Cách mạng Tháng Tám: Bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam - Bài 7

Thứ sáu, ngày 28/08/2015

Bài 7: Thiên anh hùng ca chói sáng…

(BDO)

 “Ôi, nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng/Trào vui nước mắt cứ rưng rưng/Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy/Dồn dập tim ta, trăm trận thắng bừng bừng”. Ngày 30-4-1975 đã đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, non sông Việt Nam thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà. Đại thắng mùa xuân năm 1975 là một trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 Vang khúc khải hoàn

 Đại tá Trần Ngọc Khưu, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 (cánh quân tại Dĩ An) kể lại: “Với nhiệm vụ hỗ trợ phong trào đấu tranh của nhân dân, diệt ác, phá kìm khi có thời cơ, phối hợp với các đơn vị khác tiến công đánh vào nội ô Sài Gòn, tiểu đoàn chúng tôi đã kiên cường bám trụ đánh địch với tinh thần chiến đấu ngoan cường, mưu trí, dũng cảm, quyết giữ vững địa bàn vùng ven, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Ban chỉ huy cánh 5 Sài Gòn - Gia Định giao. Trong các đợt tấn công và nổi dậy, Tiểu đoàn 3 với vai trò mũi nhọn, nhận nhiệm vụ của Ban chỉ đạo tiền phương phân khu 5 đánh vào một số mục tiêu trong nội ô Sài Gòn và đã giành được những chiến công vang dội”.

Sau năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta vừa giành thắng lợi chưa được bao lâu, nhưng với âm mưu thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta, phá hoại nền độc lập của dân tộc ta, thế lực cầm quyền hiếu chiến Mỹ đã đưa quân xâm lược miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, làm bàn đạp tấn công miền Bắc Việt Nam và các nước XHCN. Thiết tha yêu chuộng hòa bình, nhưng kẻ thù lại buộc nhân dân ta phải cầm súng bước vào cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ vô cùng gian khổ nhưng rất oanh liệt. Hàng triệu người Việt Nam yêu nước đã chung sức, chung lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lần lượt đánh bại các chiến lược của địch, từ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” đến chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Cùng “chia lửa” với đồng bào miền Nam, quân và dân miền Bắc đã kiên cường đánh bại nhiều trận phá hoại của Mỹ bằng không quân và hải quân, làm cho địch thất bại nặng nề trên cả hai miền Nam - Bắc, tạo bước phát triển mới cả về thế và lực trên khắp các chiến trường, là điều kiện để chúng ta quyết định đánh đòn “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột (ngày 10-3-1975) và lần lượt giải phóng Tây nguyên, ven biển miền Trung và hải đảo, miền Đông Nam bộ.

Đúng 17 giờ, ngày 26-4-1975, ta mở chiến dịch mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại tiến vào giải phóng Sài Gòn- Gia Định. “Lướt qua nắng mưa, súng bom, nhịp chân đi. Quê hương kêu gọi tiến lên diệt quân Mỹ! Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù. Hướng về đồng bằng ta tiến về thành đô!”. Các quân đoàn chủ lực tinh nhuệ của ta cùng lúc tiến công với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” đồng thời với sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng ở nội, ngoại thành Sài Gòn - Gia Định, quân và dân ta đã khống chế toàn bộ lực lượng của địch. Ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng, miền Nam và cả nước ngập tràn sắc đỏ cờ hoa mừng ngày hội lớn, ngày hội đại thắng của toàn dân tộc Việt Nam.

Vỡ òa niềm vui chiến thắng

“Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp. Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta. Chúng con đến, xanh ngời ánh thép. Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa”. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài 117 năm của đế quốc xâm lược trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc ta độc lập, thống nhất và đưa cả nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội; dân tộc ta bước vào kỷ nguyên phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử mấy nghìn năm, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Cùng với cả nước, Đảng bộ và quân dân Bình Dương đã trải qua những năm tháng đấu tranh bất khuất, kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, hy sinh, đóng góp sức người sức của cho hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của dân tộc. Hàng loạt chiến công gắn liền với những địa danh ở Bình Dương như: Chiến khu Đ, Tam giác sắt, Thuận An Hòa, Phước Thành, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Đất Cuốc, Bông Trang, Nhà Đỏ… đã đi vào lịch sử đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của nhân dân Bình Dương như những dấu son rạng rỡ nhất, hào hùng nhất. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, với tinh thần “Một ngày bằng 20 năm” và tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, cùng với các binh đoàn chủ lực, quân và dân trong tỉnh đã tham gia đánh chiếm toàn bộ các căn cứ quân sự, diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng ngụy quân, đập tan bộ máy ngụy quyền từ tỉnh đến huyện, xã, giải phóng toàn tỉnh, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975. 11 giờ, ngày 30-4- 1975, lực lượng vũ trang tỉnh cùng bộ đội chủ lực phối hợp với 14 đoàn cán bộ của tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Hữu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản đã nhanh chóng tiếp quản các công sở của chính quyền địch. Nhân dân hân hoan đổ ra đường chào mừng các chiến sĩ giải phóng, chào mừng chiến thắng. Cả thị xã rực rỡ màu cờ Tổ quốc và cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 15-5-1975, tại khu vực Gò Đậu, dưới sự chủ trì của Tỉnh ủy, lễ mít-tinh và diễu hành mừng chiến thắng, mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng đã được tổ chức trong niềm hạnh phúc vô biên của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

 Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng đối với những cựu chiến binh đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975 vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức, không bao giờ phai. Thời khắc lịch sử đó, cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Bà Phạm Thị Quýt, người từng tham gia chiến đấu và nuôi giấu cán bộ cách mạng tại TX.Dĩ An cho biết: “Thời khắc lịch sử đó của dân tộc thiêng liêng lắm! Không khí những ngày đầu giải phóng tại tỉnh thật tưng bừng. Hàng ngày, trên các ngả đường dẫn vào trung tâm xe cộ đi lại như mắc cửi. Các công viên, vườn hoa, đường phố… đều rực rỡ cờ hoa và “bạt ngàn màu xanh áo lính”. Và ai nấy, từ bộ đội đến người dân nét mặt đều vui tươi, phấn khởi như trẩy hội mùa xuân, sung sướng đến dâng trào nước mắt”.

Bài 8: 30 năm đổi mới - chàng Phù Đổng vươn mình

 NGỌC THANH