50 năm vang mãi bản hùng ca- Bài 4

Thứ tư, ngày 17/01/2018

(BDO) Sài Gòn - Gia Định là trọng điểm lớn nhất của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bởi vì đây là trung tâm đầu não chỉ đạo toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ - ngụy tại miền Nam Việt Nam. Để bảo vệ Sài Gòn - Gia Định, Mỹ - ngụy đã tổ chức một hệ thống phòng thủ vững chắc nhiều tầng, nhiều lớp với nhiều loại lực lượng tham gia.

Ngay từ phút đầu nổ súng, biệt động ta đã đồng loạt đánh vào các mục tiêu quy định: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Bộ Tư lệnh Hải quân, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh, Tòa đại sứ Mỹ. Trận đánh Tòa đại sứ Mỹ hơn 6 tiếng đồng hồ với 17 chiến sĩ biệt động của ta đương đầu với lực lượng quân cảnh, lính dù của Mỹ đã gây một tiếng vang lớn làm chấn động nước Mỹ. Đồng thời với lực lượng biệt động, các tiểu đoàn mũi nhọn trang bị gọn nhẹ, từ các bàn đạp vùng ven, nhanh chóng tiến vào nội đô trên các hướng. Xung quanh Sài Gòn - Gia Định, các căn cứ quân sự, trụ sở quân đội và chính quyền Sài Gòn ở Biên Hòa, Bình Dương, Hậu Nghĩa, Long An... cũng bị tấn công.

Sài Gòn hỗn loạn khi quân ta đánh vào các mục tiêu quan trọng của Mỹ - ngụy Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: T.L

Nữ thanh niên xung phong Sài Gòn - Gia Định phục vụ các trận đánh vào nội đô trong Mậu Thân 1968. Ảnh: T.L

Đại úy Ngô Văn Vân là người duy nhất còn sống sót trong số 17 dũng sĩ biệt động đặc công đánh vào Tòa đại sứ Mỹ đêm mùng 1 rạng mùng 2 Tết Mậu Thân. 50 năm đã trôi qua, nhưng cứ mỗi lần nhắc đến lực lượng biệt động, các cựu chiến binh vẫn không quên được con người có dáng thấp, ngực nở, tay rắn chắc và nước da ngăm đen nên đồng đội còn gọi Ngô Văn Vân với một cái tên thân mật là Ba Đen. Trong hồi ký của đại tá Tư Cang, tức Nguyễn Văn Tàu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đã ghi lại lời kể của dũng sĩ Ba Đen trong khoảnh khắc đánh vào giới chóp bu Mỹ, rất cảm động… Cho đến hôm nay họ vẫn không quên những hình ảnh đầy máu lửa của buổi sáng hôm ấy trong Tòa đại sứ Mỹ. Đây là lần thứ hai, quân ta đánh vào sứ quán Mỹ. Lần trước cơ quan này đóng ở đường Hàm Nghi, khu vực Chợ Cũ. Quân ta sử dụng một lượng thuốc nổ mạnh đặt trên ô tô, bắn bọn lính bảo vệ rồi chạy xông vào cửa cho nổ tung làm sập tòa nhà lầu nhiều tầng, tiêu diệt một số công chức và sĩ quan Mỹ. Sau trận đánh tài tình ấy, người Mỹ rút kinh nghiệm, không đặt một cơ quan quan trọng như vậy nơi đông người qua lại, khó kiểm soát mà dời về xây cất trên một khu vực riêng biệt trên đại lộ Thống Nhất. Được kiến trúc theo kiểu một pháo đài kiên cố, làm nản lòng mọi ý định tấn công của đối phương.

Lần này hòa trong đợt tấn công Tết Mậu Thân 1968 vào các đô thị trên toàn miền Nam, cấp trên giao cho phân đội biệt động của ông Ba Đen không chỉ đánh bỏ như lần trước mà phải đánh chiếm, kéo dài trận chiến đấu cùng với các phân đội bạn được phân công trên các mục tiêu khác như Dinh Độc Lập, Bộ Tư lệnh Hải quân, Biệt khu Thủ đô, Đài phát thanh… làm rối loạn đầu não chỉ huy của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho các cánh đại quân ta tiến vào đánh chiếm Sài Gòn. Đối với đặc công biệt động dùng lực lượng nhỏ đánh mục tiêu nằm sâu trong lòng địch, đó là ngón sở trường. Nhưng phải trụ lại, chiến đấu phòng ngự, kéo dài trận đánh, ai cũng thấy là điều gay go và phải chấp nhận thương vong.

