50 năm vang mãi bản hùng ca- Bài 12

Thứ năm, ngày 25/01/2018

(BDO) 3 giờ sáng ngày 31-1- 1968, tiếng súng Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân đồng loạt nổ vang khắp TX.Thủ Dầu Một. Dù trong hoàn cảnh nào, các chiến sĩ Tiểu đoàn Phú Lợi (TĐPL) cũng đã chiến đấu với một tinh thần đặc biệt dũng cảm, không sợ hy sinh. Người trước ngã, người sau tiến lên thay thế chiếm lĩnh các hỏa điểm, vị trí xung yếu…

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã cách đây tròn 50 năm, nhưng với những người từng kề vai sát cách chiến đấu với đồng đội của mình đến giây phút cuối cùng thì những ký ức về một thời máu và hoa ấy vẫn còn nguyên vẹn. Và với ông Dương Văn Liễu, Nguyễn Ngọc Dưỡng… nguyên là những chiến sĩ của TĐPL cũng vậy. Giờ đây, không chỉ lo cho mình, các ông đã cùng với thành viên Ban liên lạc TĐPL đi tìm từng đồng chí, đồng đội để gắn kết lại với nhau. Rồi họ lại chạy đôn chạy đáo xin khu đất công để làm nhà bia tưởng niệm. Bởi theo lời các ông, “Vài năm nữa thôi, thế hệ của những cán bộ, chiến sĩ TĐPL cũng sẽ tuân theo cái quy luật thời gian, về với ông bà, tổ tiên, vậy nên làm cho con cháu nó nhớ…”.

Trung tâm Hành chính thị xã nay là trụ sở HĐND, UBND TP.Thủ Dầu Một, nơi mà TĐPL đã chiến đấu ác liệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.  Ảnh: T.T

Theo lời kể của ông Nguyễn Ngọc Dưỡng, trong đợt 1 xuân Mậu Thân, Trung đoàn Đồng Nai Phân khu 5 được giao nhiệm vụ như sau: Tiểu đoàn 1 đánh vào cầu Bình Lợi mở đường phát triển vào ngã tư Hàng Xanh. Tiểu đoàn 2 và một bộ phận Sư đoàn 7 tiến công phía Nam TX.Thủ Dầu Một, phối hợp với một đại đội của TĐPL đánh vào trung tâm thị xã. Tiểu đoàn 3 theo hướng cầu Bình Lợi (do Tiểu đoàn 1 mở đường) thọc sâu vào nội thành Sài Gòn, hỗ trợ cho lực lượng biệt động chiếm giữ đài phát thanh và sứ quán Mỹ.

Khoảng 3 giờ sáng ngày 31-1-1968, tiếng súng tổng tiến công đồng loạt nổ vang khắp TX.Thủ Dầu Một. Ở tòa hành chính thị xã, Đại đội 1 Phú Lợi cùng phân đội biệt động thị xã chia làm hai cánh nổ súng tiến công. Cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra từ phút đầu. Sau 30 phút chiến đấu, lực lượng ta chiếm lĩnh toàn bộ tòa hành chính và chiếm được 6 xe thiết giáp M 113. Cùng thời gian này, các mũi của Tiểu đoàn 2 tiến công vào ty cảnh sát, vị trí dã ngoại của một tiểu đoàn thuộc chiến đoàn Sư đoàn 5 ngụy. Khoảng 10 giờ, xe tăng và bộ binh địch từ Gò Đậu lên phản kích quyết liệt, có trực thăng vũ trang quần lượn rốc-két vào trận địa chiếm giữ của Đại đội 1. Trước tình thế bất lợi, Đại đội 1 cho phá hủy 6 xe M113 chiếm được từ trước và rút về khu Giếng Máy, xã Hiệp Thành trụ lại tổ chức phòng ngự đánh địch suốt ngày mùng 1 tết. Đồng bào địa phương lo tiếp tế cơm nước, bánh trái cho đơn vị chiến đấu và tham gia cứu chữa thương binh.

Cùng lúc với Đại đội 1 tiến công tòa hành chính, Đại đội 2 và Đại đội 3 cùng lực lượng phối thuộc hình thành 2 mũi tiến công thành Công Binh. Cánh hướng Tây khi đến khu vực hầm đá thì bộ phận phía sau của Đại đội 2 bị lạc đường. Đã đến giờ quy định nên đặc công dùng bộc phá và mìn định hướng mở cửa cho cho Đại đội 2 phát triển và đánh thẳng và sâu vào trận địa đối phương. Bộ phận đi lạc đường nghe tiếng nổ của bộc phá, định hướng, cắt đường tham gia chiến đấu. Các chiến sĩ TĐPL đã chiến đấu với một tinh thần đặc biệt dũng cảm, không sợ hy sinh. Người ngã trước, người sau tiến lên thay thế chiếm lĩnh các hỏa điểm, vị trí xung yếu. Cuộc chiến đấu trong trận địa địch diễn ra cực kỳ ác liệt và phức tạp ngoài dự kiến. Tiểu đội mũi nhọn vượt qua nhiều hỏa điểm đánh thẳng vào chỉ huy địch. Tiểu đội này còn chi viện cho các tiểu đội bạn tiêu diệt địch.

