Xây lý tưởng ở chốn lao tù
Kỳ cuối: Ca khúc khải hoàn
Xây lý tưởng sống, tìm cách thoát khỏi gông xiềng của Mỹ - ngụy là khẩu hiệu hành động, là động lực giúp những chiến sĩ tù chính trị bẻ gãy gông xiềng, vượt khỏi lao ngục để trở về tiếp tục chiến đấu, giải phóng quê hương. Câu chuyện sau đây chúng tôi kể về một người tù kiên cường, quả cảm, đã vượt qua gian khổ, thoát khỏi nơi đày đọa để sớm trở về với cách mạng. Hành động của ông như một khúc khải hoàn, là một biểu tượng của ngọn đuốc cách mạng luôn cháy mãi với tinh thần bất diệt.
(BDO) Ông Hoài luôn tâm niệm, còn sức khỏe, ông sẽ còn còn cố gắng tìm mọi cách để giúp đỡ cho đồng chí, đồng đội của mình
Chúng tôi ngược lên hướng huyện Dầu Tiếng để gặp người cựu tù chính trị tại nhà tù Phú Quốc Trần Thanh Hoài. Dù đã gần 70 tuổi nhưng vẻ trẻ trung vẫn toát ra trên khuôn mặt khi ông dẫn dắt chúng tôi vào câu chuyện ly kỳ của cuộc đời mình. Ông sinh năm 1949 tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Ngay từ nhỏ, ông đã sớm ý thức được 2 chữ “yêu nước” trong hoàn cảnh đất nước bị đế quốc xâm lược. Mới 13 tuổi, ông đã tham gia cách mạng, làm cơ sở mật rồi làm quân báo. Năm 1967, trong một trận càn của địch vào xã Thanh An, ông bị địch bắt rồi được chuyển đến giam giữ tại sân dù Củ Chi, trại giam tù binh Hố Nai - Biên Hòa. Nếm đủ các màn tra khảo, những chiêu trò dụ dỗ của kẻ địch nhưng ông vẫn không khai nửa lời.
Ông chậm rãi kể: “Lúc này, tôi đã là đoàn viên, từng tuyên thệ dù phải hy sinh cũng không đầu hàng địch, không phản bội quê hương. Đúng ngày mùng 1 Tết Mậu Thân 1968, tôi bị đưa ra nhà tù Phú Quốc, giam giữ tại phòng A2. Lúc này, tôi biết trong phân khu của mình chắc chắn có cơ sở Đảng, vì vậy tôi tự đề ra trách nhiệm phải liên kết với tổ chức tại đây...”. Sau hàng tháng trời tìm cách móc nối, ông được chi bộ phòng tin tưởng và giao nhiệm vụ bí mật chuyền cơm cho anh em bạn tù bị biệt giam, tổ chức dạy học cho đoàn viên… Các nhiệm vụ này đều được ông thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao dù phải đối diện với nhiều hiểm nguy.
Môi trường hoạt động cách mạng trong lao tù đã giúp ông trưởng thành nhanh chóng và đến đầu năm 1969, ông được tổ chức kết nạp vào Đảng. Ông nhớ lại: “Đấy là khoảnh khắc mà suốt cuộc đời tôi sẽ không bao giờ quên. Buổi tối hôm đó, đồng chí Trào, Bí thư Chi bộ A2 và đồng chí Tính là người giới thiệu tôi quyết định tổ chức kết nạp Đảng cho tôi. Buổi kết nạp diễn ra trong âm thầm, bí mật, chỉ có 3 người nhưng rất thiêng liêng! Đồng chí Trào lần lượt truyền đạt những Điều lệ Đảng và tôi đọc theo, ghi nhớ trong lòng và giơ tay tuyên thệ. Tôi rất bùi ngùi, xúc động và rơi nước mắt. Giọt nước mắt có phần tủi thân vì kết nạp Đảng trong hoàn cảnh tù ngục nhưng lại đặc biệt vinh dự khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng”. Trở thành đảng viên, ý thức đấu tranh, tinh thần cách mạng của ông tiếp tục phát triển lên cao, sẵn sàng tiên phong nhận những nhiệm vụ khó khăn, đương đầu với những thách thức dù có thể phải hy sinh tính mạng, trong đó có nhiệm vụ vượt ngục.
