn Mỹ Phước. Trong kháng chiến chống Pháp, ba xã Tây Nam từng là căn cứ của huyện và một số cơ quan của tỉnh trú đóng. Từ năm 1960 đến cuối năm 1964, Mỹ - ngụy đã thực hiện nhiều cuộc hành quân càn quét vào địa bàn ba xã nhưng đều không thể đánh bật được “Việt cộng” ra khỏi mảnh đất này. Sư đoàn 5 ngụy đã từng nhiều phen bị đòn đau trong những cuộc hành quân càn quét vào địa bàn ba xã Tây Nam. Phú An, An Tây, An Điền của huyện Bến Cát đã trở thành vùng đất lửa thật sự nguy hiểm, đáng sợ đối với quân giặc.

Chiến khu Thuận An Hòa - vững chắc thế trận lòng dân

Chiến khu Thuận An Hòa là tên ghép của vùng đất thuộc ba phường Thuận Giao, An Phú và Bình Hòa, huyện Thuận An, được hình thành từ năm 1946, nhằm tạo thành vùng căn cứ ven đô ở cửa ngõ phía bắc Sài Gòn. Với vị trí chiến lược quân sự thuận lợi ấy, vai trò của Thuận An Hòa cực kỳ quan trọng thời bấy giờ, là nơi trực tiếp phục vụ cho những đơn vị hoạt động ngay trong lòng địch và là nơi tập kết, trung chuyển các lực lượng chiến đấu của ta. Người dân nơi đây cũng hết lòng đi theo cách mạng, tiêu biểu nhất là Bình Hòa (được Bác Hồ đề nghị khen tặng làng kháng chiến kiểu mẫu năm 1948) vì cả làng không ai đi theo giặc.

Ngày 4-6-1965, lần đầu tiên quân Mỹ (Lữ đoàn dù 173 Mỹ) mở cuộc hành quân càn quét vào Chiến khu Thuận An Hòa. Dựa vào hệ thống địa đạo, các ô ụ chiến đấu và giao thông hào, lực lượng C63 của huyện cùng du kích các xã Bình Hòa, An Phú, Bình Chuẩn đã chiến đấu rất dũng cảm. Qua 3 ngày đánh trả quyết liệt, cuộc hành quân càn quét của Lữ đoàn dù 173 đã nếm mùi thất bại. Từ đây đã nổi lên nhiều gương chiến đấu anh dũng như Trần Thị Hoa, Từ Văn Phước, Lê Thị Trung làm cho quân Mỹ khiếp sợ mỗi khi càn quét vào căn cứ.

Trong đợt tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Thuận An Hòa tiếp tục là nơi đứng chân vững chắc cho các lực lượng C63, Trung đoàn 1 Sư đoàn 7 chủ lực miền... xuất kích đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 5, Tiểu đoàn 2 Chiến đoàn 7 Sư đoàn 5 bộ binh ngụy. Đến chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, đây cũng là nơi 2 lần pháo kích 150 trái ĐKB vào sân bay Tân Sơn Nhất gây chấn động tinh thần quân địch tại Sài Gòn. Địch càng liên tục càn ủi phá rừng, ta càng quyết liệt đấu tranh giữ gìn từng tấc đất căn cứ bàn đạp sát nách Sài Gòn này để làm chỗ dựa cho các lực lượng chủ lực của ta tấn công vào trung tâm đầu não của địch góp phần cùng các địa phương thực hiện thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. 

Hai cuộc chiến đi qua, biết bao lần địch chà đi xát lại, nhưng những căn cứ địa cách mạng Chiến khu Đ, Tam giác sắt và Thuận An Hòa vẫn tồn tại hiên ngang, lẫy lừng cả nước vì sự dũng cảm kiên cường, xây dựng nên truyền thống “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Vượt qua bao mất mát đau thương do bom cày, đạn xới, cán bộ và nhân dân các vùng chiến khu, các căn cứ địa cách mạng của miền Đông Nam bộ vẫn kiên cường, bất khuất, vừa lau nước mắt, vừa củng cố lực lượng đánh giặc, lập nhiều chiến công hiển hách. Từ “thế trận lòng dân” của quân dân Bình Dương nói riêng và của miền Đông Nam bộ nói chung đã góp phần cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.

 

NGỌC THANH (tổng hợp)

 

 Bài 7:  Thiên anh hùng ca chói sáng...