50 năm vang mãi bản hùng ca- Bài 11

Thứ năm, ngày 25/01/2018

(BDO) Hòa cùng khí thế hết sức khẩn trương trên toàn miền Nam chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn Phú Lợi (TĐPL) cũng được gấp rút bổ sung, củng cố quân số, sắp xếp lại cán bộ. Với khẩu hiệu “Đảng bám dân, dân bám đất, bộ đội và du kích bám địch”, TĐPL liên tục lập nhiều công lớn.

Tháng 10-1967 để chuẩn bị cho một kế hoạch chiến lược mới đã được Bộ Chính trị Trung ương Đảng thông qua, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền quyết định tổ chức lại chiến trường, chuẩn bị thế trận tiến công vào Sài Gòn - Gia Định, các thị xã và tỉnh xung quanh. Vì vậy, Quân khu 7 và Quân khu Sài Gòn - Gia Định giải thể, tổ chức lại thành 6 phân khu thuộc Miền. Mỗi phân khu đảm nhiệm một hướng tiến công vào Sài Gòn. Địa bàn Sông Bé nằm trong 2 phân khu. Các huyện Dầu Tiếng, Bắc Bến Cát thuộc Phân khu 1. Các huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Lái Thiêu, Châu Thành, TX.Thủ Dầu Một, một phần Bến Cát, cùng với Dĩ An thuộc Phân khu 5. Theo đó, TĐPL được gom về đứng trong đội hình của Trung đoàn Đồng Nai - trung đoàn chủ lực của Phân khu 5. Như vậy, Trung đoàn Đồng Nai có 4 Tiểu đoàn 1, 2, 3 và TĐPL (lúc này mang phiên hiệu mới là Tiểu đoàn 4). Ông Dương Văn Liễu, nguyên Chính trị viên TĐPL cho biết, dù mang tên gì thì TĐPL vẫn kiên trì thực hiện khẩu hiệu “Đảng bám dân, dân bám đất, bộ đội và du kích bám địch”.

 Thành Công Binh nay là Trường Sĩ quan Công binh, một trong những mục tiêu đánh quan trọng của TĐPL trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: T.T

Theo tình hình lúc bấy giờ, TĐPL được nhân dân và du kích địa phương cho biết Tiểu đoàn 37 thuộc Sư đoàn 5 ngụy đang mở cuộc hành quân lùng sục ở khu vực xã An Sơn, huyện Lái Thiêu. Kết hợp với chủ trương tạo hành lang bàn đạp hoạt động vùng sâu, tạo điều kiện chuẩn bị cho kế hoạch hoạt động lớn sau này, Ban chỉ huy TĐPL cho trinh sát kết hợp với du kích và cơ sở chính trị nhân dân đi điều tra, nghiên cứu và nắm lại tình hình lần cuối của địch ở An Sơn. Qua trinh sát, TĐPL nắm chắc Đại đội 10 thuộc Tiểu đoàn 37, Sư đoàn 5 đang trú quân dã ngoại ở ấp An Quới, xã An Sơn. Đại đội địch đóng quân ở cả ngoài vườn và trong nhà bà Trần Thị P. và Trần Thị Thiểm. Ban chỉ huy thì ở hết trong nhà bà Trần Thị P. Đây là vùng sâu hậu địch, vùng chúng cho là an toàn nên chủ quan, canh gác sơ sài. Lúc này, Đại đội 2, TĐPL do Đại đội trưởng Út Hạnh chỉ huy được giao nhiệm vụ tập kích tiêu diệt địch. Do căn cứ ở xa, lợi dụng triệt để yếu tố bí mật, bất ngờ, Đại đội 2 hành quân trước 1 ngày (ngày 6-11-1967) đến giấu quân ở xã gần đó.

Ngay từ lúc chập choạng đêm 17, trinh sát đã bố trí theo dõi địch. Lúc các mũi tiếp cận, trừ một số ít bọn lính ở ngoài vườn, còn lại tất cả đều châu đầu vào đánh bạc. Lệnh nổ súng lập tức phát ra. Chỉ trong vòng 15 phút, các chiến sĩ Đại đội 2 của TĐPL đã tiêu diệt hoàn toàn một đại đội tăng cường của ngụy, cả bọn chỉ huy đại đội gồm 120 tên, thu tại chỗ 50 súng. Trận đánh chớp nhoáng của Đại đội 2 ở An Quới làm ngụy quân, ngụy quyền ở huyện Lái Thiêu rúng động. Còn nhân dân ở xã An Sơn và cả huyện đều hả dạ. Đánh xong, Đại đội 2 trụ lại trong lòng dân, được nhân dân che giấu, bảo vệ, đêm sau mới rút về căn cứ.

Cùng đêm 17-11, trong lúc Đại đội 2 đánh ở An Quới thì Đại đội 1, 3 của TĐPL và Đại đội 6 thuộc Tiểu đoàn 6, Trung đoàn Đồng Nai tập kích vào vị trí đóng quân của một tiểu đoàn ngụy của Sư đoàn 5 ở Sở Gà, xã Tương Bình Hiệp. Trận đánh kéo dài không dứt điểm. Ta tiêu diệt một đại đội. Sau đó các đơn vị rút về căn cứ lõm ở khu vực Xóm Ruộng. Trong thời gian TĐPL nghỉ ngơi ở Xóm Ruộng thì gặp 1 đại đội Mỹ dùng trực thăng đổ quân càn quét. Thừa lúc chúng đang đổ quân, đứng chân chưa vững ở ngoài rìa căn cứ, các đơn vị được lệnh xuất kích từ hai phía kẹp đại đội Mỹ vào giữa. Đại đội quân Mỹ bị ta tiêu diệt, thu toàn bộ vũ khí. Tiểu đội trưởng Đoàn Văn Thái tuy bị thương vẫn thu được 2 AR15 và 1 PRRC25. Đây cũng là trận cuối cùng của TĐPL trong năm 1967.