Nhà tù Phú Quốc vào những năm 1969-1970 địch tăng cường tra tấn, đàn áp người tù. Phong trào đấu tranh của tù binh cũng sôi nổi lên từng ngày. Lúc này, Đảng ủy Phân khu, Chi bộ A2 thống nhất tổ chức cho anh em đào hầm vượt ngục. Ông và 6 đồng chí khác xung phong nhận nhiệm vụ quan trọng này. Ông kể, lúc này trong tù, ông là người trẻ nhất lại trắng trẻo, dáng như thư sinh. Có lẽ vì vậy mà gây được thiện cảm với bọn quân cảnh nên ông ít bị ăn đòn hơn những anh em khác. Tuy không khổ bằng những người tù khác nhưng với lý tưởng trở về chiến đấu, ông vẫn xung phong nhận lãnh trách nhiệm đào hầm, vượt ngục. Do điều kiện khách quan và chủ quan, 2 lần đào hầm vượt ngục của ông đều không thành công, có lần chỉ còn 20m nữa là thoát nhưng không thành.
Qua các lần thất bại, Đảng ủy Phân khu nhận thấy hình thức vượt ngục bằng cách đào hầm không khả quan nên chuyển hướng sang cách thức đánh quân cảnh để chạy thoát. Tổ chức Đảng tiếp tục giao ông xây dựng một đội gồm 16 người để thực hiện nhiệm vụ này. Được điều nghiên từ trước, theo kế hoạch nhóm sẽ lợi dụng lúc ra ngoài đào hố lấp phân sẽ hành động. Do thay đổi nhân sự liên tục vì có người bị bệnh phải thay thế nên mất 3 tuần liên tục, nhóm mới có cơ hội hành động.
Đến tháng 8-1971, Đảng ủy xác định thời cơ đã chín muồi, nhóm của ông nhất trí phải hành động và phải thắng lợi. Mật khẩu hành động của nhóm được chọn là “Trung sĩ ơi! Cho đổi” vì sẽ có thời điểm phải đổi người đào hố. Trong lúc đào hố, lợi dụng bọn quân cảnh lơ là, mật lệnh vừa cất lên, các ông nhanh chóng đánh ngã 9 tên quân cảnh trang bị đầy đủ súng ống. Riêng ông nhanh chóng áp sát tên chỉ huy khi tên này vừa nổ súng vào một người tù. Ông chụp khẩu súng Colt 45 còn nóng hổi, tên chỉ huy bóp cò, viên đạn đi sợt qua đầu ông, sau đó là 2 tiếng bóp cò nữa nhưng súng không nổ do kẹt đạn. Cướp được 2 khẩu súng trường, 1 khẩu súng ngắn, nhóm của ông nhanh chóng tiêu diệt tên quân cảnh cầm khẩu đại liên đứng trên đài quan sát cách đó không xa. Đây là khâu mấu chốt của sự thành bại, nếu không tiêu diệt tên này chắc chắn nhóm ông sẽ bị tiêu diệt.
Sau trận đánh giáp lá cà, nhóm của ông có 5 người hy sinh, những tên quân cảnh sợ hãi bỏ chạy tán loạn; 11 người còn lại, trong đó có 2 bị thương. Với 1 súng ngắn và 1 súng trường, các ông đã nhanh chóng di chuyển đến địa điểm tập kết trên cao theo kế hoạch đã bàn. Sau lưng là đạn bắn như mưa, nhưng ông cố gắng kè người đồng đội bị thương vượt qua 6 lớp kẽm gai mặc cho cả thân mình rướm máu! Đến địa điểm tập kết, khó khăn bắt đầu xuất hiện khi người thuộc đường nhất đã hy sinh. Cả nhóm quyết định đi về hướng bắc đảo. Bất chấp ngày đêm, đói khát, người còn khỏe cõng người bị thương di chuyển theo hướng đã định. 8 ngày trèo đồi, vượt hàng chục km đường hiểm trở, đói thì ăn lá bứa rừng, rau chạy, hạt dẻ, trái sim…; khát thì uống nước suối, khôn khéo vượt các điểm phục kích, các điểm gài mìn của địch, cuối cùng nhóm các ông đến được căn cứ của du kích Phú Quốc ở phía bắc của đảo và cuộc hành trình vượt ngục của những người tù cộng sản đã thành công.
Ông bồi hồi nhớ lại: “Trong suốt cuộc hành trình cam go đó, đến bây giờ tôi vẫn không bao giờ quên hình ảnh tiễn đưa người đồng chí của mình, đó là đồng chí Tính, người đồng chí rất thân của tôi. Chúng tôi vội vã đào huyệt để chôn đồng chí ấy. Khi gục ngã, quần áo đồng chí ấy rách tả tơi do 3 ngày băng rừng, lội suối. Quá thương cảm, ai cũng rơi nước mắt. Riêng tôi đã cởi chiếc quần đùi của mình đổi cho người đã chết dù rằng chiếc quần của tôi không lành lặn hơn là bao…”.
Sớm được trở về với cách mạng, ông ở lại để xây dựng lực lượng du kích Phú Quốc. Sau đó, ông còn tham gia vào các trận đánh giải phóng miền Nam và đến năm 1991 thì trở lại quê hương Bình Dương tham gia công tác địa phương. Hành động vượt ngục của ông và đồng đội như là một khúc khải hoàn ca, là một chiến công to lớn chứng minh cho ý chí sáng ngời của người tù cộng sản. Giờ đây, ông đang là Trưởng Ban liên lạc Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Dầu Tiếng. “Tôi cảm thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều so với những người đã ngã xuống. Vì vậy, còn sức lực, tôi còn cố gắng giúp đỡ cho những đồng chí, đồng đội của mình vì nhiều người có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn”, ông Hoài nói.
Không bao giờ quên những cống hiến, hy sinh của cha ông…
Theo dõi loạt ký sự “Xây lý tưởng ở chốn lao tù” trên báo Bình Dương đã phần nào giúp tôi nhận ra và hiểu rõ hơn về sức mạnh chiến đấu, tinh thần và lý tưởng cao cả của những người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, cụ thể là các đảng viên cựu tù chính trị tại các nhà tù năm xưa. Đúng như những gì loạt ký sự khắc họa, những thủ đoạn tra tấn tàn ác của kẻ địch hay ngục tù đày đọa chỉ có thể giam giữ được thân thể nhưng không thể giam giữ được lý tưởng của những chiến sĩ cách mạng. Cũng chính ký sự này đã phần nào khẳng định, các cựu tù cách mạng đã có đóng góp to lớn vào thành công của cách mạng nước nhà. Đất nước đã trải qua 30 năm đổi mới với nhiều thành tựu to lớn, nhưng hình ảnh các cô các chú tham gia cấp ủy trong nhà tù vẫn tiếp tục giáo dục truyền thống cách mạng, lý tưởng của Đảng và nêu gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo…
Là thế hệ công dân trẻ hôm nay, đặc biệt là một đảng viên trẻ, tôi luôn nhắc nhở bản thân mình phải luôn cố gắng sống, cống hiến nhiều hơn nữa. Tuổi trẻ như chúng tôi sinh ra may mắn không phải trải qua chiến tranh máu lửa, nhưng chúng tôi không thể nào quên sự hy sinh của cha ông, nguyện không phụ lòng các thế hệ cha anh đi trước, nêu cao tinh thần cách mạng, xung kích đi đầu bảo vệ và dựng xây quê hương đất nước...
PHẠM NGUYỄN PHƯƠNG THÀ (Đảng viên trẻ, cán bộ Tỉnh đoàn)
CAO SƠN