Trong lúc Đại đội 2 đánh nhau quyết liệt với địch chiếm được 2/3 căn cứ thì bên hướng Đông - Bắc, Đại đội 3 với nhiệm vụ đánh vào trận địa pháo nhưng không vượt được địa hình sông rạch, hào lũy phức tạp, đến sáng phải rút ra. Cho đến 6 giờ sáng ngày 31-3, Đại đội 2 vẫn tiếp tục chiến đấu, giữ vững các vị trí đã chiếm. Địch ở các vị trí còn lại cố thủ chống trả quyết liệt. Đến 7 giờ sáng, một tiểu đoàn có xe tăng và máy bay yểm trợ tổ chức phản kích quyết đánh chiếm lại thành Công Binh. Tuy thương vong nhiều nhưng các chiến sĩ Đại đội 2 vẫn dựa vào công sự trong căn cứ duy trì cuộc chiến đấu suốt ngày hôm đó. Tình thế bất lợi, đến 19 giờ, Đại đội 2 được lệnh rút quân cùng với các đại đội trong các tiểu đoàn rút qua ấp Chánh Mỹ về xã Phú Hòa củng cố.

Như vậy trong ngày 31-1, cả hai nơi thành Công Binh và tòa hành chính cùng các mục tiêu khác trong thị xã, các chiến sĩ TĐPL và Tiểu đoàn 2 cùng các lực lượng phối thuộc đã chiến đấu hết sức dũng cảm, táo bạo nhưng vì địch quá đông, hỏa lực rất mạnh nên ta chỉ tiêu hao, tiêu diệt được một bộ phận quân địch, không dứt điểm được mục tiêu. Riêng trận đánh vào thành Công Binh, Đại đội 2 đã chiến đấu với tinh thần quả cảm, thể hiện rõ bản lĩnh kiên cường và truyền thống của TĐPL anh hùng. Cùng ngày 31, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 bất ngờ thọc sâu đánh chiếm chi khu cảnh sát Hàng Xanh làm chủ khu vực. Một tiểu đoàn biệt kích địch đến ứng cứu lọt vào trận địa phục kích bị quân ta đánh thiệt hại nặng.

Ông Nguyễn Ngọc Dưỡng cho biết, đến tối ngày 1-2 (tức ngày mùng 2 tết), sau một ngày củng cố, TĐPL trở lại ấp Chánh Mỹ định tiến công Thành Công Binh lần thứ hai nhưng bị pháo địch bắn mạnh nên ém quân ở ấp Chánh Lộc. 7 giờ sáng ngày 2-2 (mùng 3 tết), phát hiện đội hình trú quân của ta, địch dùng phi pháo kết hợp với bộ binh tiến công vào vị trí trú quân. Tiểu đoàn quần nhau với địch suốt ngày hôm đó, đến tối rút về gò Cào Cào ở xã Tân Định. 8 giờ sáng ngày 3-2, 1 Tiểu đoàn không vận Mỹ cùng với Tiểu đoàn Bộ binh cơ giới lùng sục càn quét vùng chúng nghi tiểu đoàn đóng quân. Phát hiện được dây điện thoại, chúng lần theo dây và hướng bố trí của Đại đội 2 và Đại đội 4. Phát huy sở trường đánh gần “bám thắt lưng địch mà đánh”, các chiến sĩ TĐPL chờ chúng vào thật gần mới nổ súng. Ngay trong đợt chiến đấu đầu tiên, các khẩu B40 của Đại đội 2 và ĐKZ của Đại đội 4 đã hạ 8 xe tăng, xe thiết giáp địch cùng nhiều lính bộ binh Mỹ. Bên cánh Đại đội 1, Đại đội 3 và Tiểu đoàn bộ, cuộc chiến không kém phần sôi động, 6 xe tăng, thiết giáp địch bị phá hủy và bắn cháy. TĐPL trong ngày hôm đó còn đánh bật nhiều đợt tiến công của quân Mỹ. Hai tiểu đoàn Mỹ bị đánh thiệt hại nặng.

Tối ngày 3-2, tiểu đoàn rút về Suối Ổi củng cố. Tiểu đoàn dành hẳn 3 ngày để kiểm điểm rút kinh nghiệm chiến đấu trong đợt tiến công. Rõ ràng, đánh địch trong căn cứ và đánh địch ở dã ngoại thì sở trường của tiểu đoàn là đánh quân địch ở dã ngoại. Quân địch khi thoát ly khỏi căn cứ dù tình huống chiến đấu ác liệt như thế nào và hiểm hóc đến đâu, dù quân địch hơn ta nhiều lần, các chiến sĩ TĐPL vẫn giành được chủ động và tỏ rõ ưu thế về bản lĩnh và sở trường của mình, diệt nhiều sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của địch. Còn đánh vào căn cứ và cơ quan đầu não của địch nằm sâu trong trung tâm thị xã thì đây là lần đầu tiên tiểu đoàn được thử thách, thử nghiệm và học tập được nhiều kinh nghiệm quý giá. Điều mà cán bộ, chiến sĩ TĐPL sơ bộ đúc kết được là phải táo bạo, thọc sâu, đã nổ súng là phải phát triển tiến công không được dừng lại, lợi dụng triệt để địa hình, địa vật, nhà cửa, công sự, tăng cường quan sát, hợp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận, kết hợp giữa phát triển tiến công, phản kích và phòng ngự chiếm vị trí bàn đạp, giữ vững liên lạc với trên, với đơn vị bạn trong mọi tình huống.

Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, trên khắp địa bàn Phân khu 1, Phân khu 5, TĐPL cùng bộ đội huyện, chủ lực Miền, du kích và nhân dân đã thực hành tiến công và nổi dậy trong không khí sôi động chưa từng có. Đấu tranh vũ trang kết hợp đấu tranh chính trị và tiến công binh vận, ta đã diệt hàng ngàn tên địch, tiêu diệt nhiều xe tăng, thiết giáp, diệt ác, phá kìm, phá banh, phá rã nhiều “ấp chiến lược” của địch. (Còn tiếp)

NHÓM P.V