Gần đến giờ G, toàn đội của ông Ba Đen trên hai chiếc ô tô du lịch chạy lòng vòng quan sát và chờ đúng giờ nổ súng theo quy định. Chỉ còn khoảng hai, ba phút nữa, theo đúng kế hoạch tác chiến, hai đồng chí Văn và Chính cầm tiểu liên nhảy xuống lia vào cổng chính mấy loạt diệt và kiềm chế mấy lính Mỹ đứng gác; hai đồng chí Tèo và Đực xách bộc phá chạy vào đánh sập một mảng tường rào bên cạnh tháp gác đường Mạc Đỉnh Chi. Theo đó, toàn đội chạy tràn vào bên trong sân chia thành bốn mũi: mũi 1 đánh và chiếm giữ cổng trước, mũi 2 chiếm cổng sau, mũi 3 đánh vào dãy nhà nhân viên, còn ông Ba Đen và đồng chí Út Nhỏ chỉ huy những người còn lại đánh thẳng vào khu nhà chính của Tòa đại sứ chiếm tầng trệt một cách dễ dàng, bắt được một số tù binh Mỹ.

Trời sáng dần. Từ các nhà xung quanh giặc kéo đến. Tiếng trực thăng ầm ầm trên nóc nhà. Có thể là địch bốc người đi và đổ quân tiếp viện. Dưới đánh lên, trên nóc nhà đánh xuống, ngoài đường bao vây, toàn đội bắn tỉa từng loạt ngắn, dè xẻn tiết kiệm đạn để duy trì trận đánh càng lâu càng tốt theo mệnh lệnh cấp trên. Thời gian càng kéo dài, trận đánh không cân sức càng diễn ra vô cùng ác liệt, nhiều đồng chí đã hy sinh. Từ trên lầu địch tuôn xuống từng chùm lựu đạn. Ngay từ loạt đầu, Út Nhỏ đã bị thương nặng, buông súng. Còn ông Ba Đen nhờ có thùng cát cứu hỏa ở chân cầu thang che chắn nên chỉ bị mấy mảnh nhỏ sượt vào hông, bụng. Trong lúc lăn tránh lựu đạn ông Ba Đen chạm phải vào thi thể đồng chí Đực mới phát hiện ra đồng chí ấy còn một gói bộc phá trên lưng. Một sáng kiến táo bạo nảy ra. Ông Ba Đen lấy gói bộc phá, bò đến áp sát mình vào chân cầu thang, chờ địch xuống. Ý nghĩ mãnh liệt trong ông giây phút ấy là sẽ hy sinh trong tiếng nổ rền của bộc phá, quyết không để địch bắt sống.

Thấy không còn tiếng súng bắn trả, quân Mỹ lò dò xuống chân cầu thang, lính ngoài sân cũng chạy vào. Với sức mạnh cuối cùng tập trung vào đôi chân, người chiến sĩ can trường Ba Đen vụt dậy lao vào đám đông trước mặt và giật nụ xòe. Một ánh chớp lóe lên giữa quân thù. Hôm đó, sau hai ngày mê man, ông Ba Đen tỉnh dậy thấy mình nằm trần truồng trên băng ca nhà thương Chợ Quán. Sự sống sót của ông là ngoài ý muốn, ông đã bị địch bắt cầm tù tại đảo Phú Quốc.

Hơn 40 năm đã trôi qua, Tổ quốc Việt Nam mến yêu đã sạch bóng quân thù, nhưng đã để lại biết bao đau thương mất mát, nhất là đối với lực lượng tình báo, đặc công biệt động, bởi họ luôn dấn thân mình vào nơi nguy hiểm nhất. Trận đánh vào Tòa đại sứ Mỹ Xuân Mậu Thân 1968 được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, kéo dài thời gian như quy định của cấp trên. Cùng với các trận đánh ở các mục tiêu quan trọng khác, trận đánh vào Tòa đại sứ Mỹ đã gây “cú sốc đột ngột”, làm đảo lộn thế bố trí, phá vỡ kế hoạch tác chiến của Mỹ; làm rung chuyển không chỉ toàn bộ chiến trường miền Nam, mà còn gây chấn động Nhà trắng, Lầu năm góc và làm lay chuyển ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. (Còn tiếp)

Trận đánh Tòa đại sứ Mỹ hơn 6 tiếng đồng hồ với 17 chiến sĩ biệt động của ta đương đầu với lực lượng quân cảnh, lính dù của Mỹ đã gây một tiếng vang lớn làm chấn động nước Mỹ. Đồng thời với lực lượng biệt động, các tiểu đoàn mũi nhọn trang bị gọn nhẹ, từ các bàn đạp vùng ven, nhanh chóng tiến vào nội đô trên các hướng. Xung quanh Sài Gòn - Gia Định, các căn cứ quân sự, trụ sở quân đội và chính quyền Sài Gòn ở Biên Hòa, Bình Dương, Hậu Nghĩa, Long An... cũng bị tấn công.

NHÓM P.V