Ông Dương Văn Liễu tự hào cho biết, qua hai cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1965-1966, 1966-1967 của Mỹ - ngụy, quân Sông Bé nói chung và TĐPL nói riêng đã góp phần cùng quân dân toàn Miền bẻ gãy ý đồ chiến lược nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường của chúng. Và sau khi tổ chức lại phân khu - một tổ chức phù hợp với yêu cầu tác chiến khi ta mở tiến công chiến lược vào sào huyệt cuối cùng của Mỹ - ngụy, thế trận chiến tranh nhân dân trên cả 3 vùng chiến lược thuộc Phân khu 5 và Phân khu 1 ngày càng được củng cố vững mạnh.

TĐPL sau trận đánh tiêu diệt một đại đội Mỹ ở Xóm Ruộng được lệnh rút về căn cứ Bông Trang bổ sung quân số, sắp xếp lại cán bộ để chuẩn bị bước vào cuộc tổng tiến công. Các đại đội được bổ sung quân số, vũ khí đầy đủ. TĐPL sau khi được bổ sung, củng cố, tuy thời gian ngắn nhưng về cơ bản đã có thể ra quân tham gia chiến dịch. Tinh thần cán bộ, chiến sĩ rất phấn khởi, đặc biệt, khi biết đây là một chiến dịch mang tầm vóc chiến lược, anh em càng thêm hào hứng ra sức chuẩn bị.

Ông Dương Văn Liễu cho biết ngày N. của cuộc tổng tiến công chiến lược đã đến gần. Cán bộ tiểu đoàn được triệu tập về phân khu để nhận nhiệm vụ. Lúc bấy giờ, TĐPL được tăng cường một bộ phận đặc công của phân khu và lực lượng biệt động TX.Thủ Dầu Một có sự chi viện của đại đội hỏa lực phân khu có nhiệm vụ đánh chiếm thành Công Binh và Tòa Hành chính, cùng với Tiểu đoàn 2 ở phía nam tiến công vào giải phóng TX.Thủ Dầu Một.

Trong phạm vi Phân khu 5, kế hoạch tác chiến chiến dịch của phân khu tổng quát lại là sử dụng các Tiểu đoàn 1, 3 làm “tiểu đoàn mũi nhọn”, đánh vào tiếp sức với đặc công và biệt động nội thành chiếm giữ Đài Phát thanh và Tòa Đại sứ Mỹ. TĐPL và Tiểu đoàn 2 là lực lượng chủ yếu tiến công giải phóng TX.Thủ Dầu Một. Bộ chỉ huy phân khu được tổ chức thành 2 sở chỉ huy tiền phương. Sở chỉ huy tiền phương 1 đóng tại xã Hiệp Bình, Thủ Đức chỉ huy lực lượng đánh vào nội thành. Sở chỉ huy tiền phương 2 đóng tại xã Phú Văn, chỉ huy lực lượng tại thị xã.

Trong đợt 1 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, để giữ triệt để yếu tố bí mật, bất ngờ cho kế hoạch tác chiến nên đơn vị nào đánh vào mục tiêu nào là do cấp trên chuẩn bị và trinh sát hướng dẫn khi tiến công. Tiểu đoàn không được trực tiếp nghiên cứu thực địa. Ngày N. đã gần kề. Nhận nhiệm vụ về, Đảng ủy tiểu đoàn họp thông qua phương án tác chiến của tiểu đoàn trưởng và đề ra các biện pháp lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đại đội 1 được giao nhiệm vụ đánh vào Tòa Hành chính tỉnh ở trung tâm thị xã. Đại đội 2, 3 đánh chiếm thành Công Binh. Chi bộ các đại đội họp thông qua phương án tác chiến. Không khí khẩn trương, sôi động, quyết chí lập công dấy lên trong toàn tiểu đoàn.

Ông Dương Văn Liễu cho biết thêm, quán triệt nhiệm vụ và làm công tác tổ chức, hiệp đồng chiến đấu xong đã là chiều 30 Tết Mậu Thân, tức ngày 30-1-1968. Tiểu đoàn hành quân rời căn cứ Bông Trang, tập trung tại ấp An Hòa, xã Hòa Lợi kiểm tra lần cuối và động viên đơn vị bước vào chiến đấu. Được trinh sát cấp trên dẫn đường, ngay trong đêm 30, các đại đội triển khai chiếm lĩnh trận địa tiến công theo nhiệm vụ được giao. Và ngày N. đã đến… (còn tiếp)

 Trong đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, các tiểu đoàn trong Trung đoàn Đồng Nai, Phân khu 5, được giao nhiệm vụ như sau: Tiểu đoàn 1 đánh vào cầu Bình Lợi mở đường phát triển vào ngã tư Hàng Xanh. Tiểu đoàn 2 và một bộ phận Sư đoàn 7 tiến công phía nam TX.Thủ Dầu Một, phối hợp với một đại đội của TĐPL đánh vào trung tâm thị xã. Tiểu đoàn 3 theo hướng cầu Bình Lợi (do Tiểu đoàn 1 mở đường) thọc sâu vào nội thành Sài Gòn, hỗ trợ cho lực lượng biệt động chiếm giữ Đài Phát thanh và Tòa Đại sứ Mỹ.

NHÓM P.V

Từ khóa: