Xây lý tưởng ở chốn lao tù - Kỳ 4
Kỳ 4: Cùng anh em phất cao ngọn cờ…
Trong những năm tháng nơi lao ngục, giữa sự sống và cái chết gần kề, vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong nhà tù là yếu tố tiên quyết; là cơ sở vững chắc để những người tù chính trị vượt lên đau thương, kiên gan, bền chí vững tin vào lý tưởng cách mạng, phất cao ngọn cờ tranh đấu cho đến ngày toàn thắng trở về…
(BDO)
Ông Huỳnh Văn Thu hàng ngày vẫn theo dõi những tin tức thời sự của địa phương qua báo Bình Dương. Ảnh: C.SƠN
Bản lĩnh người bí thư
Ông Huỳnh Văn Thu, cựu tù chính trị Phú Quốc, sinh năm 1936, năm nay đã tròn 55 năm tuổi Đảng. Có dịp được gặp ông tại nhà riêng ở phường Phú Cường, TP.TDM, nghe ông kể lại những tháng ngày trong chốn lao tù, chúng tôi càng khâm phục ý chí sắt đá của những người cựu tù chính trị Phú Quốc năm nào. Tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ, năm 1968, trên đường đi làm nhiệm vụ từ Chiến khu Đ trở về, ông lọt vào ổ phục kích của địch, bị thương nặng rồi bị bắt. Sau thời gian được điều trị, ông bị đưa sang nhà giam tù binh Hố Nai, Biên Hòa. Cũng tại nơi đây, người đảng viên này đã nhanh chóng bắt liên lạc được với tổ chức cơ sở Đảng trong nhà tù. Từ đây, ông đã hiểu một triết lý sống phổ quát của người chiến sĩ cộng sản: “Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề cận cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa”.
Chính vì thế, trong thời gian bị giam cầm về sau, dù khó khăn, vất vả, dù phải chịu những đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù, nhưng ông biết chắc chắn ông không hề đơn độc vì đã có sự hiện diện của tổ chức cơ sở Đảng trong các nhà tù. Cùng năm 1968, ông được đưa ra nhà tù Phú Quốc, bị giam giữ tại phân khu C10. Tại đây, ông nhanh chóng tìm cách bắt liên lạc với các đảng viên khác trong phân khu. Sau 1 năm, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy phân khu. Ông Thu nhớ lại: “Số lượng đảng viên, quần chúng trong phân khu C10 khá đông, từ nhiều địa phương khác bị bắt về đây. Lúc này, đảng viên ở các địa phương có các tư tưởng, phương hướng lãnh đạo, chủ trương chiến đấu khác nhau. Vì vậy, nhiệm vụ của tôi lúc này là phải móc nối với những đảng viên các vùng để có sự thống nhất trong lãnh đạo. Công việc này hết sức khó khăn vì lúc này, trong phân khu, dưới đòn roi tra tấn dã man của địch, không thể tránh khỏi có những người bị dao động, thậm chí có thể sa ngã rồi đi làm chỉ điểm. Vì vậy, yếu tố bí mật phải được bảo đảm một cách tuyệt đối…”.
Sau thời gian kết nối được với nhau, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy do ông đứng đầu, đảng viên các vùng miền đã thống nhất phương thức lãnh đạo đấu tranh với mục đích quan trọng là để mọi người không bị mua chuộc, dụ dỗ trước những chiêu bài tâm lý của kẻ thù. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, từng chi bộ, tổ Đảng đã nắm bắt tình hình tư tưởng quần chúng; tổ chức sinh hoạt theo từng nhóm để định hướng anh em bạn tù giữ vững khí tiết, đoàn kết thống nhất đấu tranh chống lại những đòn tra tấn, đàn áp của kẻ thù. Ông Thu cho biết, những cố gắng trong giai đoạn đầu lãnh đạo cơ sở Đảng tại C10 thành công đã làm cho ông cũng như các đồng chí bạn tù thêm trưởng thành và vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự thắng lợi tất yếu của cách mạng. Giai đoạn đầu cũng là cơ sở quan trọng để ông có thêm kinh nghiệm, bản lĩnh lãnh đạo các đồng chí bạn tù đấu tranh trong những năm về sau…
Quyết không khoan nhượng
Từ phân khu C10, ông Thu bị điều sang A10, rồi B10, sau đó lại về B8, một phân khu biệt giam. So với các phân khu khác, phân khu biệt giam ác liệt hơn rất nhiều. Các đòn tra tấn, tra khảo của bọn quân cảnh cũng “nặng đô” hơn. Lúc này, ông được chỉ định làm Phó Bí thư Đảng ủy B8. Xuất phát từ tình hình trước mắt, địch tăng cường tra tấn, đàn áp, ông đã xác định nhiệm vụ của Đảng ủy lúc này là rất nặng nề. Đảng ủy B8 xác định, trước mắt tương quan lực lượng quá chênh lệch. Vì vậy, cần lãnh đạo các đồng chí bạn tù đấu tranh một cách khôn khéo, mềm dẻo để từng bước đòi dân sinh, dân chủ, bảo vệ quyền lợi của người tù. Trong những ký ức không bao giờ quên của ông có ngày 6-5- 1972, đó là ngày những người tù B8 bị thảm sát. Ngày đó, bọn quân cảnh bất ngờ tăng cường lực lượng, chúng đem đại liên lên trên 4 lô cốt quan sát và yêu cầu người tù ra sân phơi nắng để chúng khám xét nơi ở. Thấy tình hình bất lợi, Đảng ủy B8 đã tiến hành họp nhanh, xác định địch có ý đồ đàn áp, vì vậy, cần phải có phương pháp đấu tranh phù hợp.
Trước những hành động khiêu khích, gây hấn của kẻ địch, Đảng ủy đã quán triệt cho các đảng viên phải hết sức kiên nhẫn, chủ động bảo vệ tính mạng vì địch có đầy đủ súng ống trong khi phía ta chỉ có tay không. Sau thời gian Đảng ủy B8 họp nhanh, bọn quân cảnh với gần 100 tên ùa vào bắt những người tù ra ngoài hết. Do được quán triệt từ trước, anh em bạn tù nêu lý do vì nấu cơm chiều chưa chín, khi nào ăn cơm xong rồi sẽ ra. Trước thái độ của người tù, địch tăng cường gây hấn, lúc này một số anh em bạn tù nóng giận xông vào bắt sống 2 tên quân cảnh. Lấy cớ này, bọn quân cảnh xả súng bắn trực tiếp vào người tù. Sau khoảng 30 phút xả súng, bên ta đã có 127 người bị thương và 13 anh em bị chết. Tình hình hết sức gay go, Đảng ủy xác định phải tiếp tục đấu tranh, không lùi bước trước tội ác của địch, ra chỉ thị yêu cầu anh em không được đánh 2 tên quân cảnh bị bắt để thể hiện rõ sự nhân đạo của ta và để địch nhận ra sự tàn ác của mình.
Đảng ủy đã chỉ đạo anh em lên hết trên sân phơi nắng, mang cả những người bị thương và chết cùng lên để đấu tranh với kẻ địch. Trước những họng súng còn bốc khói, những ánh mắt ác ôn của bọn quân cảnh đang bao vây dày đặc, những người tù B8 đã kiên cường, hiên ngang đứng đối diện với kẻ địch. “Bên ta cử người ra nói chuyện, yêu cầu những người bị chết phải được tẩm liệm, làm lễ mặc niệm và truy điệu; khi đưa đến nơi an nghỉ phải có sự giám sát của tù binh, những người bị thương phải được điều trị, đổi lại ta sẽ thả 2 tên quân cảnh bị bắt. Địch đồng ý và cảnh tượng trao trả tù binh “vô tiền khoáng hậu” đã được diễn tra trong cảnh lao tù. Để thị uy bọn quân cảnh, Đảng ủy B8 ra chỉ thị cho anh em lột mũ, lột giày 2 tên quân cảnh rồi mới trao trả. Sau cuộc đấu tranh, những người bị chết được tẩm liệm đàng hoàng. Anh em đã lấy dây kẽm gai kết làm tràng hoa, lấy hoa rừng để truy điệu những người đồng chí, đồng đội kiên trung của mình. Từ sau cuộc đấu tranh này, nhiều tên quân cảnh đã bày tỏ thái độ thán phục, nhìn người tù bằng ánh mắt thiện cảm hơn. Đảng ủy B8 xác định địch đã nhượng bộ lớn, cuộc đấu tranh của ta đã thắng lợi”, ông Thu kể.
Giờ đây, khi nhớ lại ký ức một thời đau thương mà anh dũng, ông Thu vẫn tỏ rõ sự bồi hồi, xúc động, đặc biệt là không có một sự thù hận nào. Ông bảo: “Mỗi khi nhớ lại những sự kiện đó, tôi lại rưng rưng nước mắt. Tinh thần đấu tranh của anh em là rất kiên cường nhưng những mất mát cũng rất lớn. Nếu không có những chỉ thị nhanh chóng, kịp thời của Đảng ủy, chưa biết bên ta sẽ còn đổ máu bao nhiêu nữa. Qua sự kiện này, có thể thấy, sự lãnh đạo của cơ sở Đảng là rất quan trọng, là yếu tố tiên quyết để lãnh đạo người tù đấu tranh với những kìm kẹp, những đòn tra tấn ác ôn của kẻ thù, khiến địch phải khiếp sợ và nhân nhượng”.
Kỳ 5: Như hoa hướng dương
CAO SƠN